Pháp luật

Bán trẻ sơ sinh sang Trung Quốc: Vì sao khó xử lý môi giới?

24/12/2018, 14:54

Với những người mẹ bán thai nhi pháp luật chưa có chế tài. Còn đối với những đối tượng cò mồi lại càng khó.

18

Nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc Khơ Mú ở xã Hữu Kiệm nghiện thuốc

Nằm lưng chừng trên đỉnh núi, 2 bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2 của xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có gần 200 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Đây là 2 bản có số phụ nữ vượt biên sang Trung Quốc bán con nhiều nhất huyện Kỳ Sơn.

Khó tiếp cận

“Ấn tượng” đầu tiên đập vào mắt chúng tôi về nơi đây là cái nghèo. Nghèo xơ, nghèo xác, nghèo đến nỗi nhiều gia đình không có cái giường theo đúng nghĩa để ngủ; nhiều đứa trẻ đứng giữa trời rét cắt da cắt thịt mà cũng không có quần mặc. Trong khi “ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm” thì rất nhiều người phụ nữ nơi đây lại nghiện rượu, nghiện thuốc. Hầu như đi đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ phì phèo điếu thuốc trên môi. Điển hình như trường hợp, Lữ Thị Đ. (SN 1981, trú ở bản Đỉnh Sơn 2 và vừa đi bán con ở Trung Quốc về). Dù mặt trời đã xế trưa nhưng Đ. và mẹ chồng là Lữ Thị X. vẫn ngồi sưởi ấm bên bếp củi hút thuốc chứ không chịu đi rừng, đi rẫy…

Người dân nơi đây đều nói tiếng Kinh chưa rõ. Thế nên thật khó hiểu khi họ dám liều lĩnh đi cả ngàn km từ Kỳ Sơn ra Quảng Ninh rồi vượt biên sang Trung Quốc bán con. Ông Hà Văn Thái, Trưởng Công an xã Hữu Kiệm thở dài: “Vấn đề đáng lo nhất hiện nay là tình trạng "ém" thông tin từ chính những người phụ nữ vượt biên bán con và chính gia đình của họ. Ở đây người ta đi rừng, đi rẫy 1 - 2 tháng mới về là chuyện bình thường nên việc phát hiện một người phụ nữ mang bầu sang Trung Quốc bán con rất khó. Chỉ khi có người nói, công an đến hỏi nhiều họ mới thừa nhận, còn lại đều giấu kín. Cũng có không ít người đi bán con về rồi nói dối chưa đi. Có người đi lần hai, nói dối mới đi lần đầu”.

Người dân thì ngây ngô, nhưng những kẻ môi giới, vận động phụ nữ đi bán con lại tỏ ra khá tinh quái. Đối tượng Lữ Thị K. (SN 1972), người mà Báo Giao thông đã phản ánh ở bài trước, là người trực tiếp vận động 2 chị Lữ Thị P. và Lữ Thị Đ., sang Trung Quốc bán con. Giờ K. đã trốn hẳn sang Trung Quốc. “K. là người địa phương, có nhân thân tốt. Tuy nhiên, con K. đi làm ăn Trung Quốc, có thể con K. móc ngoặc với người bên đó tìm người mua trẻ sơ sinh. Còn K. đi vận động những người phụ nữ trên địa bàn bán con. Kể từ khi thấy công an vào kiểm tra, K. luôn vắng nhà, trốn tránh. Mới đây, chúng tôi được biết K. đã “chuồn” sang Trung Quốc”, ông Thái nói.

19

Phóng viên Báo Giao thông trao đổi với chị Lữ Thị Đ. một người vừa đi bán con ở Trung Quốc về

Khó xử lý

Theo ông Thái, không chỉ khó tiếp cận thông tin mà việc xử lý thực trạng này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Với những người mẹ bán thai nhi pháp luật chưa có chế tài. Còn đối với những đối tượng cò mồi lại càng khó. Họ chỉ vận động miệng, được chính các ông bố, bà mẹ đồng ý. Rồi họ tự vượt biên sang Trung Quốc để bán chứ không bắt ép hay đe dọa.

Thừa nhận thực tế này, Trung tá Lô Văn Thao, Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết: Pháp luật chưa có chế tài xử lý đối với loại hình tội phạm này, còn các cam kết không có tính ràng buộc. Trong khi đó, nhận thức của người dân rất hạn chế, thậm chí là ấu trĩ.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, để xử lý được hành vi bán thai nhi hiện nay có 2 cách. Cách thứ nhất là cần phải ký lại Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiệp định này được ký từ năm 1998, bây giờ cần phải thay đổi, sửa lại để làm sao tạo điều kiện cho Công an nước ta qua bên đó, hoặc Công an Trung Quốc di lý sang Việt Nam để xử lý. Cách thứ 2 là các Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao cần sớm có một thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý về hành vi bán thai nhi. Tuy nhiên, về lâu dài cũng cần phải sớm đưa hành vi này vào Luật Hình sự. Còn trước mắt cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu rõ và không tham gia vào việc này.

Đây cũng là vấn đề được Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nêu ra tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh vừa qua. Theo Đại tá Cầu, đây là thủ đoạn mới của những kẻ buôn người, vừa rộ lên từ khoảng đầu năm 2018 đến nay, tuy nhiên lại chưa có hướng xử lý. Trong Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 có 5 tội liên quan đến hành vi mua bán người nhưng không nhắc đến việc mua bán bào thai.

Cũng theo Đại tá Cầu, để cấu thành tội phạm phải có bị hại. Trong các vụ án này, bị hại chính là những bào thai, những đứa trẻ sơ sinh. Nhưng có nhiều chuyên gia luật cho rằng: “Bào thai chưa phải là con người. Vì biết đâu cái thai bị hỏng trước khi được sinh hoặc vừa sinh ra đã chết”. Ngoài ra, sự việc xảy ra ở địa bàn Trung Quốc… khiến cho lực lượng công an trong nước có tìm cách ngăn chặn cũng không đạt hiệu quả.

Hiện tại, Công an tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSND Tối cao và TAND Tối cao để xin ý kiến, hướng dẫn xử lý vấn đề này.

Ông Hà Văn Thái cho rằng, trong lúc chờ các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp xử lý, công an xã xác định công tác tuyên truyền vẫn là số một. Trung tá Lô Văn Thao cũng thông tin, Công an huyện đã chỉ đạo các cán bộ, chiến sĩ phụ trách cơ sở; Công an các xã thường xuyên theo dõi, bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để xảy ra thêm tình trạng phụ nữ vượt biên bán thai nhi, tổ chức ký cam kết không vượt biên bán con cho các bà mẹ đang mang bầu. “Đặc biệt, Công an huyện cũng gặp mặt làm việc với các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào để họ góp thêm tiếng nói với bà con”, Trung tá Thao nói.

Tỏ ra hết sức lo lắng, ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn nói: “Tất cả trường hợp bán thai nhi đều có hoàn cảnh khó khăn, lại có tư tưởng trông chờ Nhà nước hỗ trợ. Hiện, Huyện ủy đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện, giao cho Phòng Tư pháp chủ trì phối hợp với các phòng ban, UBND các xã xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền ở 193 bản có đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Mặt khác, chỉ đạo khối nội chính để cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phát huy tinh thần Chỉ thị số 17 của Huyện ủy Kỳ Sơn, mỗi đảng viên, tổ chức đảng kèm cặp, giúp đỡ một hộ nghèo… Tinh thần không để thực trạng này lan rộng”, ông Hòe nói.

Cũng theo ông Hòe, về lâu dài, huyện cũng đã xây dựng đề án các làng nghề mây tre đan; khu rau sạch ở các xã Hữu Kiệm để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó đẩy lùi các tệ nạn nói chung. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.