Chính trị

Báo cáo tham nhũng vẫn nể nang, ngại va chạm

22/09/2016, 15:20

Ngày 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian để nghe các báo cáo công tác năm 2016.

13

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/9

Ngày 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian để nghe các báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng.

Báo cáo tham nhũng vẫn nể nang, ngại va chạm

Tuy nhiên, trừ báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, tất cả các báo cáo đều đóng dấu mật, kéo theo các báo cáo thẩm tra cũng phải đóng dấu mật. Không đồng tình về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trước khi trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo của cơ quan tố tụng đã thẳng thắn đặt câu hỏi: “Tại sao truy tố, xét xử thi hành án... diễn ra công khai nhưng các báo cáo tổng kết về hoạt động công khai này lại đóng dấu mật?”.

Theo bà Nga, việc đóng dấu mật là hạn chế quyền tiếp cận của người dân về hoạt động này, một hoạt động liên quan rất nhiều đến quyền công dân và đỉnh cao là quyền sống của con người. Việc công khai, minh bạch thông tin sẽ giúp cho đại biểu, cử tri tiếp cận dễ hơn, đánh giá đúng hơn về cả thành tích cũng như khó khăn của các ngành.

Trên cơ sở đó, bà Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp tách nội dung nào, số liệu nào là mật để riêng, còn các nội dung khác cần giải mật giúp cho đại biểu, cử tri tiếp cận được.

Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho hay, các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng, 838m2 đất, đã thu hồi 92 tỷ 460 triệu đồng và kê biên 7 bất động sản, đạt 38,3%.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Chính phủ đánh giá vẫn cơ bản như các năm 2013, 2014, 2015 là, “tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi”. Đặc biệt, trong 4 năm gần đây, Chính phủ không còn đánh giá tình hình tham nhũng ở mức độ “nghiêm trọng” như năm 2012 trở về trước. Trong khi đánh giá của Ban chấp hành T.Ư Đảng cũng như phản ánh của người dân và doanh nghiệp thì “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”.

Theo cơ quan thẩm tra, Báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng nhưng lại chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. Trong nhiều năm các báo cáo này vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có nơi”, “có lúc”, “có địa phương”, “có một bộ phận cán bộ, công chức”… mà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi.

Hành vi cướp, dù là bánh mì cũng không chấp nhận được

Giải trình thêm tại phiên họp Thường vụ Quốc hội cuối giờ chiều 21/9 về tình hình phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận định, tội phạm vẫn diễn ra phổ biến, điển hình nhất ai cũng có thể nhìn thấy được là những vi phạm về luật giao thông. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong xã hội hiện nay vi phạm giao thông rất tràn lan và phổ biến, nhiều người coi như chuyện bình thường. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã xử phạt gần 2.000 tỷ đồng tiền vi phạm.

Về diễn biến tội phạm, Bộ trưởng Tô Lâm nhận định, “rất phức tạp”, đặc biệt, tội phạm lứa tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, luật pháp quy định còn những khoảng trống để tội phạm hoạt động mạnh mẽ: “Ví dụ như, hành vi trộm cắp, hay cướp, dù thế nào thì cũng không thể chấp nhận được trong xã hội của chúng ta. Chúng ta quy định, ăn cắp từ 2 triệu đồng trở lên mới bị xử lý thì rất khó. Quy định như thế thì nhiều đối tượng lợi dụng, cứ ăn cắp dưới 2 triệu đồng, bắt rồi lại phải thả ra ngay. Hay hành vi cướp, dù là cướp bánh mì cũng không chấp nhận được, nay cướp bánh mì không bị xử lý, thì cũng không biết ngày mai sẽ cướp gì”, Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng.

Về tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra hiện tượng thiếu công khai, minh bạch hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp vẫn diễn ra, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ, tài chính, ngân sách Nhà nước và giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị… gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Báo cáo thẩm tra trích dẫn ví dụ về việc hàng năm TP Hà Nội chi khoảng 700 tỉ đồng cho việc cắt tỉa cây xanh trên địa bàn, nhưng chỉ đến khi Chủ tịch UBND TP nhận ra sự bất hợp lý và thẳng thắn công bố thì người dân mới được biết về thông tin này.

Lạm dụng trong Bổ nhiệm cán bộ

Theo bà Nga, công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân… Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản Nhà nước.

Đại diện cơ quan thẩm tra chỉ ra nguyên nhân do còn thiếu tiêu chí khoa học, khách quan để người đứng đầu đánh giá chính xác cán bộ, công chức. Sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa được coi là tiêu chí, thước đo quyết định sự tồn tại và thăng tiến của cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến tình trạng trì trệ, thiếu động lực làm việc, thậm chí vòi vĩnh, nhũng nhiễu.

Với quy định “biên chế suốt đời”, “có vào không có ra”, “có lên không có xuống” đã tạo nên sức ỳ rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu rất khó để xem xét trách nhiệm và kỷ luật họ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.