Xã hội

Báo chí Việt cần mạnh dạn dùng tranh biếm họa

Họa sĩ DAD - Đỗ Anh Dũng là một trong những cây biếm họa hàng đầu Việt Nam hiện nay.

img

Họa sỹ Đỗ Anh Dũng

Biếm họa của anh xuất hiện ở rất nhiều tờ báo. Nét vẽ phóng khoáng, duyên dáng, ý tưởng bất ngờ và táo bạo là nét đặc trưng trong tranh của DAD.

DAD vẽ nhiều về đả kích, châm biếm những thói hư tật xấu và cả đả phá tiêu cực, tham nhũng. Vậy, đã có khi nào anh gặp “tai nạn” chưa?

Có chứ! Nhưng “tai nạn” thường phát sinh theo cách hiểu chưa thấu đáo của một số người đọc. Cũng có khi do người “cầm cân nảy mực” hiểu chưa đúng về nội dung tranh. Trước đây, khi internet chưa phổ biến thì bạn đọc gửi thư về tòa soạn trách móc, giờ thì họ gửi thư điện tử về tòa soạn hoặc comment trên trang cá nhân của mình...

Nói chung “tai nạn lớn” thì không, bởi tranh tôi vẽ luôn phải qua bộ lọc của Ban Biên tập.

Cũng có khi tôi được các anh chị Ban Biên tập các báo đi họp về nói là “có bị nhắc nhở”. Cũng có khi tranh bị “nã đạn” nhưng các báo vì hiểu tôi nên giấu đi, kiểu “sống để bụng, chết mang theo”.

Nhìn lại, DAD thấy quãng thời gian nào vẽ sướng tay nhất?

Những năm cuối thập niên 80 tới giữa 90 (thế kỷ trước). Lúc đó được viết, vẽ «nặng đô» nhất, giờ… đỡ rồi!

Những năm đó bắt đầu đổi mới và đẩy mạnh đổi mới, đẩy mạnh phê và tự phê, rồi mục “Những chuyện cần làm ngay” nóng bỏng của tác giả N.V.L. trên báo Nhân Dân mà chúng ta đều biết là ai.

Đó là những tín hiệu bật đèn xanh cho báo chí đánh mạnh vào tiêu cực, đúng nghĩa là không có “vùng cấm”.

img

Tranh biếm họa của DAD

DAD là họa sĩ có lượng tranh “ép phê” nhất và tốc độ vẽ tốt nhất trong làng biếm họa Việt Nam. Cách tư duy đề tài của DAD như thế nào?

Tôi trải đời mình không nhiều nhưng trải biếm thì hơi nhiều vì vẽ biếm từ năm 17 tuổi, đến giờ đã qua 50.

Tôi tập cho mình lối tư duy chuyển hóa, gắn liền hiện tượng tiêu cực thành những vật dụng, thành những hiện tượng tự nhiên trong cuộc sống, thành những giao tiếp có tính hài hước giữa người với người... Đấy là nguyên liệu cực tốt để vẽ tranh biếm, tạo một tác phẩm nhanh và hay.

Mặt khác, nhờ computer, tôi tận dụng tối đa phần mềm vẽ và máy tính để làm việc, giúp rút ngắn thời gian.

Cuối cùng là phải đọc, đọc rất nhiều!

Có vẻ là đọc rất nhiều nên tranh của DAD đều chạm đến mọi lĩnh vực, từ chuyện kẹt xe, ngập nước, dịch bệnh đến những vấn đề tài chính, y khoa, những quyết sách lớn được thảo luận ở nghị trường?

Đúng rồi! Vẽ biếm phải có tính nhạy cảm. Tôi xem vẽ tranh biếm là một việc làm chuyên nghiệp. Do đó, ngoài các tòa soạn đặt hàng thì tôi còn tự tư duy đề tài để phản ánh cuộc sống. Cũng có khi, tranh biếm của tôi giúp các tòa soạn khai triển đề tài.

Từ khi nào DAD nhận ra vẽ biếm là một công việc chuyên nghiệp?

Từ lúc mới vẽ. Tôi cho là nếu không chuyên nghiệp trong tìm hiểu thông tin, tư duy và cả kỹ năng thể hiện (tức trình độ hội họa) thì không thể vẽ hay và đẹp được.

Có một điều thú vị, tôi đã áp dụng kỹ thuật vẽ bằng computer từ khi ở Việt Nam chưa có phần mềm photoshop, AI... Những năm 80 - 90, ở báo Thanh Niên có trang bị máy vi tính chip pentium, dòng 386, 486, phần mềm hỗ trợ xử lý hình ảnh là photostyler... và tôi lân la đến đây vọc máy. Lúc đó, rất đuối vì tài liệu chỉ có tiếng Anh, chưa có sách dịch và cũng chưa có ai dạy. Nhưng tôi rất nỗ lực học vì cho rằng đó là công cụ làm việc ở tương lai.

Bạn đọc “đã” nhất với DAD là ngôn ngữ, thông điệp và cả thần thái của bức biếm. Nhưng DAD thì vẽ nhanh như “lấy trong túi ra”. DAD đã làm điều đó như thế nào?

Chúng ta biết là tiêu cực trong xã hội này có sự lặp đi lặp lại, liên tục và ngày càng ở mức độ tinh vi hơn. Chính điều này cho tôi thêm cơ hội để sáng tác, “nâng cấp” tác phẩm mới ở cùng một đề tài, một vụ việc, tác phẩm sau hoàn hảo hơn tác phẩm trước.

Và hơn nữa, bản thân tôi tự hệ thống hóa, hệ thống lại tư duy về một số vấn đề tiêu cực, chướng tai gai mắt trong cuộc sống, cho nên khi gặp các đề tài này thường tôi giải quyết rất nhanh.

Biếm là châm biếm, đả kích, hài hước. Có tranh biếm nào của DAD gợi ý những giải pháp cho các vấn đề xã hội?

Có những giải pháp hài hước về nạn kẹt xe, nước ngập, ô nhiễm... Tôi nghĩ, giải pháp vui trước những vấn đề bức bách trong cuộc sống là nhằm giúp mọi người vui vẻ và có thể tư duy thành công những giải pháp thiết thực.

Càng ngày những người vẽ biếm có vẻ càng ít đi, phải vậy không?

Cũng có các bạn trẻ tham gia vẽ biếm trên báo đấy, nhiều nhất là trên Tuổi Trẻ Cười và cả trên mạng. Nhưng đa phần các bạn ấy vẽ tranh vui, tranh về cuộc sống ở lứa tuổi các bạn ấy, còn vẽ biếm thì đòi hỏi phải có sự từng trải trong cuộc sống và nhất là trong nghề báo. Mà điều này, ngay cả các tòa soạn báo lớn cũng không dám mời các bạn trẻ vẽ vì chưa thật sự tin vào khả năng “lách” của họ. Tóm lại, các bạn trẻ không có nhiều đất diễn nên họa sĩ biếm đủ sự nhạy cảm và kỹ năng là rất hiếm.

Làng biếm thế giới hiện nay như thế nào và biếm họa Việt Nam đang đứng ở đâu trên thế giới?

Biếm thế giới vẫn ảnh hưởng và tác động nhiều đến cuộc sống. Cụ thể như vừa rồi vấn đề dịch bệnh, bầu cử Tổng thống Mỹ thì phản ánh qua biếm vẫn rất sinh động. Trước đó, chúng ta thấy vụ báo châm biếm của Pháp - tờ Charlie Hebdo - đăng bức tranh với nội dung liên quan đến đạo Hồi làm tòa soạn bị đặt bom, thế giới Hồi giáo lên án...

Cá nhân tôi nghĩ, tư duy sáng tác của họa sĩ biếm Việt Nam không thua các đồng nghiệp nước ngoài, nhưng các đồng nghiệp nước ngoài họ thoải mái hơn trong việc nêu ý kiến, chính kiến. Còn ở mình, vì nhiều lý do tế nhị, họa sĩ biếm khó nói hết điều mình muốn.

Các tờ báo hiện nay sử dụng biếm không nhiều, trừ Tuổi Trẻ, sau đó là Thanh Niên, Pháp luật TP HCM. Trong khi đó, biếm là một thể loại sắc bén. Với vị trí là một trong những người nằm ở Top đầu làng biếm Việt Nam, DAD có gợi ý gì để thể loại này thực sự là một ngôn ngữ báo chí?

Mạnh dạn và dũng cảm! Báo chí phải mạnh dạn, dũng cảm sử dụng tranh biếm vì đây là thể loại báo chí rất nhạy cảm, hiệu ứng mạnh nhưng mức độ rủi ro cao cho tòa soạn. Đa phần các tờ báo họ chọn cách “an toàn” và vì thế, tranh biếm trên báo chí ở ta ngày càng thui chột.

img

Tranh biếm họa của DAD về đề tài giao thông

Vấn đề giao thông ở Việt Nam hiện nay rất sôi động và có nhiều tranh luận xung đột. Có điều gì tích cực và điều gì cần chỉ trích dưới mắt họa sĩ DAD?

Điểm sáng giao thông là chúng ta sắp có metro cho vận tải công cộng nội đô, giúp giảm lượng xe cá cá nhân, giảm kẹt xe... Cá nhân tôi nghĩ, giải bài toán kẹt xe đô thị thì không chỉ ngành giao thông làm nổi mà phải nhiều ban, ngành.

Ví dụ như phải bỏ tư duy phát triển đô thị ở những khu mà ta không thể mở rộng đường sá, hoặc nếu tăng mật độ xây dựng thì phải cấm được xe cá nhân...

Cảm ơn họa sĩ DAD!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.