Thời sự Quốc tế

Bangladesh hoàn thành cây cầu 6,51 km sau 8 năm sóng gió

27/06/2022, 06:30

Quá trình xây dựng cây cầu dài nhất Bangladesh mất 8 năm mới hoàn thành vì các cáo buộc tham nhũng liên quan tới 1 công ty xây dựng của Canada.

Ngày 25/6, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tham dự lễ khánh thành cây cầu dài nhất đất nước, hoàn thành sau 8 năm xây dựng do gặp trở ngại liên quan tới xung đột chính trị và cáo buộc tham nhũng.

Cây cầu dài 6,51km bắc qua sông Padma sẽ rút ngắn khoảng cách giữa thủ đô Dhaka và cảng biển lớn thứ 2 Bangladesh là Mongla khoảng 100km.

Chi phí xây dựng cầu ước tính khoảng 3,6 tỷ USD và được trích từ nguồn ngân sách nhà nước sau khi Ngân hàng Thế giới và các cơ quan cho vay quốc tế khác từ chối hỗ trợ dự án sau bê bối tham nhũng liên quan tới một công ty xây dựng Canada.

Thông báo của Đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh Li Jiming cho biết dự án này không phải một phần trực tiếp thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc nhưng được xây dựng bởi một công ty kỹ thuật cầu đường của Trung Quốc và được Bắc Kinh coi như cột mốc trong hợp tác với Bangladesh.

img

Cây cầu dài nhất Bangladesh bắc qua sông Padma. Ảnh - AP

Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc cho biết cầu Padma sẽ được tích hợp mạng lưới đường sắt kết nối với các dự án khác thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường. Còn theo giới chức Bangladesh, cây cầu sẽ kết nối ít nhất 21 quận ở các khu vực miền nam và tây nam Bangladesh.

Các nhà kinh tế dự báo hạ tầng này sẽ giúp tăng GDP của Bangladesh thêm 1,3% mỗi năm, trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo nền kinh tế Bangladesh sẽ tăng trưởng 6,9% trong giai đoạn 2021-2022 và 7,1% trong giai đoạn 2022-2023.

Quá trình xây dựng cầu có sự tham gia của 4.000 kỹ sư và gặp rất nhiều thách thức về mặt kỹ thuật. Phần móng cầu nằm sâu dưới nước ở mức kỷ lục 122m.

Năm 2012, Ngân hàng Thế giới cho biết phát hiện những dấu hiệu tham nhũng liên quan tới một công ty xây dựng Canada và quyết định không hỗ trợ khoản vốn 1,2 tỷ USD cho việc xây dựng cây cầu, kéo theo các cơ quan cho vay quốc tế khác như Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển Hồi giáo rút khỏi dự án.

Khi đó, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina phải tuyên bố quốc gia này sẽ trích ngân sách để xây dựng cây cầu.

img

Đông đảo người dân Bangladesh tập trung tại lễ khánh thành cây cầu. Ảnh - AP

Cáo buộc tham nhũng đã được đưa ra tòa án tại Ontario, Canada năm 2017 nhưng kết quả, 3 cựu giám đốc điều hành thuộc công ty Canada SNC-Lavalin được tuyên trắng án.

Trong quá trình xây dựng cây cầu, ông Hasina cũng chịu chỉ trích tham nhũng từ cựu Thủ tướng Khaleda Zia bất chấp ông Hasina phủ nhận cáo buộc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.