Thông tin doanh nghiệp

Bản lĩnh tiên phong Sông Đà 10

30/07/2016, 14:43

Thương hiệu, bản lĩnh “quốc tế” thi công hầm của Sông Đà 10 ngày càng được khẳng định rõ nét...

15

Hàng loạt trang thiết bị máy móc chuyên dụng hiện đại được nhà thầu huy động thi công hầm

Không chỉ làm chủ công nghệ đào hầm với hàng loạt kinh nghiệm ít đơn vị nào có được, các mũi thi công hầm Đèo Cả của Sông Đà 10 tiên phong vượt đích thông hầm, đào “lấn tuyến” hàng trăm mét cho nhà thầu bạn.

Tiên phong "cán đích", đào lấn tuyến

Đêm, đường hầm Đèo Cả rực điện sáng trưng. Anh Huy, Tổ trưởng trắc địa của nhà thầu Sông Đà 10.4 bám trụ hiện trường đo vẽ bán kính “gương đào” mới. Bên cạnh, tổ trưởng khoan Trịnh Văn Quý, tổ trưởng nổ mìn Nguyễn Bá Độ cùng hàng chục cán bộ, công nhân nhà thầu sẵn sàng các phần việc thi công. Giám đốc Xí nghiệp Sông Đà 10.4 Hoàng Sỹ Hải cẩn trọng đưa ra quyết định cho các “hộ chiếu nổ mìn” hợp lý, hiệu quả. Tiếng máy rền vang, từng động tác khoan, đào, xúc, vận chuyển được phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương nhất. Đây chỉ là một trong hàng nghìn chu kỳ khoan đào được nhà thầu Sông Đà 10 miệt mài khoan vào lòng núi, mở hai ống hầm phía Nam “đại dự án” hầm đường bộ Đèo Cả.

Theo anh Đoàn Mạnh Cường, Phó giám đốc ĐHDA của Sông Đà 10, hơn 160 CBCNV các đơn vị thi công Sông Đà 10 cùng 30-40 đầu trang thiết bị, xe máy chuyên dụng được huy động vào công trường, tổ chức 3 ca liên tục. Điều kiện thi công 4 mũi hầm tương đối giống nhau, khó khăn, khắc nghiệt do địa chất phức tạp khó kể hết; nhưng ngay từ đầu, hai mũi thi công của Sông Đà 10 ở phía Nam dự án Đèo Cả tổ chức biện pháp, sơ đồ thi công hiệu quả. “Không có thời gian chết giữa các công việc. Tất cả đều được tận dụng tối đa trên công trường. Dịp lễ, tết, anh em vẫn miệt mài thi công, đẩy nhanh tiến độ hàng ngày”, anh Cường nói.

Sông Đà 10 ghi hàng loạt dấu ấn trên các công trình giao thông, thủy điện trọng điểm, đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án, như công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Nậm Chiến, An Khê (Gia Lai), Xêkamản 3 (Lào), Đắc My 3, Đắc My 4, Đồng Nai 4, hầm Hải Vân, hầm Đèo Ngang, Hầm đường bộ Lào Cai, Hầm đường bộ trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi . . . Các công trình đều đảm bảo chất lượng và hoàn thành vượt mức tiến độ, bàn giao kịp thời cho chủ đầu tư đưa vào sử dụng.

15h ngày ngày 26/4, Sông Đà 10.4 đã tiên phong “cán đích” 2.040m hầm ở ống hầm phía Đông, khi các mũi thi công khác mới chớm vào giai đoạn cao điểm. Anh Hoàng Sỹ Hải nhớ: Thời khắc đó thật đặc biệt, ai cũng vỡ òa trong niềm vui khó tả. Ngày mở cửa hầm (23/8/2014), nhiều người lo dự án dễ vỡ tiến độ nhưng càng đào, anh em liên tục đúc rút kinh nghiệm, tổ chức các chu kỳ đào hiệu quả, kiểm soát chặt tiến độ và chất lượng dự án. Phát huy thành tích này, Sông Đà 10.4 được chọn “giải cứu” tiến độ cho nhà thầu bạn ở mũi đào hầm đối diện. Theo anh Hà Minh Tiến, Phó BQL các dự án Đầu tư Đèo Cả (Công ty CP ĐT Đèo Cả, phụ trách các gói thầu phía Nam), việc tiên phong về đích của Sông Đà 10 càng đốc thúc mũi thầu khác cùng tăng tốc tiến độ, tạo điểm nhấn thi công trên công trường.

Tại mũi hầm phía Tây bên cạnh, đơn vị thi công Quản Trung của Sông Đà 10 nỗ lực ổn định từng đường khoan, đào, chu kỳ nổ mìn. Ghi nhận, các mũi đào của Sông Đà 10 luôn đạt hiệu quả, tốc độ tối đa. Trung bình mỗi chu kỳ đào mất chừng 14-16 tiếng đồng hồ; các gương hầm liên tục điều chỉnh tăng bước đào. Từ 1m, Sông Đà tăng chiều dài 3-4m/gương. Đây là nhà thầu mạnh dạn đề xuất TVGS dự án chấp thuận tăng bước đào lên 2-3m, khi các mũi khoan đào khác mới chỉ dừng lại ở hạn mức hơn 1m/gương đào. Theo ông Cường, bất kỳ giai đoạn nào, nhà thầu luôn chủ động khảo sát, lường trước các điều kiện địa chất, khả năng chịu lực của núi đá để đưa ra các “hộ chiếu nổ mìn” tối ưu nhất, hạn chế rủi ro và hiệu năng đào kém. Càng vào sâu, Sông Đà huy động thêm máy móc, phương tiện vận chuyển để “giải phóng” đường hầm.

Ngày 15/6, mũi thi công Sông Đà 10 chính thức “chạm mặt” nhà thầu bạn ở gương hầm cuối cùng ống phía Tây. Ít ngày tiếp theo, Sông Đà 10.4 hoàn thành 210m đào lấn tuyến trước khi dừng lại ở gương hầm cuối cùng, ống phía Đông, ngày 21/6, vượt trước tiến độ 3 tháng. Điều đặc biệt, việc đào thông hầm được Sông Đà 10 cùng các nhà thầu đo vẽ và kiểm tra tuyến hầm hầu như tuyệt đối, không có hiện tượng “lệch tuyến”.

Màu đá rám mặt người, dáng đá như in dấu bản lĩnh, tâm huyết và khát vọng mở hầm của các lực lượng nhà thầu Sông Đà 10 trên đại công trường Đèo Cả.

Nhà thầu nội tự tin vươn tầm quốc tế

Nhìn đường hầm Đèo Cả “thông sáng” đang khẩn trương giai đoạn hạ đào nền đường, đổ bê tông vỏ hầm, anh Hoàng Ngọc Tú, Giám đốc ĐHDA Sông Đà 10 tự tin: Các đường găng kỹ thuật đào hầm cơ bản được xử lý, dự án vào giai đoạn hoàn thiện. Mục tiêu hoàn thành dự án vào tháng 7/2017 rất khả thi. Ghi nhận PV Báo Giao thông, Sông Đà 10 tiếp tục tiên phong đẩy nhanh công tác đổ bê tông vỏ hầm. Đến nay, có 1.030 m bê tông vỏ hầm được thực hiện.

Thương hiệu, bản lĩnh “quốc tế” thi công hầm của Sông Đà 10 ngày càng được khẳng định rõ nét trên đại công trường Đèo Cả. Trước đó, ngay từ tháng 9/2014, hầm Cổ Mã dài 500m chính thức được Sông Đà 10 “đào thông” chỉ sau 1 năm thi công, vượt 4 tháng tiến độ. Đặc thù hầm Cổ Mã điều kiện địa chất rất phức tạp. Tuy nhiên, bằng ý chí, kinh nghiệm thi công các dự án hầm giao thông có điều kiện địa chất yếu, sự đồng lòng, trí tuệ tập thể cùng sự quyết liệt của lãnh đạo Sông Đà 10 đã kịp thời giải quyết đường găng, đốc thúc dự án ổn định trên “đường ray” tiến độ. Những lần trực tiếp vào công trường, ông Trần Văn Tấn, Tổng giám đốc Sông Đà 10 cùng lãnh đạo công ty động viên, khích lệ, xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn về kỹ thuật, tài chính… “Nền nhiệt trong hầm rất cao, có lúc nên đến 400C, không khí nhiều khi ngột ngạt nhưng mọi người đều quyết tâm vượt khó, hoàn thành mục tiêu chung, cán đích thông hầm”, ông Tấn bộc bạch.

Theo ông Tấn, đơn vị không ngừng học hỏi, cập nhật khoa học - công nghệ tiên tiến nhất để đưa vào thi công đạt chất lượng cao. Từ hầm Hải Vân, đến Đèo Cả, Sông Đà 10 đã áp dụng thành công công nghệ đào hầm theo phương pháp NATM của Áo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Đặc biệt, nhà thầu này huy động đến công trường Đèo Cả hàng loạt trang thiết bị máy móc chuyên dụng khủng như máy khoan hầm DT821, máy khoan hầm 3 cần Rocket 95, Boomer322, Máy phun vẩy thế hệ mới Meyco, máy xúc đá hầm 4m3 Hyundai HL770, hàng chục ô tô vận chuyển Hyundai 15-25 tấn, những năm qua, Sông Đà 10 đã có những bước đột phá to lớn về công nghệ và kỹ thuật khi tiến hành đầu tư đồng bộ hàng loạt máy móc, thiết bị thi công hiện đại, được chế tạo bởi các hãng nổi tiếng của các nước G7, như: Atlas Copco, Volvo (Thụy Điển); TamRock (Phần Lan), Caterpillar (Mỹ)...

Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đèo Cả đánh giá: Dự án Đèo Cả là một trong những công trình hầm phức tạp, quy mô nhất, đòi hỏi đơn vị thi công, ngoài chuyên môn, kỹ thuật cao, còn phải có kinh nghiệm trong thi công hầm. Sông Đà 10 đã minh chứng bề dày kinh nghiệm thi công từ dự án hầm Hải Vân cùng với các chuyên gia Nhật Bản, tổ chức thi công hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.

“Đơn vị đang đặt mục tiêu bước ra thương trường quốc tế và có thể đảm nhận những dự án có độ phức tạp hơn nhiều”, ông Tấn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.