Người học có quyền lựa chọn theo nhu cầu, thi loại GPLX phù hợp chứ không bắt buộc |
Trước ý kiến bày tỏ lo ngại về sự rối rắm, tốn kém, thậm chí là “đầy ví giấy tờ” khi thực hiện việc cấp GPLX số tự động, ông Phạm Văn Hậu, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) cho rằng, nếu người dân có GPLX số sàn vẫn được lái cả xe số sàn lẫn xe số tự động.
Không đồng tình vì chưa hiểu rõ
Trên một tờ báo, độc giả có địa chỉ mail hungdv113@yahoo.com cho rằng: “Trên thế giới chẳng ai làm thế cả, rối rắm cho cả người dùng và cơ quan quản lý. Như vậy, nếu để lái được xe số sàn và số tự động, tôi phải có hai GPLX”.
Trên mạng xã hội Facebook, bạn Dinh Nguyen cũng cho rằng: “Khi tham gia giao thông, điều bắt buộc là phải tuân thủ Luật Giao thông, còn sử dụng ô tô số sàn hay số tự động thì chỉ cần bổ sung giáo trình dạy lái xe số tự động vào chương trình đào tạo mà trước đó chưa có, như vậy sẽ ổn. Đâu nhất thiết phải đặt ra những thủ tục vừa rườm rà, vừa tốn kém như thế”.
"Thực tế đào tạo hiện nay chủ yếu học trên xe số sàn nhưng khi sử dụng đa số người lái xe không chuyên nghiệp (xe gia đình) hạng B1 lại sử dụng xe số tự động. Vì vậy, nhiều người đã lúng túng và nhiều vụ tai nạn đã xảy ra khi lái xe không quen sử dụng xe số tự động. GPLX cấp cho người điều khiển xe số tự động đến 9 chỗ ngồi không hành nghề lái xe vẫn là GPLX hạng B1 theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ. Trong GPLX chỉ thêm dòng ghi chú: “Loại xe: Xe số tự động”. Như vậy không trái Luật Giao thông đường bộ”. Bà Trịnh Minh Hiền |
Dù có một số ý kiến trái chiều như vậy, tuy nhiên, cũng trên mạng xã hội và trên các trang báo, do có điều kiện tiếp xúc với thực tế tại các nước trên thế giới hoặc hiểu rõ cách làm này nên nhiều ý kiến đã bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương cấp GPLX số tự động.
Bạn Phuong Hoang cho biết: “Theo luật này là có bằng số sàn thì được lái cả xe số sàn lẫn số tự động, còn bằng số tự động (dễ hơn) thì chỉ được lái số tự động và không được lái số sàn. Nhiều nước cũng đã làm như vậy”.
Ngay như chủ nhân trang Facebook Văn Công Hùng trong bài viết của mình lúc đầu cũng bày tỏ: “60 - 70% người lái xe cá nhân hiện nay là lái xe số tự động. Nhưng căn cứ vào đấy để cấp bằng lái riêng cho xe số sàn và số tự động thì nhà cháu lại thấy nó ngang ngược thế nào ấy. Thế tức là nhà cháu sẽ không được lái xe số tự động”.
Tuy nhiên, ngay sau khi đăng dòng status (trạng thái) của mình, khi đọc một số comment (bình luận) giải thích, việc cấp thêm bằng này là theo nhu cầu. Có bằng số sàn vẫn được lái xe số tự động. Ngược lại có bằng số tự động thì không được lái xe số sàn thì chủ nhân của bài viết này đã tâm phục, khẩu phục: “Nếu thế vấn đề sẽ khác. Các trung tâm sẽ dạy và thi lái xe số tự động riêng… Như thế là mở mới hoàn toàn chứ những ai có bằng rồi chả việc gì phải đổi”.
Hoàn toàn ủng hộ với chủ trương này, có ý kiến còn phân tích, nhiều người sau khi có bằng lái xe số sàn nhưng do chỉ lái số tự động lâu ngày nên đã đánh mất khả năng lái xe số sàn. Tuy nhiên, quy định hiện nay vẫn cho phép họ điều khiển xe số sàn. Như vậy sẽ rất nguy hiểm. Trong khi với chủ trương cấp GPLX số tự động thì đương nhiên người đó không được phép lái xe số sàn. Vì thế, mỗi người vẫn chỉ cần một bằng.
“Thực tế, nhiều người học lấy bằng nhưng thời gian dài không lái là xuống tay nghề. Và hơn hết, theo em đã đào tạo thì càng kỹ, càng tốt, đó là kiến thức, kỹ năng cơ bản, trong quá trình chạy xe còn phải tự bổ sung nhiều”, một người dùng facebook chia sẻ.
Người học có quyền lựa chọn loại GPLX phù hợp
Khẳng định quan điểm về chủ trương cấp GPLX số tự động, ông Phạm Văn Hậu, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) - đơn vị được Bộ GTVT giao tham mưu về vấn đề này cho biết: “Việc thi xe số tự động là không bắt buộc. Người thi có quyền lựa chọn thi loại GPLX phù hợp. Dự kiến, việc sửa đổi Thông tư 46 sẽ theo hướng, người có bằng lái xe số tự động chỉ được lái loại xe có số tự động và không được lái xe số sàn. Còn người lái xe số sàn vẫn được lái xe số tự động như hiện nay. Vì học lái xe số tự động dễ hơn, thi dễ hơn nên sẽ có chương trình đào tạo, quy trình sát hạch riêng. Tuy nhiên, người thi lấy GPLX số tự động không được đổi sang GPLX quốc tế. Vì hiện nay GPLX số tự động chỉ áp dụng đối với một số nước tham gia Công ước Viên”.
“Như vậy, nếu người dân có GPLX số sàn vẫn được lái cả xe số sàn lẫn xe số tự động. Còn nếu có nhu cầu học và cấp riêng GPLX số tự động chỉ được lái xe số tự động mà không được phép lái xe số sàn. Việc cấp GPLX số sàn vẫn được thực hiện như hiện nay. Người học có nhu cầu vẫn cứ học số sàn để được lái cả số sàn và số tự động chứ hoàn toàn không có thay đổi gì”, ông Hậu khẳng định.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết: “Việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX ô tô riêng cho người không hành nghề lái xe điều khiển ô tô sử dụng hộp số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người học và dự sát hạch lái xe. Khi triển khai cấp GPLX ô tô loại hình này cần xây dựng quy trình đào tạo, nội dung sát hạch riêng cho loại hình xe số tự động. Người học có quyền lựa chọn theo nhu cầu, thi loại GPLX phù hợp chứ không bắt buộc”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận