Chuyện dọc đường

“Bản danh sách đáng sợ”

13/03/2020, 06:36

Vừa qua, cộng đồng xôn xao vì bản danh sách các F1, F2 của bệnh nhân Covid-19 số 21 được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.

img
Bản danh sách các cá nhân tiếp xúc với các ca nhiễm Covid-19 lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Minh họa: Trí Khang

Có rất nhiều cuộc tranh luận xoay quanh câu chuyện này.

Những người có tên trong danh sách tất nhiên không thể chấp nhận khi toàn bộ thông tin cá nhân như tên tuổi, giới tính, nơi làm việc, địa chỉ gia đình, số điện thoại... được phơi bày hết lên mạng.

“Bản danh sách đáng sợ” được người ta chia sẻ khắp nơi kéo theo vô vàn những phiền phức khi bỗng dưng bị soi mói một cách không giấu giếm. Thậm chí, nhiều gia đình bị xa lánh, hắt hủi, bị kỳ thị, xúc phạm.

Tôi đã thấu hiểu điều này khi có tên trong bản danh sách đó.

Việc chia sẻ thông tin cá nhân một cách công khai khi chưa nhận được sự đồng ý từ đương sự chắc chắn vi phạm đến quyền riêng tư của cá nhân.

Quyền này được ghi nhận và bảo vệ theo Điều 17 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Quyền riêng tư cũng được ghi nhận tại Điều 21 của Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và đã được cụ thể hoá trong nhiều Luật.

Tuy nhiên, nhiều người lại nhìn sự việc ở góc độ khác.

Họ thấy cần có quyền được biết những F1, F2 này là ai? Sống ở đâu? Có gần nơi cư trú của họ không? Họ cần biết để tránh đi cho an toàn, để không vô tình biến mình thành những F tiếp theo.

Với họ, việc công khai bản danh sách kia là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh có thể xem là khẩn cấp này.

Vậy đâu là giới hạn của việc bảo vệ các quyền riêng tư? Liệu trong trường hợp khẩn cấp như: Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh... quyền riêng tư của người này có thể bị tước bỏ vì quyền lợi của người khác hay không?

Trước hết, phải khẳng định, việc thu thập dữ liệu danh sách người tiếp xúc bệnh nhân là cực kỳ cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng cần kiểm soát.

Nhưng danh sách này không phải để công khai chia sẻ cho toàn bộ công chúng mà để dùng cho những người có trách nhiệm về y tế và giám sát tại cộng đồng.

Một khi nhà chức trách đã nắm rõ thông tin những người cần cách ly và đã sử dụng các biện pháp cần thiết để những người này không thể lây lan tiếp dịch bệnh ra cộng đồng (nếu thật sự họ mang mầm bệnh) thì công chúng cần gì phải lo lắng?

Những người không có trách nhiệm liên quan không cần thiết phải biết bản danh sách này. Cho dù họ có vận dụng quyền được biết thì cũng phải dừng lại ở ranh giới này.

Thứ hai, nhiều người nói đây là trường hợp khẩn cấp nên các thông tin cá nhân này cần được công khai. Đồng ý rằng trường hợp khẩn cấp, một số quyền có thể bị hạn chế hơn so với chuẩn mực thông thường, kể cả quyền riêng tư. Nhưng kể cả khẩn cấp thì vẫn phải dựa trên luật pháp.

Luật pháp sinh ra để trù liệu trước các tình huống sẽ xảy ra trong tương lai và chỉ ra cho người ta thấy nếu anh hành xử thế này thì sẽ có kết quả hay hậu quả thế kia.

Vì vậy, kể cả trong hoàn cảnh khẩn cấp thì vẫn phải có luật và trong luật phải ghi rõ trong trường hợp khẩn cấp thì nhà chức trách được làm những việc a, b, c như thế nào.

Trong trường hợp này, nếu muốn công khai danh tính các F kia thì phải có quy định của pháp luật cho phép điều đó.

Rất tiếc, pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định này.

Đồng thời, Việt Nam cũng chưa hề công bố tình trạng khẩn cấp. Vì vậy, muốn công khai bản danh sách thì phải có sự đồng ý của đương sự và việc đăng tải phải tuyệt đối không có dấu hiệu của sự kỳ thị, xúc phạm.

Nếu không, việc công khai này, dù có được biện luận là vì sự minh bạch, vì đảm bảo an toàn của cộng đồng thì vẫn là một sự vi phạm đến quyền riêng tư.

Như vậy, có thể nói, việc công khai bản danh sách những người tiếp xúc bệnh nhân là một sự vi phạm quyền riêng tư không chấp nhận được.

Những ai chia sẻ thông tin này chắc chắn là đang vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư được ghi nhận trong khuôn khổ pháp luật quốc tế, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Cuộc chiến chống dịch còn dài, chỉ mong trong sự hoảng sợ nhất thời của một nhóm người nào đó, xã hội vẫn giữ được những nguyên tắc hành xử đúng luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.