Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đều là đối tượng bị nghe lén
Ngày 31/5, Đài phát thanh công cộng Đan Mạch (DR) và nhiều cơ quan báo chí khác ở nước này đã đăng tải thông tin gây chấn động cho biết, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã lợi dụng quan hệ hợp tác về giám sát với các đơn vị tình báo quân sự của Đan Mạch để nghe lén các đường cáp internet của Đan Mạch từ đó theo dõi các chính trị gia, quan chức cấp cao hàng đầu tại Đức, Thụy Điển, Na Uy và Pháp.
Bộ Quốc phòng Đan Mạch chưa phản hồi về thông tin trên.
Đài DR khẳng định Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch là bà Trine Bramsen đã được thông báo về hoạt động nghe lén này từ thời điểm tháng 8/2020 và chỉ trích đây là hành động không thể chấp nhận.
Chưa rõ sau đây, Đan Mạch còn cho phép Mỹ tiếp tục mối quan hệ tương tự hay không.
Thực chất, những thông tin báo chí Đan Mạch vừa cung cấp là kết quả từ cuộc điều tra nội bộ bí mật trong Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch (FE) từ năm 2015 về vai trò của NSA trong quan hệ hợp tác giám sát tình báo kể trên nhưng đến nay báo giới mới được tiếp cận thông tin.
Cụ thể, theo tờ báo Süddeutsche Zeitung, Cơ quan tình báo quốc phòng Đan Mạch (FE) đã cho phép NSA sử dụng một cơ sở của họ gần thủ đô Copenhagen để phục vụ việc theo dõi, nghe lén hàng loạt quan chức cấp cao, quan trọng ở Đức, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Pháp.
FE cũng hỗ trợ NSA thu thập thông về Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và một công ty sản xuất vũ khí của Đan Mạch cũng như bắt tay với NSA để do thám những hoạt động chống lại Washington.
Thậm chí FE còn giúp cơ quan tình báo Mỹ nghe lén cuộc đàm thoại của một loạt chính trị gia hàng đầu nước Đức như Thủ tướng Angela Merkel, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier và cựu lãnh đạo đảng đối lập Peer Steinbruck.
Chính phủ Đan Mạch đã biết về mối quan hệ giữa FE với NSA từ năm 2015 nhưng mãi đến năm 2020, chính quyền Copenhagen mới buộc toàn bộ các lãnh đạo của FE từ chức khi phát hiện mức độ hợp tác quá sâu giữa hai bên.
Đến thời điểm này, khi được hỏi về thông tin trên, đại diện Văn phòng Thủ tướng Đức khẳng định, họ chỉ biết về những cáo buộc trên khi báo chí đặt câu hỏi nhưng từ chối bình luận.
Tại Washington, NSA chưa phản hồi câu hỏi liên quan tới sự việc. Đại diện Cơ quan tình báo quốc phòng Đan Mạch cũng từ chối bình luận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận