Sau vụ thay bảng tên Chùa Nghệ sĩ bằng “Nghĩa trang Nghệ sĩ” gây xôn xao dư luận, ngày 25/6, UBND TP.HCM đã có công văn yêu cầu Hội Sân khấu thành phố rút kinh nghiệm trong công tác quản lý.
Chùa Nghệ sĩ đã được đổi tên thành Nghĩa trang nghệ sĩ vào hôm 18/6
Ngoài ra, UBND TP.HCM còn giao Sở Văn hóa Thể thao chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND quận Gò Vấp và Hội Sân khấu TP.HCM rà soát, báo cáo tổng thể, đề xuất UBND TP xem xét các vấn đề liên quan đến Chùa Nghệ sĩ - Nghĩa trang Nghệ sĩ trong tháng 7.
Trước đó, Sở Văn hóa - Thông tin cũng đã có công văn đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, tham mưu về pháp lý cơ sở nhà đất, phương hướng hoạt động thời gian tới tại Chùa Nghệ sỹ và Nghĩa trang Nghệ sỹ; đồng thời quan tâm trùng tu, cải tạo khu vực này nhằm đảm bảo gìn giữ mỹ quan, thể hiện sự trân trọng đối với công lao của các nghệ sỹ đã có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật.
Theo ghi nhận, ngày 18/6, Ban quản lý Nghĩa trang Nghệ sĩ đã gắn bảng tên mới "Hội Sân khấu TP.HCM - nghĩa trang Nghệ sĩ" thay cho bảng tên “Chùa Nghệ sĩ” mà chưa thông qua Ban chấp hành (BCH) Hội Sân khấu TP.HCM gây xôn xao dư luận.
Ngay sau sự việc, BCH Hội đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm với việc Ban ái hữu Nghệ sĩ đã sửa chữa bảng chữ chưa chính xác.
Trong cuộc họp ngày 23/6, Ban Ái hữu Nghệ sĩ (trực thuộc Hội Sân khấu TP.HCM) đã nhận khuyết điểm về việc tự ý thay bảng tên Chùa Nghệ sĩ.
Bản thân NSƯT Trịnh Kim Chi - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM cũng khẳng định: "BCH Hội Sân khấu TP.HCM hoàn toàn không có việc xóa sổ di tích".
Chùa Nghệ sĩ là nơi an nghỉ của hàng trăm nghệ sĩ danh tiếng như: NSND Năm Châu, NSND Phùng Há, NSND Ba Vân, NSƯT Thanh Nga, NSƯT Minh Phụng...
Chùa Nghệ sĩ (Nhựt Quang Tự, hoặc Phật Quang Tự) nằm ở địa chỉ 116/6 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp. Theo một số tư liệu, năm 1958, nghệ sĩ Phùng Há được Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế tài trợ mua đất làm nơi yên nghỉ cho nghệ sĩ cải lương.
Sau khi bà Phùng Há mua mảnh đất 6.080 m2, gần 10 năm, chùa chưa được xây vì thiếu kinh phí. Năm 1969, bầu Năm Công (Lê Minh Công) xin nghệ sĩ Phùng Há cho dựng am để tu hành.
Năm 1970, sau khi am hoàn thành, bầu Năm Công quyết định bán vì không còn tiền trả nợ. Bầu Xuân (gánh Dạ Lý Hương) mua lại am với giá gần 100 cây vàng, xây thành chùa, một phần diện tích làm nơi mai táng của nhiều nghệ sĩ và thân nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận