Cắt băng bàn giao tàu. |
Chiếc tàu đánh cá vỏ thép lưới rê mang tên Hải Âu được Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Sông Đào (thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) bàn giao cho ngư dân Trần Văn Châu – xã Hải Chính – Huyện Hải Hậu – Nam Định. Đây là dấu mốc quan trọng của SBIC nhằm thực hiện Đề án hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy sản thay thế hàng chục ngàn tàu cá vỏ gỗ thành vỏ thép, đảm bảo sản lượng cũng chất lượng thủy sản và đặc biệt an toàn cho ngư dân trên các ngư trường xa bờ.
Đây là một trong 6 tàu mẫu đánh cá vỏ thép khác nhau được SBIC sử dụng nguồn vốn của Tổng Công ty, rà soát, thử nghiệm và tập trung đóng nhằm phục vụ tốt nhất cho các ngư dân tại các vùng biển ba miền Bắc – Trung – Nam.
Tàu vỏ sắt Hải Âu được bàn giao, chạy thử |
Các loại tàu vỏ thép được làm mới sẽ phụ thuộc vào mức độ đánh bắt và loại hình khai thác trên biển, phần lớn có công suất từ 400 – 800CV, một số ít 1.000CV do đó được các ngư dân rất hào hứng đầu tư đóng mới tại cơ sở của nhà nước với cơ chế cho vay lãi suất ưu đãi.
Trong số các tàu được đóng mới, SBIC cũng sẽ đưa ra mẫu tàu dịch vụ cho ngư trường, có thể làm đá, bảo quản và sơ chế hải sản ngay trên tàu trong những chuyến đi biển dài ngày, nâng cao chất lượng thủy hải sản.
Theo ông Phạm Bình Minh – Trưởng ban Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ (SBIC): "Đây là chủ trương của Chính phủ nhằm chuyển các loại tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép cho ngư dân các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Quảng Ngãi. Theo kế hoạch, giữa tháng 6/2014, chúng tôi sẽ bàn giao đủ 6 tàu cá vỏ thép cho ngư dân. Sáu tàu này sẽ là những sản phẩm đầu tiên để ngư dân đánh giá hiệu quả của tàu võ thép so với tàu vỏ gỗ. Từ đó sẽ có những kiến nghị lên các cấp chính quyền mở rộng hơn việc đóng tàu vỏ thép cho ngư dân”.
Nói về kinh phí đóng tàu vỏ thép thay vỏ gỗ, ông Minh cho biết, tàu vỏ thép có kinh phí từ 5 – 7 tỷ đồng. So với vỏ gỗ cao hơn từ 60 – 70%. Tuy nhiên hiệu quả cao hơn nhiều nên chúng tôi nghĩ sẽ có lợi hơn với ngư dân. Theo đề án, kinh phí đóng tàu được thực hiện theo phương pháp thuê mua. Tức là ban đầu SBIC sẽ bỏ kinh phí đóng tàu và sẽ thu hồi vốn trong thời gian khoảng 5 – 7 năm. Vốn vay cho ngư dân được hỗ trợ với lãi suất thấp.
Cũng theo ông Minh, loại tàu này có kết cấu thân vỏ bền hơn. Các khoang được chia ra làm nhiều khoang trữ nước nên trong trường hợp bị thủng một khoang cũng không bị chìm. Bên cạnh đó, tàu thép trữ được nước, nhiên liệu, lương thực nhiều hơn. Có điều kiện sinh hoạt ăn ở cho thuyền viên tốt hơn. Các khoang cá được thiết kế đúng qui chuẩn nên thời gian bảo quản cá được dài hơn, mức tiêu hao nhiên liệu ít hơn và thời gian đánh bắt trên biển cũng dài hơn với khoảng 2 tuần đến 1 tháng.
Được biết, hiện cả nước có hơn 120 nghìn tàu gỗ của ngư dân. Trong đó, số tàu có công suất lớn có thể chuyển sang làm vỏ thép khoảng 25 nghìn tàu.
Phát biểu tại lễ bàn giao tàu Hải Âu, ông Nguyễn Ngọc Quế - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Sông Đào cho biết: “Sau 2 tháng thi công, con tàu đã được cơ quan đăng kiểm cấp chứng nhận. Hy vọng chuyến đi khai thác của tàu Hải Âu vào đầu tháng 5 tới sẽ có kết quả tốt.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Đoàn Hồng Phong, tàu cá VN cũng như Nam Định chủ yếu là tàu gỗ, không bảo đảm tính năng an toàn và độ bền không cao. Chính vì thế việc đóng tàu cá vỏ thép xa bờ luôn là điều mong ước của bà con ngư dân. Những con tàu vỏ thép chắc chắn, đảm bảo an toàn vừa mang lại lợi ích kinh tế cho ngư dân vừa góp phần giúp ngư dân đánh bắt xa bở hơn, có mặt tại vùng lãnh hải phía xa của Tổ quốc.
Phát biểu tại lễ bàn giao tàu, ngư dân Trần Văn Châu hứa sẽ sử dụng hiệu quả tàu cá để phát huy tốt nhất những ưu điểm của loại tàu vỏ thép và sớm thu hồi vốn và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với công ty.
Tiến Mạnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận