Đường kè biển tại Khu du lịch Hải Tiến, Thanh Hóa tan hoang sau cơn bão số 10 |
Thấp hơn so với tiêu chuẩn
Theo thống kê, cơn bão số 10 vừa qua đã gây ra 27 sự cố đê biển, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Dù không phải là nơi ảnh hưởng trực tiếp của bão, song Thanh Hóa lại là địa phương xảy ra nhiều sự cố đê biển nhất. Cụ thể, tại đoạn đê biển ở xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), đê biển đã bị sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền 20-30m, với chiều dài 5,2km. Trong khi đó, tại một số nơi ở huyện Hoằng Hóa, đê biển bị hư hỏng với chiều dài 12km, TP Sầm Sơn 0,5km…
Nhớ lại cảnh sóng tràn qua đê biển thành sông ngày 15/9, anh Nguyễn Hữu Tùng (ở phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa), cho biết: “Trước kia, mưa bão cũng chỉ xuất hiện gió to, sóng lớn nhưng lần này tôi chứng kiến sóng đánh vào bờ đê cao lên tới 3-4m. Nước biển cứ thế chảy vào như thác làm ngập cả tuyến phố sâu khoảng 50cm”.
Theo ông Lường Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn), dù Thanh Hóa chỉ là vùng ảnh hưởng của cơn bão số 10, nhưng thời điểm bão về đất liền trùng với lúc thủy triều đang lên cao cộng hưởng với gió lớn khiến nước biển tràn qua đê ồ ạt. “May mà bão không vào Thanh Hóa chứ nếu vào không biết hậu quả thiệt hại sẽ thế nào”, ông Hoàng nói.
Tại những nước phát triển như Bỉ, Hà Lan… hệ thống đê biển đều được thiết kế theo tiêu chuẩn an toàn hàng nghìn năm, thậm chí chục nghìn năm. Tại những khu du lịch ven biển, đê biển có thể được điều chỉnh thiết kế theo hướng ứng phó nhanh với kết cấu linh hoạt như có thể nâng lên, hạ xuống hoặc tháo lắp một cách đơn giản, nhanh chóng… tùy thuộc vào tình hình thời tiết. |
Nếu xét theo Tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế đê biển năm 2002 (TCVN 130-2002), cao trình đỉnh của hệ thống đê biển ở miền Bắc nước ta phổ biến đạt +5,2 - +5,5m. Nếu so với Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia: Công trình thủy lợi - Yêu cầu thiết kế đê biển năm 2014 (TCVN 9901:2014) thì cao trình này vẫn còn tương đối thấp và không đảm bảo an toàn chống sóng tràn. Cụ thể, cao trình đỉnh của đê biển phải đạt từ +6 - +6,5m. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế tại những khu du lịch, cao trình đỉnh tường biển thậm chí còn bị hạ thấp hơn nữa, nhiều nơi chỉ còn khoảng +4,0m. Đoạn tường biển chạy qua bãi biển Sầm Sơn là một ví dụ điển hình, cao trình đỉnh của đoạn đê này chỉ xung quanh +4,0m.
Tương tự, ghi nhận tại Khu du lịch Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) sau ảnh hưởng của bão số 10 vừa qua cho thấy hệ thống đường và kè biển bị sạt lở, hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn trơ trọi những tảng gạch, bê tông với tổng chiều dài 4,5km. Theo người dân địa phương, hệ thống đường, kè biển tại đây đều do những chủ resort sát biển tự ý xây dựng. Chứng kiến những gì còn sót lại cho thấy, độ bền của công trình chưa được chắc chắn, độ cao kè thấp so với mặt nước biển, nên khi có sóng lớn việc nước biển tràn vào làm xói mòn chân kè dẫn tới sạt lở là điều không thể tránh khỏi. Đáng lưu ý, từ năm 2005 trở về trước, khi khu du lịch chưa được hình thành, nơi đây từng là cồn cát, rừng phòng hộ chắn sóng.
Được biết, ngay sau cơn bão số 10, UBND huyện Hoằng Hóa đã gửi báo cáo lên UBND tỉnh Thanh Hóa xin chủ trương đầu tư xử lý khẩn cấp dự án kè đê biển Khu du lịch Hải Tiến. Theo chính quyền địa phương, đây là việc làm cần thiết và cấp bách nhằm đảm bảo ổn định sản xuất của nhân dân và chống sạt lở, xâm lấn bờ biển. Mặt khác, tạo kiến trúc, cảnh quan phù hợp với phát triển đô thị du lịch.
Dự kiến, số tiền đầu tư xin hỗ trợ từ nguồn ngân sách khoảng trên 100 tỷ đồng. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Đức Giang, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa thừa nhận: “Kè biển ở Khu du lịch Hải Tiến trước đây là do tư nhân làm. Nhưng hiện nay, do tính cấp bách nên huyện đang đề nghị các cấp, bộ, ngành xem xét đầu tư xây dựng kè biển vì huyện không có nguồn vốn để xây dựng”.
Resort mặc nhiên lấn biển?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hệ thống đê biển ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ chỉ đảm bảo an toàn với bão cấp 8-10, triều trung bình 5%. Trong đó, hiện có 16 đoạn đê với tổng chiều dài 83km và 39 cống xung yếu. “Kinh phí tu sửa, nâng cấp đê biển rất khó khăn, không thể chi dàn trải mà chỉ tập trung vào những đoạn đê ở vị trí xung yếu. Chính vì thế, các kịch bản phòng ngừa rủi ro đều đã được xây dựng và triển khai để ứng phó trong trường hợp siêu bão, vượt cấp thiết kế của đê, nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất”, ông Thành cho biết.
Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều cũng cho biết, trong khoảng 5 năm trở lại đây, hầu như không có địa phương nào có nguồn kinh phí dành cho việc tu bổ, nâng cấp đê biển.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, một chuyên gia về kỹ thuật công trình biển cho hay, ông từng rất nhiều lần bất ngờ trước cao trình rất thấp của đê biển tại các khu du lịch. “Quy định về hành lang đê biển hiện nay vẫn còn khá mù mờ. Bất chấp nhiều nguy cơ gây thiệt hại về tài sản, thậm chí tính mạng con người, nhiều ông chủ resort vẫn đánh đổi, đưa những dự án của mình lất sát biển, rồi cũng tự ý xây tường biển, kè biển mà không ai rõ chất lượng có đảm bảo hay không”, vị chuyên gia lên tiếng kèm theo dẫn chứng: “Biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, không ai ngờ bãi tắm Cửa Đại (Quảng Nam) đến nay đã bị xâm thực hàng trăm mét. Hàng loạt dự án du lịch trị giá hàng trăm tỷ đồng tại đây phải bỏ hoang do bị sóng biển công phá”.
Cũng theo chuyên gia trên, thực chất những công trình tự nhiên như cồn cát… vẫn được coi là một loại đê biển và thuộc diện cần được bảo vệ. Tuy nhiên, tại một số khu du lịch ven biển, chủ đầu tư dự án đã được cấp phép ngay trên diện tích của chính những công trình bảo vệ bờ biển tự nhiên ấy. “Cồn cát ven biển có tác dụng như bức thành lũy che chắn tự nhiên, nếu bị san phẳng hay hạ thấp, biển sẽ xâm thực nhanh vào đất liền. Đáng nói, một khi tình trạng xâm thực diễn ra, việc khắc phục sẽ rất khó khăn, tốn nhiều thời gian”, vị chuyên gia dẫn giải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận