Thông tin này được tờ The Times của Anh ngày 20/4 đăng tải dựa trên một số nguồn tin.
Cũng theo các nguồn tin này, Huawei còn nhận kinh phí từ quân đội Trung Quốc và một chi nhánh của mạng lưới tình báo Trung Quốc.
Tuy nhiên, Huawei đã bác bỏ mọi cáo buộc. Một đại diện của Huawei trả lời tờ The Times rằng: “Huawei không bình luận về những cáo buộc không có căn cứ từ các nguồn tin nặc danh”.
Trong khi đó, CIA của Mỹ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa có phản ứng về thông tin từ The Times.
Hồi đầu tháng, ông Joy Tan, Giám đốc truyền thông toàn cầu của Huawei, nói với tờ Forbes rằng, “các giả định chính phủ Trung Quốc có thể can thiệp vào hoạt động kinh doanh của Huawei là hoàn toàn không đúng. Huawei là một công ty tư nhân. Chính phủ Trung Quốc không có quyền sở hữu hay bất kỳ quyền can thiệp vào hoạt động kinh doanh của chúng tôi”.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn chưa được giải quyết và Mỹ liên tục nêu lên các quan ngại rằng thiết bị của Huawei có thể được sử dụng cho mục đích do thám.
Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh không dùng các thiết bị và mạng 5G của tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc này.
Trước đó, hãng Reuters đưa tin Mỹ sẽ gây sức ép với các đồng minh tại một cuộc gặp ở thủ đô Prague của CH Czech vào tháng tới để áp dụng các biện pháp về chính sách và an ninh, theo đó, Huawei sẽ khó lòng thống trị việc cung cấp hệ thống mạng 5G tiên tiến.
Trong một sự việc liên quan, ngày 20/4, báo The Weekend Australian đăng tải bài viết có tựa đề "Mỹ nói Huawei được cơ quan gián điệp Trung Quốc tài trợ" cho hay:
"Tại Australia, hãng viễn thông hàng đầu TPG đã dừng xây dựng việc triển khai mạng di động với Huawei vào tháng 1/2019, do chính phủ liên bang cấm sử dụng Huawei và các thiết bị 5G khác của Trung Quốc".
Gần đây, Huawei cũng đã phải tháo gỡ các thẻ phát tín hiệu wifi khỏi các hộp kỹ thuật thuộc hệ thống camera theo dõi an ninh (CCTV) đặt tại Pakistan sau khi bị nhân viên dự án này phát hiện.
Cơ quan quản lý an toàn thành phố Punjab (Punjab Safe City Authority, viết tắt là PSCA) của Pakistan nói với chương trình Panorama của BBC rằng, họ đã yêu cầu Huawei phải tháo gỡ các module cài từ năm 2017 "do có thể bị sử dụng sai mục đích".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận