Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương hội tụ nhiều điều kiện để bán toàn bộ dự án |
Ba phương án bán đường cao tốc
Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, hiện nay, VEC đang thực hiện lộ trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT. Theo đó, VEC đang xây dựng kế hoạch bán, chuyển nhượng quyền thu phí 5 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài 540 km. Trong đó, VEC đã đưa vào khai thác, thu phí các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai và một phần tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng chiều dài 320 km. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2018, VEC sẽ lần lượt đưa vào khai thác phần còn lại của tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (năm 2015); Đà Nẵng - Quảng Ngãi (năm 2017) và Bến Lức - Long Thành (năm 2018).
Với lộ trình bán 5 dự án đường cao tốc, ông Tuấn Anh cho biết, VEC đang nghiên cứu triển khai theo ba phương án là: bán toàn bộ dự án; Bán một phần của dự án và bán quyền thu phí cho các nhà đầu tư để có nguồn vốn đầu tư dự án mới. “Cả ba phương án này đều có thể bán được, tùy thuộc vào mức độ quan tâm của nhà đầu tư mà chúng tôi có thể bán trong thời gian từ 5 năm, 10 năm hay 20 năm”, ông Tuấn Anh nói.
Tại cuộc họp về xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, để gỡ điểm nghẽn về vốn đầu tư hạ tầng giao thông, không thể trông chờ vào ngân sách Nhà nước, vào Trái phiếu Chính phủ. Ngành GTVT phải chi rất nhiều tiền cho đầu tư phát triển hạ tầng, phải đi đầu trong việc tái cơ cấu đầu tư công. Để bán các công trình giao thông có thể bán toàn bộ hoặc một phần dự án, hay chỉ bán quyền thu phí đều được. Cao tốc TP HCM - Trung Lương bây giờ thừa sức bán luôn cả công trình để lấy tiền đầu tư dự án mới. Giá cả phải tính toán để nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân cùng có lợi. Muốn vậy phải công khai minh bạch quá trình mua bán. |
Tổng Giám đốc VEC cũng khẳng định, các dự án giao thông đều là tài sản quốc gia, khi đem ra bán phải tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch và ứng với mỗi hình thức mua, bán sẽ có những mức giá khác nhau. Theo đó, giá bán phải đảm bảo hai tiêu chí nhà đầu tư có lợi nhuận và phù hợp với quyền lợi của Nhà nước.
“Chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu các nhà đầu tư xem họ quan tâm đến yếu tố nào, yêu cầu ra sao? Nhà đầu tư mua các dự án đường cao tốc đòi hỏi phải có nguồn vốn rất lớn nên trước mắt chúng tôi tập trung nghiên cứu các nhà đầu tư nước ngoài. Còn các nhà đầu tư trong nước nếu đầu tư, nhiều khả năng chỉ quan tâm đến mảng nhượng quyền thu phí”, ông Tuấn Anh lý giải.
Ở một khía cạnh khác, ông Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) cho biết, từ năm 2011 đến nay, Cửu Long CIPM đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. “Việc lựa chọn nhà đầu tư đương nhiên sẽ ưu tiên các nhà đầu tư trong nước trước. Tuy nhiên, chúng ta không quá kỳ vọng vào các nhà đầu tư này bởi tiềm lực của họ còn hạn chế nên phải tập trung vào nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực mạnh về tài chính, khả năng quản lý cũng tốt hơn, khi họ tham gia vào đầu tư dự án chắc chắn sẽ thành công”, ông Minh khẳng định.
Chuyển nhượng dự án đã đầu tư là xu thế tất yếu
TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội KHKT cầu đường VN cho biết, việc bán các dự án hạ tầng giao thông đã đầu tư là xu thế tất yếu. Nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông hiện nay rất lớn, trong khi tiềm lực kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn nên việc tính toán, chuyển nhượng các dự án đã đầu tư là rất cần thiết.
“Khi nhu cầu lớn mà nguồn lực có hạn, buộc phải bán các dự án đã đầu tư xây dựng. Đây là xu thế của nhiều nước trên thế giới đã triển khai. Tuy nhiên, hiện nay hành lang pháp lý về vấn đề này vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cái gì còn thiếu phải đề xuất bổ sung ngay để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư”, TS. Long nói.
Chiều 29/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, việc sắp xếp các nguồn lực cho quốc gia để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng là một cách tiếp cận rất tốt và cần thiết trong điều kiện nợ công tăng cao như hiện nay. Theo ông Phước, chủ trương bán quyền thu phí hoặc cổ phần hóa các công ty đầu tư phát triển đường cao tốc để Nhà nước có ngân sách đầu tư các công trình hạ tầng mới là chủ trương hoàn toàn đúng đắn.
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cũng cho biết, thời gian qua, nhiều dự án giao thông tiềm năng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và có khả năng chuyển nhượng cao như: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; TP HCM - Trung Lương; TP HCM - Long Thành - Dầu Giây... “Tới đây, Cục QLXD&CLCTGT sẽ yêu cầu chủ sở hữu các dự án tiến hành làm hồ sơ kêu gọi các nhà đầu tư chuyển nhượng các dự án hạ tầng giao thông có tiềm năng. Hồ sơ này phải nêu rõ được các yếu tố kỹ thuật, tài chính, lưu lượng xe, khả năng thu hồi vốn để các nhà đầu tư có đủ thông tin lựa chọn”, ông Sanh chia sẻ.
Đức Thắng - Đình Quang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận