Tân cảng Cát Lái (TP HCM) đang phải chứa một lượng hàng lên đến 8.050 container tồn đọng quá 90 ngày, ảnh hưởng mặt bằngvà kinh doanh của cảng - Ảnh: Mai Huyên |
Gần 2,8 vạn container hàng hóa đang “án binh bất động” tại các cảng lớn như: Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu... trong một thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp và giảm hiệu quả khai thác tại cảng.
“Hổng” cơ chế, container tồn đọng chất đống
Cục Hàng hải VN cho biết, số lượng hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển hiện lên đến gần 28 nghìn container. Trong đó, khu vực cảng biển Hải Phòng hơn 6.750 container; khu vực cảng biển TP Hồ Chí Minh hơn 14.650 container; Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 6.500 container. Việc tồn đọng số lượng lớn container hàng hóa gây nhiều hệ lụy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các cảng lớn.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Minh Thuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn chia sẻ, Tân cảng Cát Lái (TP.HCM) đang chứa một lượng hàng tồn đọng lâu ngày lên đến 8.050 container. Trong số này, có 5.234 container nhựa, giấy phế liệu; 2.816 container chưa xác định được hàng hóa do khách hàng chưa làm thủ tục thông quan và có nguy cơ tiếp tục tồn lâu tại cảng.
“Tổng công suất chứa hàng của Cát Lái chỉ khoảng 100 nghìn container. Số hàng tồn đọng lâu ngày quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mặt bằng và kinh doanh của cảng”, ông Thuấn nói.
Theo ông Nghiêm Quốc Vinh, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, khu vực cảng Hải Phòng hiện có tới 1.476 container phế liệu còn tồn đọng.
"Trong tuần cuối tháng 6/2018, chúng tôi đã vận động các doanh nghiệp giải phóng 165 container tồn tại cảng Hải Phòng. Hiện tại, cảng Hải Phòng còn tồn tại hơn 600 container hàng lưu kho bãi quá thời hạn 90 ngày. Đặc biệt là với container hàng đông lạnh cần nhu cầu cấp điện liên tục, trong khi hàng tồn hàng năm tại cảng, lượng điện cấp cho mỗi container rất lớn. Nếu không cấp điện cho các container này, chúng ngay lập tức bị phân hủy, bốc mùi”. Ông Cao Trung Ngoan |
Trong đó, có hơn 1.000 container đã lưu tại bãi cảng hơn 90 ngày, nhiều container có thời gian “lưu trú” lên tới 5-6 năm bị chủ hàng từ chối nhận do chi phí lưu kho, lưu bãi phát sinh cao. Hiện, số container này có nguy cơ bị hư hỏng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp (DN) cảng biển, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.
Nói rõ về nguyên nhân của tình trạng này, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, việc tồn đọng lượng lớn container phế liệu tại khu vực cảng biển Việt Nam do chính sách thương mại của các cường quốc kinh tế thế giới có nhiều thay đổi.
“Trung Quốc thông báo ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế thải từ đầu năm 2018. Khi chính sách này có hiệu lực, một lượng lớn các mặt hàng phế liệu từ các nước phát triển như: Mỹ, châu Âu, Úc... không được nhập khẩu vào Trung Quốc mà tìm đường vào các nước châu Á, trong đó có Việt Nam”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, việc hàng hóa chậm luân chuyển tại các cảng biển Việt Nam khiến các DN cảng phải luân chuyển vị trí các container trong bãi cảng hoặc giữa các bến cảng, ICD khác nhau làm gia tăng chi phí, giảm hiệu quả khai thác cảng, ảnh hưởng tới hàng hóa xuất nhập khẩu khác của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Huy Hùng, Giám đốc một công ty vận tải biển tại TP.HCM, một số nhà nhập khẩu đang tận dụng mức giá rẻ của mặt hàng phế liệu để nhập về ồ ạt, bất chấp chưa đủ điều kiện làm thủ tục thông quan. “Thậm chí, để đưa hàng về trót lọt, nhiều doanh nghiệp còn khai báo hàng hóa là bao tải dứa đã qua sử dụng, nhưng thực chất lại là phế liệu nhựa từ vỏ thiết bị điện tử”, ông Hùng nói.
Số hàng tồn đọng lâu ngày lên đến hơn 6.750 container, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mặt bằng và kinh doanh của cảng Hải Phòng - Ảnh: Trần Hải |
Kiểm soát chặt hàng hóa không rõ nguồn gốc
Trước tình trạng hàng tồn quá nhiều, lãnh đạo Tân cảng Sài Gòn vừa kiến nghị Cục Hàng hải VN làm việc với cơ quan Hải quan tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, đối với hàng tồn trên 90 ngày tại Cát Lái, cho phép Tân cảng Sài Gòn chuyển về Tân cảng Hiệp Phước. Đồng thời, cho phép khách hàng làm thủ tục và nhận hàng tại Hiệp Phước mà không phải đổi cảng đích. Đối với hàng nhựa, giấy phế liệu, cho phép Tân cảng Sài Gòn vận chuyển các lô hàng đã lưu bãi quá 30 ngày tại Cát Lái về các cơ sở khác như Tân cảng Hiệp Phước, ICD Nhơn Trạch, ICD Long Bình... và khách hàng cũng được làm thủ tục, nhận hàng tại các cơ sở này.
Gần đây, Cục Hàng hải VN có báo cáo gửi Bộ GTVT và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Theo Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang, để xử lý tình trạng hàng hóa chậm luân chuyển, tránh gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng biển, đơn vị này kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan sớm có văn bản hướng dẫn di chuyển container phế liệu trên về các cảng cạn ICD hoặc các cảng khác; Cùng đó, hỗ trợ các cảng và hãng tàu chuyển các lô hàng tồn đọng này về các cảng khác trước khi tàu cập cảng, tránh gây bị động khi giải phóng tàu, phát sinh thời gian và chi phí.
Để kiểm soát và hạn chế phế liệu nhập khẩu tồn lâu ngày, vừa qua, TCT Tân Cảng Sài Gòn cũng chủ động ban hành quy định việc xử lý các container nhựa phế liệu nhập khẩu tại 2 cảng: Tân cảng Cát Lái và Tân cảng Hiệp Phước. Đáng chú ý, từ ngày 1/6/2018, đơn vị này chỉ tiến hành dỡ hàng từ tàu sau khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể. Lãnh đạo Tân cảng Sài Gòn cũng cho biết, từ 10/6 - 30/9 sẽ ngưng tiếp nhận toàn bộ hàng nhựa phế liệu nhập khẩu trực tiếp tại cảng Tân Cảng Cát Lái và Tân Cảng Hiệp Phước. |
Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải cho biết, thời gian qua, các cơ quan liên quan đã tăng cường kiểm soát hàng hóa ngay từ khi cập cảng. Trong đó, Cục Hải quan TP HCM thường xuyên rà soát, thống kê, soi chiếu, thực hiện phân loại đối với những container hàng có dấu hiệu nghi vấn, thực hiện khóa container, xếp vào một khu vực riêng để theo dõi.
“Nếu chủ hàng làm thủ tục nhận hàng, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra chi tiết, xử lý nghiêm nếu sai phạm. Trường hợp chủ hàng không làm thủ tục, khi quá hạn 90 ngày, sẽ thực hiện xử lý theo quy định tại Thông tư số 203/2014 của Bộ Tài chính và Thông tư số 05/2014 của Bộ Công thương nhằm giải quyết kịp thời và tránh lãng phí hàng còn giá trị, xử lý tiêu hủy những lô hàng có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường”, ông Cường thông tin.
Tuy vậy, ông Cường cũng thừa nhận, trong quá trình xử lý hàng hóa chậm luân chuyển vẫn gặp khó khăn như: Vấn đề xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với hàng hóa tồn đọng, trình tự thực hiện bán đấu giá chưa quy định quyền, nghĩa vụ các bên và nhiều vấn đề liên quan khác.
“Theo Khoản 3, Điều 19 Thông tư số 203/2014 quy định trường hợp chưa có nguồn kinh phí để thực hiện chi trả Hội đồng tạm ứng kinh phí từ tài khoản tạm giữ, dự toán ngân sách thường xuyên của Cục Hải quan hoặc của doanh nghiệp quản lý hàng hoá tồn đọng để thực hiện chi trả từ nguồn ngân sách. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn làm chậm quá trình thanh lý hàng hoá tồn đọng. Ngoài ra, đối với hàng hoá chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng dưới 90 ngày hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể”, ông Cường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận