QLN2 hiện có nhiều phương tiện chọn đi do gần hơn so với QL1 - Ảnh: Hải Đường |
Tuyến đường rút ngắn hơn 50km
Trong những ngày đầu năm 2018, tiết trời se lạnh, báo hiệu của những ngày xuân sắp đến, PV Báo Giao thông có dịp trở lại QLN2, tuyến đường đi xuyên vùng Đồng Tháp Mười qua 2 tỉnh Long An và Đồng Tháp. Khi vừa đặt chân đến địa phận Long An, đập vào mắt chúng tôi là những cánh đồng lúa mênh mông, xa xa là những đồng sen trải dài, những vạt rừng tràm bát ngát, hoang sơ đầy hoa trắng tinh khôi đung đưa theo gió. Những con kênh đào xuyên ngang, thẳng tắp, xa ngút tầm nhìn chừng như dài vô tận...Nhiều ngôi nhà cao tầng kiên cố, khang trang, những ngôi biệt thự hoành tráng đua nhau mọc lên. Đặc biệt, nhiều dự án, công trình hàng trăm tỉ đồng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đã và đang được thi công san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng.
Đi dọc QLN2 mới thấy vùng đất Đồng Tháp Mười nhiều khó khăn bởi đất nhiễm phèn giờ chỉ còn trong quá khứ. Ngày nay, tuyến QLN2 là 1 trong 3 trục đường chính xuyên miền Tây Nam bộ: QL1 nằm phía Đông, tuyến N1 ở phía Tây (dọc biên giới) và tuyến N2 nằm ở giữa.
Tuyến đường Hồ Chí Minh bắt đầu từ huyện Chơn Thành (Bình Phước) băng qua TP HCM ở phía Tây đoạn Củ Chi tiếp đến vùng Đồng Tháp Mười và kết thúc tại mũi Cà Mau với tổng chiều dài 440km. Đoạn qua Long An và Đồng Tháp dài hơn 100km được gọi là tuyến N2 đưa vào sử dụng từ năm 2007. Hơn 10 năm về trước, vùng Đồng Tháp Mười còn hoang vắng, nhìn mỏi mắt mới tìm thấy bóng dáng một chiếc xe, tuy nhiên giờ đây xe cộ đông đúc nối đuôi nhau tạo nên một sức sống mới. Những ngày lễ, Tết có khi còn xảy ra cảnh kẹt xe vì lưu lượng giao thông lớn.
Chị Kiều Thị Thùy Trang (quê An Giang đi làm công nhân ở Bình Dương) cho biết, những ngày lễ, Tết, hàng chục nghìn công nhân quê Đồng Tháp, An Giang…chọn QLN2 để về thăm nhà, do gần hơn khoảng 50km so với QL1. Anh Nguyễn Văn Cường (ngụ tỉnh Đồng Tháp, tài xế xe tải) cho biết, rất đông tài xế xe tải khu vực miền Tây chở hàng đi các tỉnh miền Đông, TP.HCM…đã đi tuyến đường này, vì tiện lợi và giảm được thời gian, tránh kẹt xe trên QL1. Đặc biệt, người dân các huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa (Long An) không còn lo ngại về phương tiện vận chuyển mỗi khi thu hoạch nông sản. “Nếu như ở khu vực này trước đây vận chuyển lúa, gạo, chanh… 100% bằng phương tiện đường thủy thì ngày nay chuyển hết qua đường bộ theo QLN2 đi các tỉnh trong và ngoài khu vực”, ông Nguyễn Văn Ba, nông dân xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa tâm sự.
Kêu gọi thu hút đầu tư dọc QLN2
Sau nhiều năm đưa vào khai thác, QLN2 đã góp phần tăng cường hoạt động giao lưu kinh tế, luân chuyển hàng hóa giữa các tỉnh vùng trọng điểm kinh tế phía Nam với khu vực ĐBSCL.
Ông Dương Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa (Long An) cho biết, trước đây người dân các xã Tân Thành, Long Thuận… vận chuyển hàng hóa, đặc biệt lúa gạo chủ yếu bằng đường thủy. Khi QLN2 mở ra, tạo thuận lợi cho vận chuyển đường bộ và đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở các xã vùng sâu của huyện.
Ông Tuấn cũng cho biết, khi có đường, việc thu hút các nhà đầu tư về địa phương cũng có nhiều khởi sắc. Hiện có 2 khu công nghiệp lớn được các nhà đầu tư triển khai thực hiện. Trong đó, Dự án Việt Phát với diện tích gần 300ha, đang tiến hành san lấp mặt bằng. Dự án Môi trường xanh tại xã Tân Thành với tổng diện tích khoảng 1.760ha, nhà đầu tư đang thi công 2 cầu và đường dẫn vào dự án. Ngoài ra, khu thương mại và dịch vụ đã hình thành thu hút hàng trăm hộ tiểu thương vào mua bán rất nhộn nhịp. Song song đó, tỉnh đầu tư xây dựng tuyến giao thông kết nối như: đường tỉnh 817, 816, đường liên xã Ấp 2…tạo thuận cho việc đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Văn Tạo, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa (Long An) cho biết, QLN2 qua địa bàn huyện có chiều dài khoảng 10km đã có 17 doanh nghiệp xay xát lúa gạo hoạt động dọc theo quốc lộ. Bên cạnh còn thu hút gần 20 trang trại chăn nuôi gà theo hướng công nghệ cao, diện tích trang trại nhỏ nhất cũng 10ha, thả nuôi hàng chục nghìn con gà. “Huyện đã quy hoạch cụm, tuyến công nghiệp vừa và nhỏ dọc tuyến quốc lộ này để kêu gọi đầu tư với trên 322ha”, ông Tạo cho hay.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, QLN2 hoàn thành đoạn Đức Hòa-Thạnh Hóa đã phần nào vực dậy nền kinh tế nông nghiệp ở khu vực như: Lúa, mía và vùng chuyên canh khóm, chanh. Đồng thời, kết nối khu này với vùng kinh tế Đông Nam bộ, nhất là TP HCM. Tỉnh cũng đang khẩn trương xây dựng các tuyến đường kết nối với QLN2 như: Tuyến Thủ Thừa - Bình Thành, Thủ Thừa - Long Thạnh, QLN2 -QLN1… (dọc biên giới).
Hình thành cao tốc phía Tây
Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Cửu Long cho biết, theo quy hoạch tuyến N2 sau này sẽ kết nối vào dự án “Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Mekong” để hình thành một trục dọc phía Tây song song với QL1. Dự án “Kết nối trung tâm đồng băng sông Mekong” có 3 dự án thành phần đang triển khai gồm: Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền (Đồng Tháp), tổng vốn đầu tư 6.493 tỷ đồng; dự án tuyến nối từ cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống dài 15,7km, tổng vốn đầu tư 5.620 tỷ đồng; dự án cầu Vàm Cống (nối Đồng Tháp - Cần Thơ) dài 6,9km, trong đó cầu Vàm Cống dài 2,9km. Các dự án này đang đi vào giai đoạn cuối và hoàn thành đầu năm 2018. Cùng với đó dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với quy mô rộng 4 làn xe đang được triển khai xây dựng từ Cần Thơ đến Kiên Giang. Như vậy, trong tương lai không xa, sau khi các dự án này hoàn thành sẽ có thêm một tuyến trục ở phía Tây vùng ĐBSCL kết nối từ TP HCM - Long An Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang để chia tải cho QL1. Về lâu dài tuyến đường này cũng được quy hoạch để đạt chuẩn đường cao tốc loại A.
Tuy nhiên, hiện tại tuyến N2 từ TP HCM mới được đầu tư đến Mỹ An (Đồng Tháp), đoạn từ Mỹ An đến Cao Lãnh chưa được đầu tư, các phương tiện vẫn phải đi vào đường tỉnh 847 mới đi qua được Cao Lãnh. Ông Thi cho biết, dự án tuyến N2 từ Mỹ An đến Cao Lãnh dài 25km đã được Cửu Long lập báo cáo đầu tư và được Bộ GTVT phê duyệt. Khó khăn hiện nay là chưa có nguồn vốn để đầu tư và đang kêu gọi vốn ODA.
“Kiến nghị cơ quan chức năng sắp xếp nguồn vốn để hoàn thành tiếp 25km đường N2 từ Mỹ An đến Cao Lãnh, lúc đó sẽ phát huy tối đa hiệu quả của cả hai dự án là tuyến N2 và dự án “Kết nối trung tâm đồng bằng sông Mekong cũng như hiệu quả nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên”, ông Thi nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận