Thời sự

Báo chí họp bàn, tìm kiếm mô hình kinh tế mới

22/07/2020, 11:09

Ngày 22/7, tại Quảng Ninh, Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) tổ chức Diễn đàn “Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí”.

img
Quang cảnh diễn đàn

Diễn đàn “Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí” được tổ chức để các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí, nhà mạng, doanh nghiệp trao đổi về những thách thức của báo chí Việt Nam; tìm kiếm các mô hình mới góp phần tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi sổ và ứng dụng công nghệ ngày một phát triển.

Đây cũng là hoạt động tiếp theo khởi động cho những sáng kiến mới trong khuôn khổ “Dự án phát triển Báo chí Việt Nam” giai đoạn 2020 - 2024.

Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh - Truyền hình và thông tin điện tử, Cục Tin học hóa, Vụ Công nghệ thông tin thuộc Bộ TT&TT và hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo, các chuyên gia trên cả nước...

Các đại biểu đã trình bày nhiều đề tài, tham luận chuyên sâu bàn về những thách thức, cơ hội, xu hướng và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực báo chí, truyền thông cũng như các giải pháp, mô hình mới góp phần tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí.

img
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu khai mạc diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chỉ ra rằng, kinh tế thế giới đang chứng kiến nhiều biến động sau sự bùng phát của dịch Covid-19 trên toàn cầu; giãn cách xã hội đã trở thành giải pháp tình thế trên quy mô toàn cầu, tuy nhiên, đây thực sự là cơ hội để con người nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách phải thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Mặt khác, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng khẳng định, đối với các cơ quan báo chí, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ làm nền tảng để tạo ra mô hình kinh doanh mới, từ đó tạo ra doanh thu mới cho cơ quan báo chí trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, để làm được điều đó, các cơ quan báo chí phải có công nghệ, có giải pháp, có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, các nhà mạng viễn thông và quan trọng nhất là sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan báo chí nhằm tạo ra sức mạnh để tồn tại và phát triển phù hợp với xu hướng chung của báo chí thế giới và khu vực, nhất là tạo thành sức mạnh chung để chống lại sự lấn át của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google...

img
Tổng Biên tập Báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên và các đại biểu tham dự diễn đàn

Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.

Đây sẽ là Dự án được triển khai theo phương châm xã hội hóa các nguồn lực có thể đóng góp cho sự phát triển của báo chí, thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước góp phần chuyển tải các giá trị tốt đẹp đối với xã hội.

Đồng hành cùng dự án trong suốt 5 năm là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với tổng ngân sách dự kiến để triển khai các hoạt động là 25 tỷ đồng.

img
Đại biểu tham luận tại diễn đàn

Đối tượng tham gia hưởng lợi từ chương trình này sẽ là tất cả các loại hình báo chí đang hoạt động ở Việt Nam như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Các chương trình hoạt động sẽ bao gồm việc tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam; đào tạo kỹ năng quản lý báo chí, các hội thảo tư vấn; các hoạt động hỗ trợ khác.

Công tác đảm bảo chuyên môn của dự án sẽ do Cục Báo chí, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT phối hợp thực hiện.

Quang Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.