Khách mua nhà trả góp được ngân hàng cho vay đến 70% giá trị căn hộ, thời gian trả có thể kéo dài dến 20 năm. Nhưng sau dịch Covid-19, nhiều gia đình rơi vào cảnh thất nghiệp, buộc phải bán nhà trả nợ vì không đủ sức chi trả hàng tháng…
Kinh doanh bết bát, nợ nần thành gánh nặng
Chị Lê Thị Yến, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, với mong muốn có một tổ ấm ổn định và tiện đường học hành cho con cái, hai vợ chồng đã quyết định mua căn hộ trả góp, diện tích 87m2, 2 phòng ngủ, giá 1,6 tỷ đồng trên địa bàn phường Mỹ Đình.
Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, năm 2019, lượng giao dịch BĐS đạt 72.828 sản phẩm. Quý I/2020, cả nước chỉ giao dịch thành công hơn 7.600 sản phẩm (tỷ lệ hấp thu là 14,3%).
Theo chị Yến tính toán khi mua nhà, vốn có sẵn và vay mượn thêm họ hàng được khoảng 800 triệu. Còn lại vay ngân hàng 800 triệu, trả góp hàng tháng trong 10 năm.
Thời gian 3 năm đầu là nặng nhất, mỗi tháng trả khoảng 13 triệu đồng. Trong khi đó, hai vợ chồng chị kinh doanh đồ công sở, thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí sinh hoạt, học hành cho con, thuê cửa hàng… mỗi tháng cũng để ra được khoảng 15 triệu đồng, đủ sức chi trả.
Nhưng điều vợ chồng chị Yến không ngờ tới là một năm sau khi mua nhà, dịch Covid-19 ập đến, kinh doanh bết bát. Suốt từ sau Tết âm lịch đến nay cửa hàng vắng khách, chưa kể vừa phải đóng cửa cả tháng trời theo yêu cầu cách ly xã hội, nhưng mỗi tháng vợ chồng chị Yến vẫn phải trả trên 20 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, tiền điện nước. Chưa nói đến chi phí sinh hoạt của cả gia đình, tiền trả góp chung cư đang ở và gần 200 triệu đồng vay bạn bè để sắm nội thất.
“3 tháng qua, thu nhập không có, vợ chồng tôi vẫn phải gánh mỗi tháng 50 triệu đồng. Tình hình khó khăn chung, bạn bè cho vay cũng gọi điện giục nợ, hai vợ chồng mất ăn mất ngủ. Nhiều hôm gấp quá phải vay cả tín chấp và vay lãi ngày. Đến giờ không còn cách nào tháo gỡ nữa nên đành tạm bán nhà trả nợ, đầu tư vào làm ăn rồi lại tính”, chị Yến chảy nước mắt nói.
Tai một chung cư trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội, chị Trà Giang đang chào bán căn hộ hơn 50m2 giá 1,3 tỷ đồng cả nội thất. Trong vai khách hàng, PV vừa hỏi mua vừa dò hỏi, chị Giang mới bộc bạch, hai vợ chồng kinh doanh nhà hàng được 3 năm, thu nhập bình quân cũng tầm 60 triệu đồng/tháng. Tích cóp được 300 triệu đồng nên anh chị tính chuyện mua nhà trả góp.
Theo chị Giang, căn hộ đang rao bán chị mua từ lúc làm móng, trả theo tiến độ, giá gốc 1,1 tỷ đồng. Hai vợ chồng chị vay ngân hàng hơn 700 triệu đồng, trả góp trong 10 năm. Đã trả được một phần, song hiện giờ mỗi tháng vợ chồng chị vẫn gánh nợ 11 triệu đồng. Ghi nhận của PV, một số căn hộ xung quanh đều chào giá cao hơn từ 150-200 triệu đồng.
Chị Giang chia sẻ, khi hoạt động kinh doanh bình thường, số tiền 11 triệu đồng không quá lớn. Nhưng vừa rồi nhà hàng “gặp tai nạn kép”, cửa hàng đóng cửa hẳn. “4 tháng, mỗi tháng chi 50 triệu là 200 triệu đồng. Nếu tình hình như hiện nay, cố duy trì thêm 3-4 tháng nữa thì mất trắng cả cái nhà. Vì thế nên tôi quyết định thanh lý cửa hàng, bán nhà trả nợ. Tạm thời lại đi thuê nhà, chờ hết dịch để xoay xở tiếp”, chị Giang bùi ngùi.
Giảm lãi vay, giãn nợ cho người mua nhà được không?
Gia đình chị Yến, chị Trà Giang là hai trong số nhiều gia đình buộc phải bán nhà mua bằng tiền trả góp trước áp lực nợ nần.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng đại diện VP Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn LS TP HCM cho hay, với hợp đồng vay vốn tín dụng để mua nhà, trong trường hợp vì những lý do nào đó mà một hoặc cả hai không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình thì về nguyên tắc phải gánh chịu những hậu quả bất lợi.
Tuy nhiên, pháp luật quy định chủ thể vi phạm được miễn trách nhiệm vi phạm khi rơi vào trường hợp bất khả kháng như dịch Covid-19. Nhưng phải tùy từng trường hợp mà các bên có thỏa thuận hoặc tòa án sẽ có phán quyết phù hợp theo quy định.
Sau thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, kết quả thăm dò thị trường của Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho thấy, những ngày cuối tháng 4 đã có 10% người mua nhà xin thanh lý hợp đồng vì bị giảm thu nhập, gặp khó khăn tài chính, không trả được lãi vay ngân hàng. Con số này có thể tiếp tục gia tăng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS.
Trước thực trạng trên, một số doanh nghiệp thực hiện giãn thời gian đóng tiền cho khách mua nhà; Thực hiện gói ưu đãi đối với khách hàng, nếu ký hợp đồng mới sẽ giảm 5% để tăng mua...
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, đó mới chỉ là giải pháp tạm thời của một số doanh nghiệp, chưa phải là phổ biến. Ông Châu dự định tháng 6 đến tháng 9 sẽ tổ chức một cuộc vận động khuyến mại lớn để tái khởi động thị trường này.
Trước đó, HoREA cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan, đề nghị giảm 30-50% lãi vay, giãn nợ cho người mua nhà, doanh nghiệp để vượt khó do dịch Covid-19.
Ghi nhận của Báo Giao thông, đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng (chiếm 75% thị phần tín dụng cả nước) đồng thuận giảm 2-3% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch để hỗ trợ khách hàng. Tổng gói tín dụng cho vay lãi suất thấp được ngân hàng cam kết đưa ra đã lên tới 250.000 tỷ đồng (đã giải ngân 80.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết, về phía ngân hàng phải rà lại xem các trường hợp đề nghị có đủ điều kiện hay không, chẳng hạn thuộc lĩnh vực nào, có bị tác động trực tiếp hay không chứ không phải trường hợp khách hàng nào “kêu” cũng được xem xét.
Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, để người vay được hỗ trợ nhiều hơn, khó chỉ trông vào tiền túi của các ngân hàng. Vì các ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh. Do vậy họ phải cân đong đo đếm nguồn thu - chi và sẽ thực hiện rất chừng mực cũng như xem xét, chọn lựa các khách hàng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng ngày càng nặng nề đến người vay, ông Tín đề xuất cần có gói hỗ trợ mạnh hơn từ Chính phủ và có sự tiếp sức từ nguồn tiền ngân sách mới hy vọng chính sách gỡ khó đến với người vay vốn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận