Làm rõ "biện pháp vũ trang"
Sáng nay (15/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 8, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ hai, có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc quy định “biện pháp vũ trang” và sự cần thiết quy định điều này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
Thường trực Ủy ban cho rằng, “biện pháp vũ trang” là một trong 7 biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia quy định tại Điều 15 Luật An ninh quốc gia và đã được quy định tại khoản 14 Điều 16 (Nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân) Luật Công an nhân dân năm 2018; Luật Công an nhân dân cũng đã quy định cụ thể các đối tượng phục vụ trong Công an nhân dân. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ điều này.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, tại các luật nói trên chưa có quy định cụ thể về "biện pháp vũ trang" và các văn bản dưới luật cũng chưa thấy quy định thế nào là "biện pháp vũ trang". Do đó, ông đề nghị cần rà soát lại.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật góp ý, dự thảo luật có 5 lần xuất hiện "biện pháp vũ trang" nhưng nội hàm lại không rõ, mà chắc chắn khi áp dụng biện pháp này thì liên quan rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, nên cần quy định rõ để cảnh sát cơ động yên tâm thực hiện nhiệm vụ, tránh lạm dụng quyền hạn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay, với cảnh sát cơ động, biện pháp vũ trang là biện pháp đặc biệt. Vì đây là lực lượng tinh nhuệ nên cần nói cho rõ. "Biện pháp vũ trang là gì? Sử dụng biện pháp này của cảnh sát cơ động như thế nào", ông Định đặt câu hỏi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nên có giải thích từ ngữ đầy đủ để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. Những gì đã có quy định nhưng mới là nguyên tắc thì nên cụ thể hoá trong luật này cho dễ thực hiện, để luật ban hành là thực hiện được ngay.
Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần cân nhắc quy định rõ biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang. Vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau về nội hàm, cần thiết tổ chức xin ý kiến chuyên gia nhà khoa học, hội thảo riêng về khái niệm này để quy định cho chính xác.
Quy định cụ thể quyền hạn, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát cơ động
Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc quy định quyền hạn cho cảnh sát cơ động "được vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, nơi ở của cá nhân để giải cứu con tin, trấn áp khủng bố" cần được quy định ở các trường hợp cụ thể, tuân thủ theo quy định của pháp luật để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn để tránh lạm quyền, trong đó có quy định cảnh sát cơ động được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan.
Sau khi tiếp tục hoàn thiện, dự án Luật Cảnh sát cơ động sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận