Nhưng giờ đây, câu chuyện đã khác…
Sắc xanh phủ kín bản “khói đen”
Từ Hà Nội, theo QL6 khoảng hơn 200km là đến Lóng Sập. Và từ trung tâm xã Lóng Sập đến bản Buốc Pát chỉ chừng hơn 10km đường, nhưng hành trình có khi kéo dài cả giờ đồng hồ.
Bộ đội Biên phòng tuyên truyền cho bà con Lóng Sập tránh xa ma túy
Bởi đường lên Buốc Pát là con đường đất ngoằn nghèo, cheo leo trên sườn của dãy núi Pha Luông, có đoạn một bên là núi, bên là vực, chỉ xe máy khỏe tay lái mới có thể đi.
Từ việc bớt khẩu phần ăn sáng của ngày nghỉ, đóng góp từ tiền lương mỗi tháng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, những suất ăn trưa nóng hổi, đảm bảo sạch và đủ dinh dưỡng đã giúp các em nhỏ ở biên giới yên tâm đến trường, không còn bỏ học giữa chừng.
Trung tá Đào Mạnh Tưởng, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng Sơn La
Buốc Pát nằm sát đường biên giới Việt Nam - Lào, đến nay vẫn là bản khó khăn nhất của huyện Mộc Châu. Với 15 hộ, 94 khẩu đều là người Mông, Buốc Pát từng gắn liền với các tên gọi “bản khói đen”, “bản ma túy”, “bản không đàn ông”. Bởi suốt một thời gian dài, hầu hết đàn ông ở đây không đi tù hoặc cai nghiện thì cũng vật vờ bên “nàng tiên nâu”...
“Bản nghèo, làm nương rẫy không đủ ăn. Giáp bên kia là bản Pa Háng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào - là điểm nóng về ma túy. Bà con ở bản Buốc Pát ngày ngày qua Lào làm thuê, rồi dính vào nghiện hút”, Trưởng bản Buốc Pát, ông Mùa A Rê kể.
Thế nhưng, Buốc Pát giờ có nhiều đổi khác. Vượt qua những con đường đất ngoằn nghèo khó đi, khi đặt chân đến Buốc Pát, là cả một màu xanh bạt ngàn trải ra trước mắt. Hai bên đường vào bản là những vườn chanh leo trĩu quả, hương thơm thoảng nhẹ trong gió núi se lạnh.
Ông Mùa A Pó, một người dân bản Buốc Pát từng có 20 năm nghiện ma túy, phải đi tù 2 năm vì tàng trữ ma tuý. Ba năm trước, đi tù về, ông Pó được cán bộ xã và các cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập tuyên truyền, vận động nay tránh xa được ma tuý.
Rời bỏ “nàng tiên nâu”, ông Pó mới biết tập trung làm kinh tế. Giờ đây, ông tập trung trồng chanh leo bên cạnh việc trồng lúa, ngô như trước đây. Cuộc sống mở ra cho người đàn ông từng chỉ biết lệ thuộc vào ma túy ngày nào và cũng mở ra tương lai cho cả vợ, con ông.
Thượng tá Sa Trọng Thời, Chính trị viên, Bí thư Đảng uỷ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập cho biết, các bản giáp biên giới chủ yếu là hộ nghèo, sản xuất tự cung tự cấp. Nơi đây từng là “điểm nóng” ma túy, hậu quả của “cơn lốc ma tuý” đã để lại những căn nhà ở Lóng Sập tiêu điều, dột nát.
Cả bản chỉ còn phụ nữ, người già, trẻ em sống lay lắt, buồn chán và không có tương lai. Bởi hầu hết thanh niên, đàn ông và cả phụ nữ có sức khoẻ của bản đều bị bắt đi tù, vì liên quan đến buôn bán hoặc nghiện ma tuý.
Để giúp người dân rời xa ma túy, ngoài cai nghiện, phải giúp người dân yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập ổn định cho bà con.
Đảng uỷ, chính quyền xã Lóng Sập cùng Bộ đội Biên phòng đã hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ bà con trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò thịt, bò nhốt chuồng, trồng chanh leo, trồng chè… để có nguồn thu nhập ổn định.
Theo Thượng tá Thời, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, các đoàn thể, sự chung tay của Bộ đội Biên phòng, nhiều người đàn ông ở Buốc Pát từng là “đệ tử” của “nàng tiên nâu” đã trở lại vị trí trụ cột làm kinh tế, lo toan cho gia đình.
Nâng bước trẻ đến trường
Ma tuý dần được đẩy lùi, người dân bản Buốc Pát đã dần quên ký ức đau buồn trước đây
Dù cuộc sống của Buốc Pát đã thay đổi từng ngày khi ma tuý đang dần được đẩy lùi, nhưng những hệ lụy mà nó gây ra, vẫn cần thời gian dài khắc phục.
Tại Điểm trường Mầm non Buốc Pát, cô giáo Hà Thị Xuyên, giáo viên phụ trách đang dắt những đứa trẻ về lại nơi bán trú.
Cô Xuyên kể, lớp dao động từ 10-20 cháu, gồm cả 4 độ tuổi, gia cảnh đa phần đều rất khó khăn. Trong đó nhiều cháu có bố đang cai nghiện hoặc thi hành án liên quan đến ma túy.
Như bé Mùa Thị S. (5 tuổi), bố đi tù vì buôn bán ma tuý, mẹ bỏ đi; bé Mùa A P. (5 tuổi) bố đi cai nghiện, 2 mẹ con sống trong căn nhà rách nát, lay lắt.
Để xoa dịu nỗi đau ma túy ở Buốc Pát, các cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập và nhiều cấp ban ngành trong tỉnh Sơn La, huyện Mộc Châu và xã Lóng Sập đã chung tay, góp sức hỗ trợ bằng các chương trình “Bữa ăn cho em”, “Nâng bước em đến trường”...
Là người khởi xướng “Bữa ăn cho em” chục năm trước ở Buốc Pát, gặp Trung tá Đào Mạnh Tưởng, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La nhớ lại, khi ấy, ông còn là Chính trị viên phó của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập.
Trong một lần đi tuần tra, ông ghé thăm điểm Trường Mầm non Buốc Pát, nhìn những đứa trẻ quần áo rách, gặm những bắp ngô cháy đen thui, cô giáo nghẹn ngào kể nhiều đứa trẻ đói rách quá, không đủ ăn, nên chúng không thể học được.
“Hình ảnh những đứa trẻ ấy khiến tôi không ngừng day dứt. Tôi đã đưa vấn đề mình trăn trở ra cuộc họp của đơn vị để xin ý kiến giúp các cháu. Và “Bữa ăn cho em” ở Lóng Sập được hình thành. Từ đó, trưa nào cũng vậy, căn bếp ở Tổ Công tác biên phòng Buốc Pát (cách điểm trường mầm non không xa) nấu các món ăn gửi đến Điểm trường Mầm non Buốc Pát”, Trung tá Tưởng kể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận