Đường sắt

Bán sắt vụn hay kéo dài niên hạn đầu máy, toa xe?

16/01/2021, 10:14

Tổng công ty và các công ty cổ phần vận tải đường sắt sẽ phải thanh lý dần khoảng 60 đầu máy, gần 1.000 toa xe hàng và 500 toa xe khách...

img

Việc dừng khai thác hàng trăm đầu máy, toa xe từ năm 2021 do hết niên hạn ảnh hưởng lớn đến tổ chức chạy tàu, kinh doanh vận tải của đường sắt (Ảnh minh họa)

Tổng công ty Đường sắt VN vừa kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép lùi thời gian thực hiện Nghị định 65/2018 về niên hạn sử dụng đối với đầu máy, toa xe thêm ba năm so với thời gian quy định để có thời gian chuẩn bị và đầu tư mua sắm đầu máy, toa xe mới thay thế. Nếu không được chấp thuận, nhiều đầu máy, toa xe sẽ buộc phải bán thanh lý.

Doanh nghiệp không đủ lực thay mới

Ông Hoàng Năng Khang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, nếu thực hiện theo lộ trình hiện nay, từ ngày 1/1/2021, doanh nghiệp này phải dừng vận dụng 43 đầu máy; các doanh nghiệp vận tải phải dừng vận dụng hàng trăm toa xe khách, toa xe hàng, ảnh hưởng lớn đến công tác chạy tàu, kinh doanh vận tải.

Trong khi đó, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bão lũ liên miên trong năm 2020, sản lượng vận tải đường sắt vốn đã sụt giảm nghiêm trọng, lỗ hàng nghìn tỷ đồng nên Tổng công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính để đầu tư, thay thế.

Ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, nếu không được phép kéo dài lộ trình thực hiện niên hạn, Công ty sẽ thiếu toa xe trầm trọng để lập tàu, phục vụ kinh doanh vận tải.

Tính đến hết ngày 31/12/2020, Công ty phải dừng khai thác khoảng 60 toa xe khách, tức khoảng 4 đoàn tàu, nên khó khăn trong tổ chức quay vòng toa xe, lập tàu, nhất là dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tới. Toa xe hàng cũng tương tự, phải dừng hơn 100 toa xe. “Giờ chúng tôi muốn đầu tư đóng mới để thay thế cũng không có vốn”, ông Tuấn nói.

Tương tự, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, Công ty thiếu toa xe khách để lập tàu Tết Tân Sửu 2021, so với năm ngoái giảm đến 10 đoàn toa xe, trong khi toa xe hàng cũng thiếu rất nhiều.

“Chất lượng hạ tầng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của vận tải. Vì thế, nếu đóng mới thay thế rất khó thu hồi vốn chứ chưa nói là có lãi, nhưng không đầu tư thì không có toa xe để chạy tàu, nhất là vào các dịp cao điểm như hè, Tết”, bà Hà nói.

Hết niên hạn không được hoạt động

Ông Khang cho biết, nếu không được cho kéo dài niên hạn, Tổng công ty và các công ty cổ phần vận tải đường sắt sẽ phải thanh lý dần khoảng 60 đầu máy, gần 1.000 toa xe hàng và 500 toa xe khách nên sẽ gặp khó khăn lớn khi phải huy động hơn 6.800 tỷ đồng để đầu tư mới.

Trước khi có các đầu máy, toa xe đầu tiên đến thời điểm hết niên hạn, đơn vị sở hữu phương tiện có văn bản kiến nghị gia hạn, cho phép nới thời gian hoạt động. Tuy vậy, các phương tiện đã hết niên hạn hiện vẫn phải ngừng hoạt động theo quy định. Việc phương tiện được gia hạn hoạt động hay không phải căn cứ theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và thông qua đánh giá, đề xuất của hội đồng kiểm tra, đánh giá mức độ, khả năng đảm bảo an toàn của phương tiện đường sắt.
Ông Trần Xuân Sinh, Trưởng phòng Đường sắt, Cục Đăng kiểm VN


Trả lời câu hỏi liệu việc kéo dài thời hạn thực hiện niên hạn có đảm bảo an toàn phương tiện, an toàn chạy tàu, ông Khang cho hay, chất lượng của tất cả các loại đầu máy hiện nay vẫn ổn định, đảm bảo kéo tàu an toàn theo đúng tốc độ thiết kế của nhà chế tạo. Một số loại đầu máy đã được nâng cấp cải tạo thay động cơ diesel và mới sửa chữa đại tu xong.

Đối với toa xe, bà Phùng Thị Lý Hà phân tích, trước khi chạy, toa xe đã được kiểm tra, chỉnh bị kĩ, đạt yêu cầu mới được đưa vào thành phần đoàn tàu.

Dọc đường sẽ có các trạm khám toa xe tại các ga để kiểm tra kĩ thuật toa xe, nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục hỏng hóc hay các vấn đề kĩ thuật đe dọa mất an toàn chạy tàu.

Hàng năm, phải đưa vào xưởng sửa chữa nhỏ, rồi vài năm lại đưa vào sửa chữa lớn, thay thế bộ phận chạy. Vì vậy, toa xe vẫn đảm bảo yêu cầu kĩ thuật.

“Không được dùng nữa sẽ phải bán thanh lý, như bán sắt vụn, trong khi vẫn có thể chỉnh trang, cải tạo để chạy được, như vậy rất lãng phí”, bà Hà nói và cho rằng, các toa xe này có thể sử dụng chạy tàu chặng ngắn, tàu khu đoạn, đảm bảo an toàn.

Trước kiến nghị trên, ông Bùi Thế Thành, Trưởng phòng Vận tải - ATGT, Cục Đường sắt VN cho biết, Nghị định 65/2018 có hiệu lực từ tháng 7/2018 quy định về niên hạn phương tiện giao thông đường sắt chỉ thực sự tác động từ thời điểm sau năm 2020.

Tuy nhiên, khi đánh giá tác động của việc thực hiện lộ trình chưa lường hết các khó khăn của doanh nghiệp, nhất là khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, nên nghiên cứu thành lập hội đồng kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn phương tiện đường sắt hết niên hạn xem còn đủ điều kiện tham gia giao thông không.

Đại diện Cục Đăng kiểm VN thì cho rằng, bên cạnh đánh giá yếu tố khách quan, cần có thuyết minh tính toán chi tiết và có những giải pháp kỹ thuật cụ thể để Bộ GTVT có căn cứ xem xét, báo cáo Chính phủ.

Theo vị này, từ ngày 1/1/2021 có 54 đầu máy và 705 toa xe phải dừng hoạt động do hết niên hạn sử dụng theo quy định của Luật Đường sắt 2007 và Nghị định 65/2018; Từ ngày 1/1/2022 có thêm 24 đầu máy và 44 toa xe hết niên hạn sử dụng. Các trường hợp trên đã được Cục Đăng kiểm VN thống kê cụ thể, thông báo đến các đơn vị sở hữu phương tiện. Trường hợp đã hết niên hạn sử dụng, Cục dừng tiếp nhận kiểm định và cấp chứng nhận đăng kiểm, đồng nghĩa với việc phương tiện không được hoạt động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.