Ảnh minh họa.
Báo chí nắm trong tay quyền lực truyền thông. Đây được coi là quyền lực thứ tư sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Tuy nhiên, nếu những người nắm giữ quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đang phải đối mặt với những thách thức to lớn của thời cuộc một, thì các nhà báo đang phải đối mặt với thách thức to lớn của thời cuộc mười.
Lý do là vì quyền lực truyền thông đang được chia ra cho hàng chục triệu người, nếu như không phải là tất cả mọi người.
Chỉ tính riêng trên Facebook, nước ta đã có đến 48 triệu tài khoản. Nghĩa là cứ hai người Việt thì có một người có thể truyền thông trên mạng xã hội Facebook. Facebook không phải là phương tiện truyền thông duy nhất. Người Việt còn có thể truyền thông trên YouTube, trên Zalo và trên muôn và các phương tiện truyền thông hiện đại khác.
Rõ ràng, một nhà báo không thể đưa ảnh, đưa tin trực tiếp từ chiếc điện thoại di động của mình lên báo điện tử thì khó có thể cạnh tranh nổi với một facebooker bình thường nhất.
Thế nhưng, các nhà báo không thể cứ thích là “post” ngay lên được, cứ có tin, có bài là “post” ngay lên được. Một ngàn lẻ một các quy định về thủ tục có tên và không có tên đang trói chặt chân tay của các nhà báo trong cuộc cạnh tranh đã khác trước rất xa.
Cuộc chơi đã không còn là chuyện “Cá lớn nuốt cá bé”, mà là chuyện “Cá nhanh nuốt cá chậm”. Không khéo tất cả các nhà báo, tất cả các phóng viên đều đang chỉ là “những con cá chậm”. Và nhiều khi với sự tự kiểm duyệt gắt gao, không ít các nhà báo đang trở thành “những con cá rất chậm”.
Trong thời đại truyền thông số bùng nổ như hiện nay, quản trị quy trình làm báo chắc chắn cần phải thay đổi, nếu báo chí không muốn trở thành “những con cá chậm”.
Và quản lý báo chí chắn chắn cũng cần phải thay đổi theo, nếu Đảng, Nhà nước không muốn biến báo chí trở thành “những con cá chậm”.
Trong cuộc cạch tranh với truyền thông xã hội, báo chí không phải là không có các thế mạnh của mình. Truyền thông nhanh là một chuyện, truyền thông có chất lượng lại là một câu chuyện khác. Theo một số nhận định, thì có đến trên 50% các tin đưa trên mạng xã hội là những “fake news”.
Thế nên, nếu bạn đã biết nghi ngờ quảng cáo, thì hãy biết nghi ngờ tin tức trên mạng xã hội nhiều hơn thế nữa. Trong lúc đó, bạn sẽ chẳng bao giờ phải nghi ngờ báo chí chính thống như vậy cả. Với một quy trình thẩm định chặt chẽ, tin tức trên báo chí chính thống là đáng tin cậy.
Tuy nhiên, rủi ro của việc đưa tin giật gân, đưa tin thổi phồng để câu view thì lúc nào cũng có. Các báo càng “lá cải”, thì xu hướng nói trên càng áp đảo hơn. Tuy nhiên, đây là cách đáng tin cậy nhất để giết chết báo chí. Bởi vì rằng, đã không nhanh hơn lại còn cũng không tốt hơn, thì người ta đến với báo chí để làm gì?
Một thể mạnh khác của báo chí là khả năng đóng gói thông tin. Tham gia truyền thông xã hội chỉ là các “nhà báo tay ngang”. Tin tức của họ nhanh, nhưng chưa chắc đã dễ đọc; đọc chưa chắc đã thú vị. Các nhà báo, các phóng viên chuyên nghiệp chắc chắn là có nghề hơn ở đây.
Tuy nhiên, xu hướng đưa tin cho có tin, đưa tin mà không đưa hồn vào đó không phải là không có. Xu hướng này cũng là rủi ro rất lớn của báo chí chính thống. Rõ ràng, người ta bắt buộc phải nghe vợ, nhưng không ai bắt buộc phải nghe báo nói, báo hình, phải đọc báo chí chính thống cả.
Cuối cùng, sự thật chỉ có một, nhưng góc nhìn thì có rất nhiều. Đa số các nhà truyền thông xã hội chỉ đưa tin từ góc nhìn của họ. Con voi có thể như chiếc cột đình, mà cũng có thể như chiếc quạt mo. Ở đây, các nhà truyền thông xã hội có thể đã không sai, nhưng đồng thời cũng chưa chắc đã đúng.
Báo chí lại có thể cung cấp thông tin từ một góc nhìn mà bạn đọc nhận thức đúng đắn, chính xác hơn về cả con voi, chứ không chỉ là về những bộ phận của nó. Phản ánh đúng sự thật không chỉ là thế mạnh, mà còn là sứ mệnh của báo chí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận