Theo tin tức mới nhất từ The Indian Express (Ấn Độ), Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết, hoạt động giảm tốc cuối cùng của mô-đun đổ bộ của Chandrayaan-3 đã giảm quỹ đạo xuống 25x134 km quanh Mặt Trăng.
Giai đoạn xuống dốc để sẵn sàng cho cuộc đổ bộ sẽ bắt đầu vào lúc 17h45 ngày 23/8 (theo giờ Ấn Độ). Quá trình xuống dốc sẽ theo 7 giai đoạn chính: Giai đoạn chuẩn bị ban đầu - Giảm vận tốc - Thay đổi hướng - Giữ độ cao - Phanh gấp - Đi xuống cuối cùng - Chạm xuống.
Thao tác kỹ thuật quan trọng mà tàu đổ bộ Vikram của Chandrayaan-3 sẽ phải thực hiện vào ngày 23/8 khi nó bước vào 15 phút cuối cùng của nỗ lực hạ cánh nhẹ nhàng trên Mặt trăng sẽ là chuyển đổi vị trí đang nằm ngang ở tốc độ cao của nó sang vị trí thẳng đứng - để tạo điều kiện cho việc đáp xuống nhẹ nhàng lên bề mặt Mặt trăng.
15 phút cuối cùng này sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của sứ mệnh. Vào tháng 7 năm 2019, sau khi Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) hủy bỏ nỗ lực khởi động sứ mệnh Chandrayaan-2 đầu tiên, K. Sivan, khi đó là chủ tịch ISRO, đã mô tả giai đoạn này là "15 phút kinh hoàng".
Mô tả của Tiến sĩ Sivan đã nắm bắt được bản chất của sự phức tạp trong giai đoạn cuối của sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng - giai đoạn mà Chandrayaan-2 đã thất bại sau khi tàu đổ bộ Vikram (của Chandrayaan-2) không chuyển đổi thích hợp từ vị trí nằm ngang sang vị trí thẳng đứng và lao xuống bề mặt Mặt trăng khi nó đang bước vào "giai đoạn phanh gấp" khi cách bề mặt Mặt trăng 7,42 km.
Manish Purohit, cựu nhà khoa học ISRO, người đã tham gia vào các dự án Chandrayaan-2 và Mangalyaan cho biết: "Những khoảnh khắc quan trọng trong 15 phút cuối cùng trước khi hạ cánh gói gọn trong các thao tác kỹ thuật phức tạp, tính toán căng thẳng. Tất cả dốc sức cho một cuộc đổ bộ thành công để khám phá những bí ẩn của Mặt trăng".
Sau khi tàu đổ bộ Vikram và robot tự hành Pragyan của Chandrayaan-3 đáp xuống Mặt trăng, những hình ảnh được chụp bởi camera trên tàu vũ trụ sẽ được chia sẻ với Trái đất.
15 phút kinh hoàng diễn ra như thế nào?
Giai đoạn xuống dốc là giai đoạn cuối cùng của sứ mệnh Chandrayaan-3 và chính trong giai đoạn này, các hoạt động quan trọng nhất sẽ được thực hiện.
Manish Purohit cho biết: Ở giai đoạn chuẩn bị ban đầu, tàu đổ bộ Vikram sẽ bay lên từ 25 đến 30 km so với bề mặt Mặt trăng và chạy với vận tốc khoảng 1.600 mét/giây theo chiều ngang.
Giai đoạn tiếp theo, đó là giảm vận tốc sẽ kéo dài 690 giây và các động cơ đẩy sẽ được kích hoạt để giảm vận tốc của Vikram xuống còn 1/4 tốc độ ban đầu.
Với sự giảm tốc độ được kiểm soát này và nhờ lực hấp dẫn của Mặt trăng, tàu đổ bộ Vikram sẽ bắt đầu lao xuống theo phương thẳng đứng với tốc độ khoảng 60 mét/giây.
Giai đoạn xuống dốc để sẵn sàng cho cuộc đổ bộ sẽ bắt đầu vào lúc 17h45 ngày 23/8 (theo giờ Ấn Độ). Ảnh: ISRO
Giai đoạn thay đổi hướng sẽ diễn ra đồng thời với giai đoạn giảm vận tốc. Trong giai đoạn thay đổi hướng, tàu đổ bộ sẽ được xoay một chút và quá trình hiệu chỉnh quan trọng sẽ được tiến hành cách mặt đất 7,5 km.
Tiếp theo là giai đoạn giữ độ cao. Đây là một giai đoạn "nhạy cảm" và sẽ kéo dài 10 giây. Tàu Vikram sẽ kiểm tra địa hình và xác nhận điểm hạ cánh, nhằm tránh những rắc rối đã khiến tàu đổ bộ Vikram của sứ mệnh Chandrayaan-2 rơi xuống Mặt trăng.
Trong giai đoạn phanh gấp quan trọng, Vikram sẽ được căn chỉnh theo phương thẳng đứng và sẽ bay lơ lửng ở độ cao từ 800 đến 1.300 mét so với địa điểm hạ cánh.
Máy ảnh và cảm biến sẽ được kích hoạt, máy tính trên tàu đổ bộ sẽ xử lý thông tin cùng các quyết định về việc hạ cánh sẽ được hoàn tất.
Giai đoạn đi xuống cuối cùng là giai đoạn mà tàu đổ bộ Vikram sẽ bay lơ lửng trên bề mặt Mặt trăng ở khoảng cách khoảng 150 mét. Việc kiểm tra "Đi/Không đi" của camera phát hiện nguy hiểm sẽ hướng dẫn quyết định cuối cùng.
Nếu mọi việc suôn sẻ, Vikram sẽ quyết định hạ cánh trong 73 giây - đánh dấu lần chạm đất lịch sử của nó xuống bề mặt cực Nam Mặt Trăng.
Sau khi tàu đổ bộ Vikram hạ cánh thành công xuống cực Nam, các cảm biến sẽ báo hiệu cho máy tính trên tàu. Sau đó, tàu đổ bộ sẽ được cung cấp năng lượng hoàn toàn và Vikram sẽ mở đường dốc của xe tự hành Pragyan để có thể bắt đầu cuộc hành trình trên Mặt trăng của mình.
Mạng liên lạc nâng cao, được hỗ trợ bởi tàu quỹ đạo Chandrayaan-2, mô-đun đẩy Chandrayaan-3 và ăng-ten mạng không gian sâu của ISRO sẽ cho phép các hình ảnh được chụp bởi camera trên tàu Vikram và Pragyan được chia sẻ với Trái đất và các dữ liệu khác được truyền tới trạm điều khiển nhiệm vụ.
Nếu Vikram vượt qua thử thách của "15 phút kinh hoàng" - nghĩa là cuộc đổ bộ thành công, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ 4 đưa tàu lên Mặt trăng, và trở thành nước đầu tiên trong lịch sử chạm được xuống vùng cực Nam tối tăm của Mặt Trăng (các sứ mệnh trước đây đều ở vùng quỹ đạo sáng của Mặt trăng).
Nguồn: The Indian Express, News.abplive.com
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận