Ngày càng trẻ hóa bệnh nhân mắc tăng huyết áp
Cách đây chừng 3 tháng, trong lần kiểm tra sức khỏe định kỳ, chị Nguyễn Thanh Tâm (37 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) được phát hiện tăng huyết áp bởi chỉ số đo được là 160/90mmhg.
Tăng huyết áp được ví là "sát thủ thầm lặng" (ảnh minh họa)
Điều này cũng khiến chị Tâm bất ngờ bởi chị không cảm thấy mệt mỏi, hay bất kỳ điều gì bất thường, thậm chí bạn bè còn khen chị “hồng da, thắm thịt”. Công việc kế toán tại công ty xuất nhập khẩu bận bịu, kéo dài từ 8h sáng đến 18h khiến chị gần như rất hiếm có thời gian trống, trừ tranh thủ ăn uống và ngả lưng trưa.
“Bác sĩ đang tiếp tục theo dõi, và khuyến cáo mình thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống, cần tăng cường vận động, bữa ăn lành mạnh hơn, ăn nhạt....”, chị Tâm cho hay.
GS. Trương Quang Bình, Giám đốc Trung tâm tim mạch, BV Đại học Y Dược TP.HCM nhận định: Tăng huyết áp xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên trước đây thường gặp ở người trên 65 tuổi. Nhưng gần đây, đối tượng mắc trẻ hóa dưới 65 tăng nhiều. Không ít người trẻ đi khám sức khoẻ tổng quát và vô tình phát hiện mình bị tăng huyết áp.
Theo những nghiên cứu gần đây, ở tuổi từ 45-54 cứ 3 người có 1 người mắc tăng huyết áp, tuổi từ 55-64 thì cứ 2 người có 1 người tăng huyết áp, nhiều người mắc ở tuổi 35-44… Thậm chí, nhiều người trẻ từ 17-20 tuổi mắc huyết áp cao.
Nếu dưới 65 tuổi rất ít mắc trước dây, nhưng hiện nay đã đạt tỷ lệ 40% trong tổng số người tăng huyết áp.
Chậm phát hiện, dễ biến cố đột quỵ
Nói về hệ lụy của tăng huyết áp, BS. Bình cho biết, huyết áp tăng sẽ ảnh hưởng tất cả các bộ phận khác trên cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng tới tim, não, mắt, thận, động mạch ngoại biên.
Cụ thể, ở tim sẽ khiến cơ tim phì đại, sau đó dẫn đến suy tim, nhồi máu cơ tim; ở não gây nên biến cố đột quỵ (tắc mạch máu hoặc xuất huyết mạch máu); ở thận, khiến người bệnh đi tiểu đạm, nặng thì suy thận, phải chạy thận;
Còn ở mắt, sẽ gây xuất huyết trong đáy mắt, phù gai thị, làm mất thị lực; Nếu tác động đến động mạch ngoại biên, sẽ làm phình động mạch chủ, gây sơ vữa, tắc gây thiếu máu ở chi, thậm chí gây hoại tử phải đoạn chi.
Tăng huyết áp thường không triệu chứng đến 80-90% nên thường phát hiện muôn, đến khi xảy ra sự cố như đột quỵ, tình trạng rất nguy hiểm, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, tăng huyết áp được ví như “sát thủ thầm lặng”.
Nguyên nhân và cách phòng tránh
BS. Bình cho hay, nguyên nhân của tăng huyết áp phụ thuộc rất nhiều vào lối sống, điển hình như chế độ ăn nhiều muối, tiền sử gia đình có người tăng huyết áp, lối sống tĩnh tại, lười vận động, béo phì, uống nhiều rượu, bia.
Đặc biệt, cuộc sống căng thẳng lo âu cũng làm người ta tăng huyết áp. Tỷ lệ đô thị hoá tăng cũng là tác nhân khiến gia tăng bệnh nhân mắc tăng huyết áp…
Do triệu chứng mờ nhạt, nên theo khuyến cáo của GS. Bình, không thể dựa vào triệu chứng để khám tăng huyết áp, mà cần kiểm tra sức khoẻ định kỳ để đo huyết áp, phát hiện bạn có tăng huyết áp không.
“Khi bị huyết áp không được chẩn đoán điều trị thích hợp thì nguy cơ biến chứng có thể xảy ra. Người ta thấy rằng, hiện chỉ có 50% người bệnh được phát hiện và chỉ có ½ điều trị đúng chuẩn, ¼ số người bệnh đó được điều trị bài bản.
Những năm gần đây, tỷ lệ này có tăng lên nhưng cũng chỉ khoảng 25 – 30% bệnh nhân được kiểm soát”, BS. Bình cho biết.
Để phòng tránh tăng huyết áp, mọi người cần thay đổi thói quen sinh hoạt, tăng cường vận động, chế độ ăn khoa học hạn chế tinh bột, đường, dầu mỡ và tăng cường rau xanh, trái cây cũng như uống đủ nước mỗi ngày; Duy trì lối sống lành mạnh, giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận