Tâm sự

Băn khoăn hậu bác sỹ trẻ cắm bản

27/06/2017, 14:16

Dự án “Đưa bác sỹ trẻ về vùng sâu vùng xa”, được Bộ Y tế phê duyệt từ năm 2013.

16

Bác sỹ trẻ Phạm Văn Tuấn trong một lần khám tình nguyện tại xã nghèo

Cần đưa nhiều bác sỹ trẻ “đi nghĩa vụ”

Ngày 28/6 tới đây, 7 bác sỹ trẻ sẽ được Bộ Y tế bàn giao về nhận công tác tại 4 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai và Bắc Kạn. Đây cũng là khóa bác sỹ trẻ đầu tiên được đào tạo theo dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn”. Theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), để đảm bảo các bác sỹ trẻ có thể “độc lập tác chiến” ở vùng khó khăn, công tác đào tạo được ưu tiên theo hướng “cầm tay chỉ việc” và “một kèm một”. Hình thức đào tạo giống như chương trình bác sĩ nội trú, sinh viên ra trường được học ngay mà không cần thời gian làm việc tối thiểu 2 năm mới được đào tạo chuyên khoa, đồng thời được cọ xát thực tế tại các BV lớn…

Trong đợt bàn giao lần này còn có BS Phạm Văn Tuấn (SN 1990, Hải Dương), từng là SV tốt nghiệp loại giỏi của ĐH Y Hà Nội. Khi ra trường, đứng trước nhiều lựa chọn như công tác tại BV tỉnh hay ở lại trường làm việc, nghiên cứu… Tuấn không quá đắn đo để quyết định tham gia dự án. “Cái được lớn nhất, không gì đánh đổi được với sinh viên ngành y, đó là được đào tạo chuyên khoa ngay sau khi ra trường. Tại BV Nhi T.Ư, em được cử riêng một giáo sư quan tâm, kèm cặp nên tay nghề “lên rất nhanh”, Tuấn lý giải.

Nhận định về chất lượng khóa đào tạo, GS.TS Phạm Minh Thông, Phó giám đốc BV Bạch Mai cho rằng, các bác sỹ được bàn giao đều có thể làm tốt và bài bản tại địa phương. “Cần mở rộng chương trình để các bác sĩ được “đi nghĩa vụ”, hết thời gian ai có nguyện vọng tiếp tục thì cho ở lại để nâng cao chất lượng y tế tại các vùng xa”, GS.TS Phạm Minh Thông nói.

Mới đào tạo được gần 80/300 bác sỹ trẻ tình nguyện

Được biết, Dự án “Đưa bác sỹ trẻ về vùng sâu vùng xa”, được Bộ Y tế phê duyệt từ năm 2013. Theo đó, Bộ Y tế phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội xây dựng mới chương trình khung và chương trình chi tiết 10 chuyên ngành: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn  đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu... Hiện, đã có 4 khoá đào tạo cho 54 học viên được Bộ Y tế phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội tổ chức. Khóa 5 dự kiến tổ chức vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2017 cho 24 học viên. Như vậy, tổng số học viên đã, đang và sẽ đào tạo chuyên khoa là 78 bác sỹ trẻ. Theo ông Phạm Văn Tác, thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục rà soát, khảo sát thực trạng, nhu cầu bác sỹ, nhu cầu đào tạo chuyên khoa I tại các huyện nghèo; tiếp tục đào tạo chuyên khoa I cho ít nhất 300 bác sỹ trẻ.

Đối tượng điều chỉnh của dự án là bác sỹ chính quy tốt nghiệp loại khá, giỏi và bác sỹ nội trú tại các trường Đại học Y trong cả nước; bác sĩ đã tốt nghiệp các trường đại học y chưa chính thức được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở y tế công lập. Trường hợp bác sỹ trẻ đang tham gia dự án tự ý bỏ việc khi chưa đủ thời gian làm việc tại các huyện theo cam kết thì phải bồi thường kinh phí hỗ trợ ban đầu và kinh phí đào tạo kể từ khi tham gia dự án (Cơ sở đào tạo không cấp bằng chuyên khoa I và chứng chỉ hành nghề, không được tôn vinh). 

Ngay từ đầu, dự án đã đặt ra mục tiêu giữ lại bác sĩ giỏi ở tuyến dưới, giảm bớt quá tải bệnh viện và người bệnh yên tâm hơn trong quá trình khám chữa bệnh… Tuy nhiên, không ít chuyên gia băn khoăn về quy định thời hạn tình nguyện của các bác sỹ tham gia dự án. Cụ thể, thời gian công tác tối thiểu đối với bác sỹ nam là 3 năm và bác sỹ nữ là 2 năm. Dường như, quãng thời gian tình nguyện này là quá ngắn để có thể đạt được mục tiêu mà Bộ Y tế kỳ vọng? “Sau quãng thời gian nhất định để có thể thích nghi môi trường làm việc và văn hóa vùng miền, các bác sỹ vừa kịp cống hiến thì đã đến thời hạn “rút quân”, tiếp tục để lại một “khoảng trống” tại các cơ sở y tế . Ngoài ra, ngay khi tham gia dự án, các bác sỹ đã được đảm bảo “đầu ra”, được tuyển dụng là viên chức của các đơn vị y tế, trong đó có nhiều BV lớn như: BV Bạch Mai, BV Nhi T.Ư… Hết thời hạn “đi nghĩa vụ”, liệu có bao nhiêu bác sỹ từ bỏ đặc lợi để tiếp tục ở lại làm việc ở khu vực còn trăm ngàn khó khăn? Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Tác thừa nhận: “Có nhiều người chất vấn câu hỏi này và chúng tôi cũng phải suy nghĩ. Làm sao để quyền lợi và nghĩa vụ cũng phải tương đồng với nhau; trách nhiệm của các bác sỹ trẻ cũng phải rõ ràng, đã tình nguyện rồi, phải cống hiến thực sự để đem lại niềm tin của cho người bệnh”.

Trước lo ngại bác sỹ trẻ tình nguyện sẽ ra đi sau khi hết thời hạn, dự án của Bộ Y tế đang hướng tới việc tìm bác sỹ tại địa phương đủ tiêu chí để đưa đi đào tạo, sau đó trở về làm việc. Bên cạnh đó, Sở Y tế các tỉnh cũng phải chuẩn bị lực lượng. “Chúng tôi cố gắng tối đa để không để khoảng trống cho địa phương. Tuy nhiên, đây cũng cũng là thách thức”, ông Phạm Văn Tác chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.