Vận tải

Bàn cách kết nối vận tải giữa TP.HCM với các tỉnh Đông-Tây Nam Bộ

29/09/2017, 17:00

Nhiều đề xuất đẩy mạnh kết nối các phương thức vận tải để tạo đột phá kinh tế liên vùng được quan tâm...

20170929_094152

Toàn cảnh hội nghị bàn giải pháp kết nối vận tải giữa TP Hồ Chí Minh và Đông - Tây Nam Bộ

Vận tải thủy - bộ chưa kết nối

Sáng 29/9, tại TP.HCM, Cục Hàng hải VN phối hợp với Sở GTVT TP.HCM tổ chức hội nghị về nâng cao năng lực kết nối các phương thức vận tải từ TP.HCM đến các tỉnh Đông – Tây Nam Bộ.

Cục Hàng hải VN cho rằng, việc kết nối giữa vận tải đường bộ với đường thủy nội địa và đường biển hai khu vực Đông – Tây Nam Bộ với TP.HCM chưa phát triển. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, hoạt động trung chuyển giữa các loại hình vận tải chưa thuận lợi. Các tuyến đường thủy hạn chế khả năng khai thác phương tiện lớn, tốc độ cao. Đồng thời, hệ thống bến bãi và các dịch vụ hậu cần cũng chưa phát triển khiến đường thủy nội địa chưa phát huy được lợi thế.

20170929_104933

Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực III nêu ý kiến: Vấn đề kết nối phương thức vận tải thời gian qua làm chưa sâu, thậm chí còn bỏ lơi, làm lãng phí lợi thế, năng lực vốn có. Chưa tìm được, chưa tận dụng được phương thức vận tải hợp lý để đầu tư. Vị này lấy ví dụ một vùng rộng lớn dọc sông Sài Gòn có nhiều KCN Bình Dương phát triển mạnh, nhưng hầu hết hàng hóa đi bằng đường bộ, gây quá tải, tắc đường, giá thành cao…

Trong khi nếu đầu tư về đường thủy, nhận hàng từ các KCN thì các chi phí rất là thấp. Chúng ta chưa tận dụng lợi thế của khu vực về giao thông… Ngay như việc phương tiện vướng cầu Bình Lợi do tĩnh không cầu thấp đã tồn tại rất lâu nhưng mãi tới nay mới được đầu tư.

Vẫn còn tàu mắc cạn trên luồng

Ông Ngô Minh Thuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho hay, TCT rất đồng thuận với chủ trương của Bộ GTVT và Cục hàng hải VN và đang tích cực điều tiết với quan điểm là không tăng lượng hàng hóa tại cảng Cát Lái, tập trung nguồn hàng cho khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Hiện nay, xu hướng dịch chuyển hàng hóa tại TP.HCM ra cụm cảng Cái Mép rất nhanh. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, cụm cảng TP.HCM chỉ tăng hơn 5% lượng hàng còn cụm Cái Mép tăng tới 28,2%.

Riêng về luồng kết nối với các cảng, ông Thuấn cho rằng cần có sự đầu tư nạo vét, duy tu thường xuyên để đảm bảo cho tàu bè ra vào các cảng. Ngay như luồng Soài Rạp, thiết kế 9,5m nhưng hiện nay đang rất thấp, có những nơi cốt chỉ 6,5 đến 7m. Vừa qua đã có tàu mắc cạn trên luồng này. Ngoài ra, phát triển đường thủy nên nâng tĩnh không các cầu.

20170929_101238

Ông Phạm Thanh Tùng, đại diện ứng dụng giao dịch vận tải IZIFIX trao đổi thông tin với hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Thanh Tùng, phụ trách ứng dụng giao dịch vận tải IZIFIX cho biết: IZIFIX đã và đang tham gia tích cực vào quá trình kết nối các phương thức vận tải bao gồm cả đường biển, đường TNĐ và đường bộ thông qua App giao dịch trên điện thoại thông minh rất thuận tiện. Giao dịch hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, ứng dụng còn là “chợ” để các đối tác mua bán phương tiện vận tải cũ như tàu, sà lan, xe tải, điều tiết cung cầu phương tiện, tránh dư thừa, khắc phục chiều chạy rỗng…

Kết nối các phương thức vận tải: Việc cần làm ngay

Theo Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang, kết nối đa phương thức vận tải tuy đã có quy hoạch nhưng làm sao để thực hiện được quy hoạch là việc cần làm ngay.

Hiện nay, hệ thống bến bãi thủy nội địa chưa quy mô, chưa cơ giới hóa và chưa đáp ứng được các hình thức vận tải đa phương thức.

Với TP.HCM, Đông – Tây Nam Bộ chưa khai thác hết được tiềm năng của khu vực sông ngòi dày đặc mà chỉ dừng lại ở đường biển, đường bộ là chính… Chính vì vậy, việc kết nối đồng bộ các phương thức vận tải là khâu đột phá để mở ra các hướng phát triển kinh tế.

Riêng về luồng Soài Rạp, ông Sang cho biết, luồng này được giao cho TP.HCM chủ trì nạo vét, duy tu. Vừa qua thành phố đã triển khai, tuy nhiên có bất cập khi nạo vét lần đầu vẫn còn một số đoạn cạn, chưa đạt độ sâu 9,5m. Để khắc phục, hiện nay Cục đang soạn thảo tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định mở rộng ra các tuyến luồng từ các nguồn ngân sách khác…

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, Sở sẽ tích cực làm tốt vai trò, thẩm quyền của mình trong việc điều phối các phương thức vận tải vùng. Sở cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục. Tuy nhiên, để điều phối liên vùng thì cần có sự quan tâm của Cục Hàng hải và Bộ GTVT.

Ông Cường đề nghị Cục Hàng hải tập trung thể chế hóa, điều chỉnh quy hoạch nhóm cảng biển số 5. TP.HCM đang thực hiện hàng loạt giải pháp như đẩy cảng biển ra xa nội đô, phát triển các cảng sông, cảng cạn, mở thêm nhiều tuyến đường để nối TP. HCM với các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ.

Ông Cường thông tin, riêng vấn đề kẹt xe ở Cát Lái, Sở đang thi công cầu Bà Cua, làm trục kết nối với Nguyễn Thị Định, lắp hệ thống camera… Đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin như phần mềm chia sẻ vận tải (của IZIFIX), cổng thông tin của Sở... Qua đó có thể theo dõi lượng hàng, lượng phương tiện ra vào các cảng để có sự điều tiết phù hợp. Thông qua ứng dụng, các chủ doanh giảm chí phí, có nguồn hàng để chuyên chở…

Đông Nam Bộ (gồm 5 tỉnh và TP.HCM) là khu vực kinh tế phát triển nhất nước, đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hàng năm. Nơi đây nhiều sông lớn, tập trung nhiều cảng chính như cảng Sài Gòn, Cái Mép, Thị Vải với nhóm cảng biển số 5 quy tập tại Cát Lái (TP.HCM và Cái Mép – Thị Vải (Vũng Tàu) là trọng tâm.

Tây Nam Bộ (TNB) bao gồm 13 tỉnh, thành, trong đó có 4 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, với 6 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu phụ kết nối với Campuchia. TNB có bờ biển dài khoảng 740km, hơn 360.000km vùng biển – đặc quyền kinh tế, là luồng hàng hải quốc tế sôi động…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.