Ban lãnh đạo Cienco 6 trong Đại hội Đồng cổ đông lần đầu tiên sau khi CPH |
40 năm đã trôi qua, sau nhiều lần chia tách, rồi sáp nhập thì phần lớn cán bộ Ban Giao thông công chính (GTCC) trở về công tác tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 hôm nay, nhiều người đã mất, người còn tuổi đã cao. Lớp con cháu lại tiếp bước cha ông, phát huy truyền thống Ban GTCC trước kia, sắt son với ngành GTVT, quyết tâm xây dựng đất nước to đẹp hơn.
Ngày truyền thống 27/4
Tháng 12/1973, để chuẩn bị giao thông cho các vùng được giải phóng ở B2 (Đông Nam bộ), Trung ương Cục miền Nam điện yêu cầu Trung ương gửi một lực lượng GTVT cơ giới và cán bộ kỹ thuật vào B2 càng sớm càng tốt. Bộ GTVT chuẩn bị rất nhanh, trong thời gian ngắn, đoàn GTVT A đi B2 đã xuất phát từ Hà Nội ngày 2/3/1974 vào đến Bù Đốp (Bình Phước) mất 20 ngày, đợt thứ hai cũng hành quân vào cuối năm 1974. Tổng cộng hai đợt đã có hơn hai nghìn CBCNV.
Đa số cán bộ quản lý, kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật đã kinh qua hai cuộc đảm bảo GTVT chống chiến tranh phá hoại của Mỹ (từ 1965-1968 và 1972). Về cơ giới có 130 xe tải mới, 20 máy ủi, 18 lu, hai bộ cầu cáp, hai bộ thiết bị khai thác đá, một xưởng sửa chữa cơ khí, có bốn đội cầu đường, hai đội cầu, hai đội khai thác đá và ba đội vận tải cơ giới. Lực lượng nòng cốt lấy từ các đơn vị thuộc Bộ GTVT, Tổng cục Đường sắt, Cục Công trình 1 và 2, Cục cơ khí, Cục Vận tải đường sông, trường Đại học Giao thông, Viện Kỹ thuật giao thông… Các Sở GTVT Hà Nội, các Ty GTVT của Hà Bắc, Nam Hà, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Hưng, Vĩnh Phú…
Vào đến B2, đoàn GTVT A được Trung ương Cục miền Nam phân công địa bàn hoạt động, khảo sát địa hình, lắp ráp xe máy thiết bị, lên kế hoạch thi công cầu, đường theo yêu cầu.
Ngày 27/4/1974, Trung ương Cục miền Nam ra Quyết định số 02/QĐ/74 thành lập Ban GTCC thuộc Trung ương Cục miền Nam. Đồng thời, bổ nhiệm đồng chí Đặng Văn Thông - Viện trưởng Viện Kỹ thuật giao thông làm Trưởng Ban GTCC miền Nam (đồng chí Đặng Văn Thông sau này giữ chức Thứ trưởng Bộ GTVT phụ trách phía Nam). Ngày 27/4 hàng năm được lấy là ngày truyền thống của Ban GTCC, tiền thân của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 hiện nay).
Nhiệm vụ của Ban GTCC là vừa chiến đấu ở khu vực Đông Nam bộ chống biệt kích vừa làm đường cho bộ đội ta hành quân.Kết quả là chỉ trong 80 ngày đã làm được 40km đường mới ngang thượng nguồn sông Sài Gòn từ Lộc Ninh sang Tân Biên. Đoạn này, trước kia xe hai cầu vượt qua mất gần một ngày, khi làm xong rút ngắn còn 30 phút. Từ tháng 1 đến cuối tháng 3/1975, khai thông đường nối đường Trường Sơn của đoàn 559 từ Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh kéo dài đến tận vùng giải phóng căn cứ địa Tân Biên dài hơn 150km; mở đường mới vùng giải phóng Cây Gáo, Vĩnh An - Tà Lài, Mã Đà.
Các cán bộ Ban GTCC miền Nam công tác tại Cienco6 đã về hưu trong ngày họp mặt 15 năm trước. |
Sang tháng 4/1975, tình thế chuyển biến rất nhanh, lực lượng cơ giới của Ban GTCC được lệnh tiếp cận hỗ trợ đường hành quân của các cánh quân Tà Lài đánh về Định Quán (Đồng Nai). Cánh quân từ hướng Bến Cầu (Tây Ninh), Đức Huệ đánh về Bến Lức, Tân An (Long An), dọc sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây...
Tổng kết lại, đường giao thông của ta từ trong căn cứ lấn dần ra ven QL14, vùng giải phóng được mở rộng đến đâu thì Ban GTCC có trách nhiệm đảm bảo GTVT tuyến đường cũ, đồng thời mở đường mới phục vụ đắc lực cho bộ binh, cơ giới quân ta cơ động vu hồi đánh diệt địch trong chiến dịch Hồ Chí Minh ở vùng miền Đông Nam bộ.
Khôi phục tuyến đường sắt Thống nhất sau ngày chiến thắng
Trong không khí hân hoan của ngày chiến thắng 30/4/1975, Ban GTCC lại bắt tay ngay vào nhiệm vụ mới, trưa 30/4/1975 và sang ngày 1/5/1975, Ban nhận nhiệm vụ đưa tất cả lực lượng còn ở B2 vào Sài Gòn trực tiếp tiếp quản Bộ GTCC chính quyền Sài Gòn.
Ban Quân quản K6 (thuộc Ban GTCC) tiếp quản toàn Bộ GTCC Sài Gòn, đóng ở 92 đường Công Lý (nay là Văn phòng thường trực phía Nam Bộ GTVT - 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Rồi Sở Đồ án ở 24 Trần Khắc Chân, Q1 (nay là Công ty CP Tư vấn thiết kế 625).
Các địa điểm khác như: Tổng cục Kiều lộ, Cục Đường sắt, Đường thủy, Nhà máy Bê tông Châu Thới, Cơ khí 623 ở Lồ Ồ, Mỏ khai thác đá 621… cũng dần được tiếp quản đầy đủ đến tháng 7/1975 thì hoàn tất.
Không khí những ngày 30/4/1975 thật khó tả, người dân thì hồ hởi reo hò đón từng đoàn quân rầm rầm tiến vào tiếp quản Sài Gòn. Ai cũng muốn được mời cán bộ quân quản (oai phong với mũ tai bèo, quân phục màu xanh, súng lục và dao găm giắt bên hông) về thăm nhà và dùng cơm thân mật. Về tổ chức con người, những nhân sự có tay nghề của chính quyền cũ ra trình diện được sử dụng ngay để có thể vận hành bộ máy. Nhiệm vụ quan trọng lúc này là khôi phục hệ thống giao thông phía Nam bị hư hỏng nhiều do bom đạn chiến tranh. Duy nhất chỉ còn tuyến đường sắt Sài Gòn - Biên Hòa là hoạt động được.
Vật tư tiếp quản được như dầm cầu, sắt thép, tà vẹt được vận chuyển từ Sài Gòn ra Đà Nẵng; đoạn đường sắt bị hư hỏng nhiều nhất cần khôi phục là Đà Nẵng đi Diêu Trì. Đa số cầu đường sắt bị bom đánh sập, đường ray cũng phải thay thế nhiều.
Từ Diêu Trì, đường sắt được khôi phục dần dần vào đến Phú Yên, Phú Khánh, Tháp Chàm, Bình Thuận rồi Biên Hòa, đến cuối tháng 12/1976 thì công việc hoàn tất.Ngày 31/12/1976, chuyến tàu mang tên Thống Nhất xuất phát từ Hà Nội chạy thẳng vào đến TP Hồ Chí Minh, mang theo niềm vui sum họp Bắc - Nam một nhà. Công lao khôi phục tuyến đường sắt sau chiến thắng 30/4 ghi dấu của Xí nghiệp Công trình 4, tiền thân của Cienco6 ngày nay.
Tiếp bước truyền thống cha ông
40 năm đã trôi qua, sau nhiều lần chia tách, rồi sáp nhập thì phần lớn cán bộ Ban GTCC trở về công tác tại Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 hôm nay, nhiều người đã mất, người tuổi đã cao. Lớp con cháu lại tiếp bước cha ông, phát huy truyền thống Ban GTCC cha ông, sắt son với ngành GTVT, quyết tâm xây dựng đất nước to đẹp hơn.
Cienco6 hôm nay đang không ngừng phát triển, để lại nhiều dấu ấn quan trọng qua những công trình trọng điểm như: Xây dựng đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận - cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam, Hầm đường bộ Bắc Hải Vân, cầu Cần Thơ, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Sân bay Cần Thơ, Phú Quốc, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc TP HCM - Trung Lương, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (gói thầu 2 Liên danh với Nhật Bản).
(Ghi theo lời kể từ các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ Cienco6, nguyên cán bộ Ban GTCC miền Nam)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận