Xã hội

Băn khoăn lý do chuyển Bộ Công an quản lý GPLX

02/10/2020, 12:03

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ hỏi: "Nếu vì GPLX giả mà chuyển Bộ Công an quản lý GPLX, thì các bằng cấp giả khác, có chuyển nốt không?"

img
Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 17 Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

“Bao nhiêu bằng khác bị làm giả, có chuyển nốt sang Bộ Công an cấp?"

Chiều 1/10, tiếp tục phiên họp toàn thể thứ 17, Ủy ban Quốc phòng và an ninh đã cho ý kiến dự án Luật Bảo đảm Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.

Tại cuộc họp, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2 đồng ý tách phần TTATGT ra một phần luật chuyên sâu, nhưng đề nghị cứ để Bộ GTVT tiếp tục thực hiện đào tạo, sát hạch, bởi “nói chuyển quản lý để không có GPLX giả, tôi tin chắc khi chuyển GPLX sang Bộ Công an quản lý, không thể 100% không có GPLX giả”.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) phát biểu: “Lấy gì làm căn cứ để khẳng định Bộ Công an làm tốt hơn Bộ GTVT? Chúng ta có thể nâng cao chất lượng được không? Làm sáng tỏ vấn đề đó thì hãy đặt vấn đề chuyển, chuyển là cả 1 vấn đề lớn”.

Đồng quan điểm, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho hay, việc chuyển thẩm quyền quản lý GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an về chính sách không phù hợp Nghị quyết số 17/NQ-TƯ (ngày 1/8/2007).

Theo Thiếu tướng Bộ, đây là 1 chủ trương lớn của Đảng vì nó đề ra trong Nghị quyết của Đảng. “Vậy xin hỏi các đồng chí đã xin ý kiến của Đảng chưa? Rõ ràng chưa xin, trong báo cáo hồ sơ chưa có”, vị Thiếu tướng phân tích.

Ông Bộ cũng khẳng định, việc chuyển quản lý cấp GPLX từ Bộ Công an sang Bộ GTVT từ năm 1995 đến giờ cơ bản ổn định.

“Đành rằng chất lượng đâu đó còn vấn đề, có chuyện cấp GPLX giả nhưng nhiệm vụ của lực lượng CAND là kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm chứ không phải là cấp”, ông Bộ nói và cho rằng, việc chuyển thẩm quyền cấp GPLX rõ ràng rất lãng phí, phải sắp xếp lại các cơ sở đào tạo lái xe, đội ngũ nhân sự...

“Nếu vì cấp GPLX giả, đào tạo không tốt mà chuyển Bộ Công an, vậy bao nhiêu bằng cấp giả khác, chúng ta có chuyển nốt sang Bộ Công an đào tạo không? Bao nhiêu CMND do Bộ Công an cấp, cũng có giả, vậy có vì lý do đó mà chuyển nhiệm vụ cấp CMND ra khỏi Bộ Công an hay không?”, Thiếu tướng Mai Bộ nhấn mạnh.

Nêu thực tế tách 2 luật có thể dẫn tới câu chuyện Bộ Công an sẽ phải mở cả trường đào tạo phi công, lái tàu thuỷ, lái tàu sông…, Thiếu tướng Mai Bộ đề xuất để nâng cao chất lượng sát hạch GPLX có 1 cách làm cực rẻ và làm được ngay.

Đó là trong Luật GTĐB hiện nay, chúng ta luật hoá quy định thành phần cứng tham gia cấp GPLX, có đại diện của lực lượng CAND, thì chúng ta k cần tách luật, mà hiệu quả rất tốt.

Cân nhắc hệ lụy phát sinh khi tách luật

Về vấn đề tách luật, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ phân tích: “Luật GTĐB là 1 luật chuyên ngành có 4 chế định, có 4 đối tượng phạm vi điều chỉnh. Nếu tách ra thì phá vỡ kết cấu hệ kỹ thuật. Hơn nữa TTATGT chỉ là mục đích ban hành Luật GTĐB, không phải là đối tượng điều chỉnh. Có cần tách không khi TTATGT chỉ là mục đích, không phải đối tượng điều chỉnh? Tách ra là có hệ luỵ. Về kỹ thuật lập pháp, tôi đề nghị chuyển 2 luật chúng ta định tách thành một”.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, nguyên Phó chính ủy Quân khu 7 cũng đề nghị cần nghiên cứu kỹ việc tách luật để đảm bảo 1 chính sách, 1 bộ luật mới ra đời đảm bảo tốt nhất kéo giảm TNGT. Thực tế trong những năm gần đây chúng ta làm có tiến bộ. Ủy ban ATGT Quốc gia năm nào cũng báo cáo TNGT đều giảm. “Đến giờ này tôi vẫn giữ quan điểm không nên tách”, tướng Hoàng nêu quan điểm.

Đồng quan điểm không tách luật, đại biểu Phùng Văn Hùng cho rằng cam kết “tách luật giảm TNGT” của Bộ Công an hơi chủ quan. “Trong thời gian qua chúng ta chưa quy trách nhiệm rõ ràng khi để xảy ra TNGT. Phân tích, xác định trách nhiệm rõ ràng thì sẽ kiểm soát được ATGT. Tách luật khó có thể khẳng định được TNGT giảm”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, tại phiên họp, một số ý kiến khác đồng tình với quan điểm trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và an ninh giao Bộ Công an để thống nhất quản lý về phương tiện và người tham gia giao thông; quản lý hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt, chặt chẽ từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX.

“Chuyện tách nhập là bình thường, khi yêu cầu thực tế đòi hỏi phải tách Luật để đảm bảo tốt hơn cho người tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn thì chúng ta tách”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) phát biểu.

"Nếu Luật được thông qua: Bộ Công an có giải pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao"

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, vấn đề ATGT và kết cấu hạ tầng giao thông đều phải được quan tâm, tập trung đảm bảo tính chuyên sâu, đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người dân.

Về các ý kiến băn khoăn công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX giao cho Bộ Công an hay Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Việc sát hạch GPLX, kiểm định phương tiện - là kiểm soát những nguồn nguy hiểm gây TNTG thì phải được kết cấu trong Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ.

“Hiện nay, Bộ Công an thực hiện sắp xếp tổ chức, tinh gọn biên chế đã đảm bảo Công an 4 cấp, đã triển khai Công an xã trên toàn quốc, vì vậy, việc nhận các việc để bảo đảm tốt hơn về ATGT thì sẽ tăng đầu việc được giao nhưng không tăng biên chế, chỉ thêm việc, không thêm người. Vấn đề quan trọng là đảm bảo tính chuyên sâu, khi quy định cụ thể thì quản lý chặt chẽ hơn, tốt hơn”, ông Ngọc nói.

Ông Ngọc giải thích "không thể triệt tiêu ngay TNGT nhưng quan trọng là chúng ta tiến tới văn minh trong tham gia giao thông, bớt dần tai nạn thảm khốc, thiệt hại con người, tài sản". Vị thứ trưởng Bộ Công an cam kết "nếu dự án Luật được thông qua, chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân về đảm bảo TTATGT, có giải pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao”.

"Không phải tách luật là mọi vấn đề về trật tự ATGT sẽ chấm dứt"

Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, vấn đề tách hay không tách luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, đánh giá, cho ý kiến. Việc tách cần cân nhắc thật kỹ, làm rõ cơ sở, sự cần thiết và xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

Theo ông Đỗ Bá Tỵ, thực tế ở nước ta, những tồn tại hạn chế liên quan đến GTĐB không phải tất cả xuất phát từ thực tế Luật GTĐB quy định chung cho cả 2 nội dung. Nếu không giải thích rõ vấn đề này sẽ dẫn đến cách hiểu không đúng về Luật GTĐB hiện hành và cũng không nên thể hiện quá mức để dẫn đến cách hiểu khi Luật này ra đời thì mọi vấn đề về TTATGT sẽ được chấm dứt.

“Bởi vấn đề quan trọng nhất trong đảm bảo TTATGT ở nước ta nói chung và lĩnh vực GTĐB nói riêng, đó chính là ý thức, văn hoá tham giao thông và vấn đề thực thi công vụ của cơ quan quản lý Nhà nước. Các vấn đề này cần 1 giải pháp tổng thể mới làm được", ông Tỵ nói.

Liên quan đến quản lý, đào tạo, sát hạch, thu hồi, cấp đổi GPLX, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, thực tế khi thảo luận còn đang có nhiều ý kiến khác nhau. Kết luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ, giao Bộ nào quản lý, đào tạo, sát hạch, thu hồi, cấp đổi GPLX, thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ.

“Vấn đề này cần giải trình, làm rõ, nghiên cứu kỹ lưỡng để tạo ra sự đồng thuận, có tính khả thi. Làm sao phải thuận lợi cho người dân, cải cách thủ tục hành chính, không phiền hà cho người tham gia giao thông”, ông Tỵ nêu quan điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.