Thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc, từ ngày 1/4/2020, đã có 19 tờ báo thuộc tổ chức hội Trung ương hoàn thành xong thủ tục chuyển đổi sang mô hình tạp chí. Cùng đó, đại dịch Covid-19 như “giọt nước tràn ly”, khiến nhiều tờ báo dù không nằm trong diện quy hoạch, cũng trở nên chật vật với bài toán kinh tế.
Bạn đọc giảm, thu nhập cũng giảm
Hai tháng nay, nhuận bút của chị Đỗ Thị Thơm, PV Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã giảm so với trước. Chị Thơm cho hay, do tòa soạn quy hoạch thành tạp chí, nên đề tài cho các phóng viên cũng bị thu hẹp hơn.
“Đơn cử như vấn đề chống tiêu cực, trước đây là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm, theo dõi của độc giả. Tuy nhiên, khi tòa soạn đã thành tạp chí, dù đơn thư bạn đọc vẫn gửi về, chúng tôi cũng phải dừng thực hiện. Điều này khiến độc giả thất vọng, lượng view trên báo điện tử và nhuận bút cũng giảm”, chị Thơm chia sẻ.
Tuy nhiên, chị Thơm vẫn may mắn vì “giữ được công ăn việc làm” dù thu nhập có giảm sút. Bởi, với việc chuyển đổi từ báo thành tạp chí, nhiều phóng viên đứng trước nguy cơ bị mất việc bởi một số tòa soạn đã phải rà soát, cắt giảm bớt nhân sự.
Sau khi thực hiện quy hoạch thành tạp chí, nữ Phó tổng biên tập của tờ báo trước đây có khoảng hơn 20 triệu lượt bạn đọc/ngày chia sẻ, lượng bạn đọc đã giảm khoảng 20%.
Nữ Phó tổng biên tập cho hay, cùng với quy hoạch, dịch Covid-19 khiến doanh thu của tòa soạn giảm mạnh, nhiều thương hiệu, doanh nghiệp lớn không còn ký các hợp đồng quảng cáo. Một số đối tác trước đây của tòa soạn đã xin ngừng hợp tác do báo thành tạp chí.
“Về phần nội dung, chúng tôi đang phải tập trung đầu tư, bám sát vào tôn chỉ mục đích, thực hiện nhiệm vụ chính trị nhưng lượng view lại vẫn không đủ sức cạnh tranh so với những chuyên mục khác. Thành tạp chí, tâm lý của phóng viên cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, tòa soạn vẫn cố gắng làm tốt tôn chỉ mục đích, đi đôi với việc bám sát đời sống.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung cho tuyến bài chuyên sâu kết hợp với thế mạnh về công nghệ. Đây cũng là điều kiện để thanh lọc, tiết chế những nội dung thông tin trước đây có thể mang lại view cao nhưng lại chưa mang giá trị xã hội cao”, nữ Phó tổng biên tập chia sẻ.
Tôn chỉ mục đích không phải là “vòng kim cô”
Cũng nằm trong 19 tờ báo vừa thực hiện quy hoạch xuống tạp chí, ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật cho hay, ông và các cộng sự đã chuẩn bị tâm thế quy hoạch từ rất sớm.
Hiện nay, có khoảng 30% cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn, 30% bao cấp hoàn toàn, 40% còn lại là nửa bao cấp, nửa tự chủ.
Những cơ quan tự chủ hoàn toàn có thể nói là khó khăn nhất. Nhưng những cơ quan báo chí được bao cấp hoàn toàn thì “tính thị trường” ít đi. Còn những cơ quan báo chí tự chủ thì có sức cạnh tranh lớn hơn, làm sao để bạn đọc đón nhận và mua báo cho mình, chứ không giống như bao cấp hoàn toàn.
Để phát triển, báo chí phải cải tiến nội dung và hình thức. Làm thế nào để người đọc tìm đến đọc chứ không phải “báo bao cấp” là đưa đến cho người ta? Làm thế nào để các doanh nghiệp họ tài trợ, quảng cáo cho mình?... Đó là những vấn đề mà các cơ quan báo chí đang đối mặt và giải quyết.
TS. Trần Bá Dung (Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam)
“Nhưng ngày 1/4, chúng tôi bắt đầu hoạt động theo mô hình tòa soạn mới, ra mắt ấn phẩm mới, thì cũng là ngày cách ly toàn xã hội.
Đây là yếu tố ngoài tầm dự định, đưa chúng tôi vào thế chịu tác động kép”, ông Thanh nói và cho biết, thời điểm cách ly xã hội, Tạp chí Đời sống và Pháp luật giảm 27% lượng phát hành báo in.
Đây là con số ảnh hưởng không lớn, nhưng đáng lo ngại là doanh thu quảng cáo trên báo in gần như bằng 0; quảng cáo trên báo điện tử giảm tới 30 - 40%.
Đây mới là sự thiệt hại nặng nề khi doanh thu quảng cáo từ báo in chiếm tới 55% tỷ trọng doanh thu toàn tòa soạn.
Nhẩm tính từ ngày 1/4 đến nay, nguồn thu của tòa soạn giảm tới 80%, Tổng biên tập Nguyễn Tiến Thanh cho biết, để đảm bảo cuộc sống cho hơn 350 nhân sự của tòa soạn, tiền thuê trụ sở khoảng 240 triệu đồng/tháng, tiền in báo khoảng gần 2 tỷ đồng/tháng…, Đảng ủy, Ban biên tập tòa soạn quyết định không cắt giảm nhân sự, thay vào đó thực hiện giảm 30% thu nhập của tất cả lãnh đạo, cán bộ, phóng viên.
Nói về hướng đi sau quy hoạch, theo ông Thanh, tạp chí là loại hình và tư duy tác nghiệp khác hẳn so với báo. Tạp chí cần những phóng viên có font văn hóa sâu rộng với tầm nhìn, quan điểm, kỹ năng tổng hợp và phân tích chứ không cần kỹ năng săn tin. Và để chuyển đổi được các nhân sự đáp ứng được yêu cầu mới cần có thời gian.
“Để xem sự chuyển đổi của một tờ báo sang tạp chí có thành công hay không cũng phải mất ít nhất 5 năm. Ngoài ra, với tác động kép thì quá trình chuyển đổi ít nhất phải lùi thêm 2 năm nữa”, ông Thanh nói.
Tuy nhiên, ông Thanh tin tưởng, việc siết chặt tôn chỉ mục đích đối với tạp chí không phải là “vòng kim cô” như nhiều người nghĩ. Trái lại, đây là quyền lợi đi kèm cơ hội bởi Nhà nước và pháp luật không những đã hoạch định cho một thị trường ngách mà còn bảo hộ bởi chính quy định về tôn chỉ mục đích”, ông Thanh nói.
Cơ hội chuyển đổi
Không chịu ảnh hưởng của quy hoạch báo chí, nhưng cũng như hầu hết các tòa soạn khác, thời gian qua, báo Nông thôn ngày nay cũng phải đối mặt với những khó khăn của dịch Covid-19.
Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay Lưu Quang Định chia sẻ, trong tháng 3 - 4, tòa soạn giảm khoảng 20% doanh thu, các doanh nghiệp đều không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng rồi cũng không thực hiện.
“Giữa tháng 3, tòa soạn đã họp Đảng ủy, Ban Biên tập, công đoàn, quyết định đưa ra mức giảm hệ số nội bộ toàn cơ quan 20%, càng cấp cao càng giảm cao hơn, đến 40%, nhưng quyết không sa thải bất kỳ ai.
Cơ quan phát động tiết kiệm mọi khoản chi điện, nước, văn phòng phẩm. Những dự án chưa triển khai thì tạm ngừng… Đáng mừng là anh em trong tòa soạn đều rất chia sẻ và đều tự động viên nhau”, ông Định chia sẻ cách vượt qua khó khăn từ dịch Covid-19.
Về lâu dài, ông Định cho biết, tòa soạn sẽ tăng cường kết nối hơn với bạn đọc theo đúng tôn chỉ, mục đích của mình. Đó là báo đang và sẽ tập trung hơn vào các mảng kinh doanh khác, có thể kể đến như Trung tâm Kết nối tiêu thụ nông sản mới được thành lập năm 2019.
Thay vì giữ nguyên chức năng là trợ giúp người nông dân thông qua bài viết, giới thiệu sản phẩm thì Trung tâm sẽ trực tiếp tham gia giúp họ trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
“Chúng tôi sẽ triển khai tổ chức tòa soạn tối ưu hóa tất cả các nguồn tài nguyên của báo, chạy trên nhiều nền tảng như: Youtube, Facebook, Zalo, Tiktok... Một phóng viên đi tác nghiệp về, nhưng sẽ làm ra nhiều sản phẩm và bán ở nhiều chợ khác nhau.
Đồng thời, chúng tôi sẽ tổ chức các sự kiện kết nối để nông dân có thể tiếp cận các công nghệ, khoa học kỹ thuật mới. Sắp tới, tòa soạn cũng sẽ kết nối với những trang trại để xây dựng mô hình trang trại lớn, áp dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến”, ông Định chia sẻ.
Nói về diện mạo làng báo chí hiện nay sau khi chịu tác động của hai khó khăn kép là quy hoạch và dịch bệnh Covid-19, TS. Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đây là thực trạng hết sức khó khăn, nhất là trong lĩnh vực báo in.
Lượng phát hành báo in bị sụt giảm, nhiều cơ quan báo chí ở địa phương phải giảm số lượng phát hành, thậm chí phải tự đình bản có thời hạn.
“Báo in không chỉ có Việt Nam mà cả thế giới đều có xu hướng sụt giảm trong thời gian qua. Nay lại thêm dịch Covid-19 thì lại càng khó khăn hơn. Các loại hình báo chí khác cũng đều bị ảnh hưởng vì nguồn thu từ quảng cáo sụt giảm”, ông Dung phân tích.
Theo ông Dung, khi lượng phát hành và quảng cáo của các tòa soạn giảm, thì thu nhập của những người làm báo cũng sụt giảm. Trong hai tháng (tháng 3 và tháng 4) bị tác động mạnh nhất bởi Covid-19 tại Việt Nam, lượng phát hành của báo in sụt giảm trung bình từ 30 - 50%. Nhiều sự kiện tổ chức sau mặt báo và các hoạt động khác cần tài trợ của doanh nghiệp đều bị đình đốn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận