Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai |
Chiều 7/11, Quốc hội nghe các báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, và thảo luận ở hội trường về nội dung này.
Báo cáo trước Quốc hội, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm so với năm 2016, tuy nhiên, số đoàn đông người tăng 10,2% so với năm 2016. "Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai", Tổng thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Theo báo cáo, năm 2018, Chính phủ xác định sáu nhóm nhiệm vụ chủ yếu của các cấp, các ngành. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật đất đai năm 2013, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân; giải quyết kịp thời, dứt điểm vụ việc mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở...
Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng Chính phủ còn thiếu phân tích về tính chất của một số vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm.
Cơ quan thẩm tra nhất trí với nhận định về nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, đó là do còn thiếu tính nhất quán trong chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ còn hạn chế...
"Tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới có thể diễn biến phức tạp, khó dự báo, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, nông nghiệp, đầu tư xây dựng, giao thông vận tải…" - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nói.
Phát biểu thảo luận về nội dung này, ĐB Võ Đình Tín (Đăk Nông) đặt câu hỏi: “Vì sao số lượng vụ việc giảm nhưng tính chất lại nghiêm trọng hơn?”.
Theo ông Tín, một trong những nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, là do công tác tiếp công dân chưa thấu tình đạt lý, khiến người dân mất lòng tin.
Đánh giá tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt khoảng 83% như Chính phủ báo cáo là khá tốt, ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vùng Tàu) đề nghị Chính phủ, Quốc hội bổ sung thêm ba giải pháp cho lĩnh vực này.
Cụ thể, khi Chính phủ xây dựng kế hoạch thanh tra thì nên tập trung thanh tra đột xuất, tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo. "Tâm lý chung của người đi khiếu nại, tố cáo là muốn gặp người có chức vụ cao nhất trong cơ quan công quyền, vì vậy cần tiếp tục duy trì và tăng cường việc lãnh đạo đối thoại với dân", ĐB Tuấn kiến nghị.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn lại bày tỏ chưa thực sự yên tâm trước những vụ việc khiếu nại của công dân dai dẳng năm này qua năm khác, còn các cơ quan chức năng có biểu hiện đùn đẩy trong giải quyết.
“Không ít người đi khiếu nại phải bán hết tài sản để theo đuổi trong thời gian dài, có những người đời cha mẹ khiếu nại chưa xong lại chuyển sang đời con. Đây là mũi kim đâm vào da thịt, là sự nhức nhối nếu chúng ta đặt địa vị mình vào người dân đi khiếu nại?”, ông Sơn trăn trở.
Theo đại biểu này, trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, điều quan trọng không phải là thành tích làm được bao nhiêu, "nhiều hay ít phần trăm", mà ngược lại các cơ quan Nhà nước còn nợ dân bao nhiêu, chừng nào giải quyết xong. "Như thế mới là công bộc của dân", ông Sơn nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận