Bóng đá

Bản quyền truyền hình V-League cần gì để tốt hơn?

13/12/2023, 06:58

Dù lần đầu tiên trong lịch sử bán được bản quyền truyền hình nhưng Giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League) vẫn chưa thể tạo ra doanh thu lớn từ mảng thị trường này. Đâu là nguyên nhân và giải pháp ra sao?

Chưa đáp ứng kỳ vọng

Tại Đại hội cổ đông nhiệm kỳ 2023 - 2026 diễn ra mới đây, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã thông qua nhiều nội dung quan trọng của nhiệm kỳ trước. 

Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử, VPF đã bán được bản quyền truyền hình V-League, đối tác của VPF là FPT Play.

Nhờ cú bắt tay này, các đội bóng dự giải cũng lần đầu được chia tiền bản quyền truyền hình. Tuy nhiên, cũng theo VPF, con số chưa nhiều, chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Thông tin trên không hề bất ngờ bởi việc khai thác bản quyền truyền hình đã là bước tiến lớn của VPF và V-League. 

Trước đây, VPF thường làm động tác trao đổi sóng với một số đơn vị truyền hình để lấy về thời lượng quảng cáo nhất định cho các nhà tài trợ giải đấu. Bởi vậy, tiền bản quyền truyền hình V-League chỉ là con số 0.

Những năm qua, chất lượng chuyên môn, hình ảnh V-League đã được cải thiện đáng kể. Đây là tiền đề để FPT Play thực hiện cú áp phe khiến tất cả ngỡ ngàng.

Với sự góp mặt của đơn vị này, hình ảnh V-League trở nên lung linh hơn, người hâm mộ cũng có thêm nhiều lựa chọn khi theo dõi các trận đấu, bao gồm việc xem lại.

Mặc dù vậy, như đã nói ở trên, hiệu quả mà cụ thể hơn là số tiền thu được từ bản quyền truyền hình ở V-League vẫn hạn chế. Theo một chuyên gia marketing thể thao, giải đấu cao nhất Việt Nam vẫn chưa đủ sức hút với các nhà đầu tư.

"Tôi lấy ví dụ, bản quyền Ngoại hạng Anh là món hàng được các hàng truyền hình lớn nhất thế giới tranh giành. Ngay tại Việt Nam, đây cũng là miếng bánh béo bở K+ độc quyền bấy lâu nay. Đơn giản Ngoại hạng Anh là món ăn không thể thiếu vào mỗi dịp cuối tuần.

V-League thì khác, không có giải đấu này chẳng hề ảnh hưởng tới các nhà đài nên khó để họ bỏ ra số tiền lớn để sở hữu bản quyền. Đặc biệt là các đơn vị truyền hình trả tiền, khách hàng của họ không muốn chi tiền thuê bao trọn gói để xem bóng đá nội", vị chuyên gia phân tích.

Cũng theo chuyên gia, bản quyền truyền hình V-League chưa phải là món hàng hấp dẫn. Không thể phủ nhận giải đấu đã có nhiều thay đổi nhưng về cơ bản chất lượng chuyên môn chưa cao, nhiều trận đấu diễn ra kém kịch tính, nhịp độ chậm và cầu thủ phạm quá nhiều lỗi. 

"Để cải thiện đương nhiên không thể trong ngày một hai mà cần cả quá trình và sự chung tay cả tất cả các đội bóng", ông nói.

Cần đồng bộ giải pháp

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổng giám đốc VPF cũng thừa nhận, V-League đang đi những bước đầu tiên trong việc khai thác bản quyền truyền hình nên hạn chế là điều khó tránh.

"Về mặt con số có thể chưa đáp ứng được kỳ vọng nhưng với định hướng phát triển một cách bền vững và ổn định, tôi tin trong tương lai mọi thứ sẽ được cải thiện. Giá trị của bản quyền truyền hình tăng cao cũng là một điểm đáng nhắc đến", ông Ngọc nhận định.

Cũng theo ông Ngọc, để giải đấu tăng nguồn thu, bao gồm nguồn thu từ truyền hình thì phải hấp dẫn và đẹp mắt. 

Đẹp mắt ở đây bao gồm nhiều thứ, từ hình ảnh sân đấu, sự chỉnh chu trong công tác tổ chức, chất lượng chuyên môn tăng và có thêm nhiều trận đấu hấp dẫn… 

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến yếu tố chất lượng truyền hình trực tiếp và các trương trình, nội dung phát sinh khác.

Đồng quan điểm, vị chuyên gia marketing thể thao cho rằng, để nâng cao giá trị bản quyền truyền hình V-League, VPF cũng như các đội bóng cần cải thiện các sân vận động, tăng suất ngoại binh nhưng nhắm vào chất lượng chứ không chỉ số lượng. 

Ngoài ra, bóng đá suy cho cùng chỉ là trò chơi nên ai cũng thích xem hấp dẫn, kịch tính chứ không phải ẩu đả hay câu giờ, tiểu xảo

Ông cho biết thêm, với điều kiện của bóng đá Việt Nam hiện tại, cần có chiến lược khôn ngoan hơn để tái đầu tư. 

Các đội bóng hiện chi cho việc lót tay và mức lương cho cầu thủ quá cao. Cần kéo hai khoản này về mức vừa đủ, để dành phần tài chính đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao dinh dưỡng cũng như khả năng huấn luyện, từ đó cầu thủ sẽ chơi được ở mức độ cao hơn.

"Cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài không đáp ứng được yêu cầu thể chất để chơi bóng liên tục. Trong nước nhịp độ cũng rất chậm, như vậy sẽ khó thu hút người xem. Mà không có người xem thì chẳng đơn vị nào muốn đầu tư vào bản quyền truyền hình", vị này phân tích.

Giải Ngoại hạng Anh đã bán thành công gói bản quyền truyền hình giai đoạn 2025 - 2029 cho ba nhà đài lớn trên lãnh thổ Anh, thu về 6,7 tỷ bảng (tương đương hơn 200.000 tỷ đồng). Giai đoạn hiện tại, Ngoại hạng Anh thu về 5 tỷ bảng.

Tại Hàn Quốc, bản quyền truyền hình K-League giai đoạn 2021 - 2024 được bán với giá trị 200 tỷ won (khoảng 3.800 tỷ đồng). Bản quyền truyền hình J-League từ năm 2022 - 2025 được bán với giá trị 211 tỷ yên (khoảng 34.000 tỷ đồng).


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.