Ngưỡng mộ "bà đầm thép" Margaret Thatcher nhưng có bản sắc riêng
Margaret Thatcher - nữ Thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Anh là nhà lãnh đạo Anh phục vụ lâu nhất trong thế kỷ 20 và là người khai sinh ra một hệ tư tưởng mang tên “Chủ nghĩa Thatcher” hiện vẫn thống trị đảng Bảo thủ cầm quyền với chủ nghĩa kinh tế tự do tăng trưởng cao, thuế thấp.
Với bà Liz Truss, trong suốt thời gian làm chính trị cho tới khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thủ tướng, giới quan sát và công chúng đã không ít lần so sánh nữ lãnh đạo thứ 3 của Anh có hình ảnh và phong cách gợi nhớ đến bà Thatcher.
Trong thời gian giữ chức Ngoại trưởng, khi đến thăm quân đội Anh ở Estonia, bà Truss từng tạo dáng bên chiếc xe tăng Challenger 2 – hình ảnh gợi nhớ đến sự xuất hiện nổi tiếng của bà Thatcher trên chiếc xe tăng Challenger ở Đức năm 1986.
Bà Liz Truss nhiều lần được so sánh với "bà đầm thép" Thatcher
Khi đến thăm Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Điện Kremlin vào tháng 2, bà đã đội một chiếc mũ lông giả, một lần nữa được so sánh với chiếc mũ mà bà Thatcher đã đội trong chuyến công du Nga năm 1987.
Trong quá trình tranh cử vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, bà Truss có lần mặc một bộ trang phục nổi bật tương tự như bộ mà bà Thatcher đã mặc trong buổi phát sóng bầu cử năm 1979 - một chiếc áo khoác nỉ đen kèm áo sơ mi trắng có thắt nơ ở phía trước.
Ngay khi bà Truss nhậm chức, hãng NBC (Mỹ) cũng có nhận định, bà Truss dường như đã sẵn sàng lãnh đạo theo phong cách mạnh mẽ và quyền lực của “bà đầm thép” Thatcher.
Bản thân bà Truzz khẳng định rất ngưỡng mộ cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Song trong một lần chia sẻ với Đài phát thanh BBC Radio 4 hồi tháng 7, bà cho biết phụ nữ Anh thường được so sánh với bà Thatcher cho dù họ có giống hay không. Nhưng, “tôi có bản sắc của chính mình” - bà Truss nhấn mạnh.
Ông James Cleverly, người giữ vị trí Bộ trưởng Giáo dục dưới thời ông Boris Johnson, cũng đồng tình với lời khẳng định này. Ông cho rằng: "Bà Truss là một phụ nữ làm chính trị nên việc bị so sánh là không thể tránh khỏi. Nhưng đó là Liz Truss, bà ấy có đặc sắc riêng."
Có lẽ, khi bầu chọn bà Truss làm thủ lĩnh đảng, các thành viên đảng bảo thủ cầm quyền của Anh cũng kỳ vọng với lập trường cứng rắn, đề xuất kinh tế học trọng cung mang tên “Trussonomics” cùng những đặc sắc riêng của bà, sẽ đưa nước Anh thoát ra khỏi những bế tắc về khủng hoảng kinh tế, ổn định tình hình chính trị khi chỉ trong 6 năm đã có tới 3 đời Thủ tướng.
Lập trường đối ngoại cứng rắn
Trong bài phát biểu sau khi nhậm chức, bà Truss chỉ ra: “Chúng ta đang phải đối mặt với những cơn gió ngược chiều trên khắp toàn cầu do căng thẳng Nga - Ukraine và hậu quả của Covid-19… Cùng đoàn kết với các đồng minh, chúng ta sẽ đấu tranh cho tự do và dân chủ trên toàn thế giới”.
Bà Truss cho biết sẽ đánh giá, cập nhật lại các chính sách quốc phòng, an ninh, thương mại và đối ngoại của Anh đã được xem xét từ năm ngoái.
Việc đánh giá lại các chính sách này sẽ đưa Anh tăng cường tham gia và hợp tác với các đồng minh ở châu Á, đồng thời có lập trường mạnh mẽ hơn đối với Nga và Trung Quốc. Bà Truss cũng kêu gọi hướng đến một "mạng lưới tự do" để tăng cường hợp tác với "các quốc gia cùng chí hướng" chống lại những quốc gia thù địch và phát triển các mối quan hệ kinh tế trên khắp Khối thịnh vượng chung.
Bà Liz Truss phát biểu bên ngoài trụ sở Văn phòng Thủ tướng Anh số 10, phố Downing, London vào ngày 6/9
Về vấn đề Ukraine, bà Truss đã cam kết sẽ tiếp tục viện trợ quân sự và nhân đạo cho nước này. Cho đến nay, Anh đã cam kết viện trợ khoảng 3,8 tỷ USD cho Kiev. Tân nữ thủ tướng cũng hứa sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP, ước tính 180 tỷ USD.
Về lập trường đối ngoại, nữ thủ tướng thứ ba của Vương quốc Anh nổi tiếng là người cứng rắn với các nước như Nga và Trung Quốc, thậm chí có thể đối đầu với cả các đồng minh như Pháp. Mục tiêu bà hướng đến là một "Nước Anh toàn cầu" mạnh mẽ và hướng ngoại.
Chuyến thăm Việt Nam của bà Liz Truss
Bà Liz Truss từng thăm Việt Nam vào tháng 11-2020 trên cương vị Bộ trưởng Thương mại quốc tế và gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tham gia ký kết thỏa thuận hoàn tất đàm phán Hiệp định FTA Anh - Việt Nam.
Phát biểu trong chuyến thăm, bà Truss tỏ ra rất vui mừng và nhấn mạnh đây là khởi đầu mới cho việc tăng cường hợp tác hai nước, giúp các nước cùng phát triển.
Dưới thời ông Johnson, bà Truss đã tham gia chặt chẽ vào quyết định cấm công ty viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia vào dự án phát triển mạng 5G của Anh, vì những lo ngại về an ninh quốc gia.
Theo đánh giá của chuyên gia quan hệ đối ngoại - Neil Melvin: “Bà Liz Truss có lẽ còn cứng rắn hơn ông Boris Johnson. Điển hình như việc bà ấy đã cam kết tăng cường nhận thức về mối đe dọa từ Trung Quốc sau khi nhậm chức”.
Đối với châu Âu, bà Truss cũng cam kết điều chỉnh lại Nghị định thư Bắc Ireland – một nội dung quan trọng trong thỏa thuận Brexit mà ông Johnson đã ký với Liên minh châu Âu (EU).
Nhiều người lo ngại ý định này sẽ làm bùng nổ căng thẳng. “Tình huống xấu nhất là sẽ xảy ra một cuộc chiến thương mại đẫm máu giữa 27 quốc gia châu Âu và Anh. Về mọi mặt, đó sẽ là một thảm họa, đổ thêm dầu vào lửa cho nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn của Vương quốc Anh”, nhà phân tích Kampfner của nhóm nghiên cứu Chatham House lưu ý.
Với Mỹ, mối quan hệ đặc biệt Anh - Mỹ đang bị che khuất bởi những căng thẳng kéo dài về Brexit. “Người Mỹ và đặc biệt là chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hết sức cảnh giác khi phải lựa chọn giữa Anh và Liên minh châu Âu”, chuyên gia Kampfner đánh giá.
Tuy nhiên, trước mắt, bà Truss có thể phải đối phó với những thách thức trong nước, sau đó mới có thể dành nhiều sự quan tâm cho các vấn đề quốc tế. Theo nhà phân tích John Kampfner: “90% thời gian của bà Truss sẽ phải dành cho những vấn đề trong nước khi nền kinh tế đang khủng hoảng, đình công, (khủng hoảng) dịch vụ y tế, hóa đơn năng lượng khổng lồ và nhiều bất ổn xã hội tiềm ẩn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận