PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo cho biết trung bình mỗi người VN sử dụng internet 5,2 giờ mỗi ngày, trong đó có 3,1 giờ cho mạng xã hội, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho những tờ báo biết tận dụng truyền thông xã hội. |
“Nếu không thay đổi quyết liệt, báo chí có nguy cơ bị mạng xã hội lấn át”, đây là một thực tế được nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí đặt ra tại hội thảo Báo chí và mạng xã hội do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo) phối hợp với Tạp chí Người làm báo tổ chức sáng 2/12.
Theo nghiên cứu, để có được 50 triệu người theo dõi, báo in cần quãng đường 100 năm, radio cần 38 năm, tivi cần 14 năm, internet cần bốn năm và facebook chỉ cần đến hai năm. Lượng thông tin được cập nhật như vũ bão lên các mạng xã hội mà đặc biệt là facebook đã thực sự trở thành thách thức với báo chí. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng mang tới những thuận lợi chưa từng có cho báo chí như phát hiện đề tài, tiếp cận nguồn tin dễ dàng hơn, có thêm kênh quảng bá tốt hơn, tương tác tốt hơn với bạn đọc.
Đại diện Báo Giao thông tham dự hội thảo cho rằng, các tòa soạn buộc phải thích ứng với mạng xã hội bằng cách thay đổi quy trình sản xuất tin bài, nhất là tin bài “nóng”, xây dựng bộ quy tắc ứng xử và tác nghiệp cho phóng viên, cộng tác viên đang tham gia mạng xã hội đồng thời có tiếng nói thúc đẩy việc xây dựng quy tắc ứng xử của cộng đồng mạng nói chung.
Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TPHCM Mai Phan Lợi cho rằng, vì phải đưa tin nhanh, cạnh tranh với mạng xã hội, không ít tờ báo đã bỏ qua quy trình xuất bản, đưa tin sai sự thật, tin cũ. Hiện, nhóm thực hiện báo cáo về năng lực báo chí điều tra tại Việt Nam đã đề xuất quy trình 8 bước và bộ công cụ để đảm bảo chất lượng tin bài, bước đầu được áp dụng ở một số báo, ông Lợi cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận