Bóng đá

Báo động chất lượng trọng tài bóng đá Việt Nam

24/05/2021, 06:30

Dù đang thống trị Đông Nam Á nhưng bóng đá nam Việt Nam chỉ có 2 trọng tài FIFA. Đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng đáng suy ngẫm này?

img

Trọng tài Ngô Duy Lân, một trong hai trọng tài Việt Nam được cấp chứng chỉ FIFA

Số lượng trọng tài FIFA của Việt Nam kém cả Lào, Campuchia

Theo công bố mới nhất của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), bóng đá Việt Nam chỉ có hai trọng tài nam đạt cấp FIFA là Ngô Duy Lân và Hoàng Ngọc Hà. Xét ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ hơn duy nhất Đông Timor (1 trọng tài), bằng Brunei và kém 7 nền bóng đá còn lại. Lào, Philippines và Campuchia có 3 trọng tài được công nhận cấp FIFA. Malaysia, Indonesia cùng sở hữu 4 trọng tài FIFA còn Singapore và Thái Lan dẫn đầu với 6 cái tên.

Bóng đá Việt Nam đang là nhà vô địch Đông Nam Á (AFF Cup 2018), giữ HCV SEA Games 30, tức thống trị hoàn toàn bóng đá nam khu vực. Tuy nhiên, số lượng trọng tài FIFA lại ở top cuối. Rõ ràng trình độ trọng tài chưa tương xứng với vị thế bóng đá Việt Nam trong khu vực. Theo giảng viên trọng tài Đoàn Phú Tấn, điều này thực sự đáng buồn nhưng cũng có thể lý giải.

“Trọng tài là nghề đặc thù trong hệ sinh thái bóng đá và mang dấu ấn cá nhân. Bóng đá Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á nhưng FIFA họ không xét yếu tố này để cấp chứng chỉ trọng tài. Trọng tài nếu không thể hiện tốt, thiếu nỗ lực tự thân thì không được ghi nhận”, ông Tấn chia sẻ.

Nói là vậy nhưng với 2 suất FIFA, công tác trọng tài của bóng đá Việt Nam đang thực sự báo động. Mùa giải 2020, Việt Nam có 5 “vua áo đen” được gắn mác FIFA nhưng sau một năm chỉ còn 2.

Ngay cả những trọng tài FIFA của Việt Nam cũng rất hiếm được làm nhiệm vụ ở các giải đấu lớn trong khu vực hay châu lục. Việt Nam chưa từng có trọng tài được bắt chính ở vòng chung kết U23 châu Á hay Asian Cup.

Ông Dương Văn Hiền, Trưởng ban Trọng tài VFF thông tin, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trọng tài không thể ra nước ngoài làm việc, nên không thể đăng ký thêm. “Năm nay chúng tôi vẫn giữ số lượng này. Năm sau, chúng tôi sẽ giới thiệu thêm vài nhân vật để FIFA xét duyệt. Đó phải là những trọng tài tốt của Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Giao thông, mỗi mùa giải, Ban Trọng tài VFF sẽ lựa chọn trọng tài phù hợp các tiêu chí để đề xuất cấp chứng chỉ FIFA. Quy trình phải qua Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) rồi mới tới FIFA. Các tổ chức trên sẽ căn cứ vào quá trình làm nhiệm vụ, các nguồn thông tin đối chiếu để cấp chứng chỉ.

Điều này có nghĩa, nếu các trọng tài không hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nước vẫn có nguy cơ cao bị loại.

Ngay cả khi đã có chứng chỉ FIFA, trọng tài không chắc được sử dụng ở các giải đấu lớn quốc tế. Họ buộc phải làm việc ở các giải trẻ, các trận giao hữu hoặc giải kém tên tuổi. Nếu làm tốt, đủ số giờ tích lũy thì trọng tài mới được xem xét giao nhiệm vụ ở vòng loại rồi tới vòng chung kết các giải đấu khu vực.

Chiếu theo thông tin này, chúng ta hiểu rằng, trình độ trọng tài bóng đá Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, ngay cả với các trọng tài FIFA.

Tuyển chọn, đào tạo phải thực chất

Ông Dương Mạnh Hùng chia sẻ thêm, muốn trình độ trọng tài Việt Nam được nâng cao, công tác tuyển chọn, đào tạo phải làm một cách công tâm.

“Quy trình đào tạo, đội ngũ giảng viên trọng tài Việt Nam đầy đủ, thậm chí còn mạnh. VFF cũng thường xuyên mời giảng viên FIFA về đứng lớp nhưng tại sao trọng tài Việt Nam vẫn yếu kém? Đó là do việc tuyển chọn, đào tạo ở ta còn nhiều bất cập. Người giỏi có thể không được chọn, người được chọn đôi khi vì những lý do khác ngoài chuyên môn. Với số lượng trọng tài ở Việt Nam, tôi tin nếu Ban Trọng tài làm hết trách nhiệm thì không thiếu người tốt”, ông Hùng nêu ý kiến.

Không phải nhìn ra quốc tế, cứ soi chiếu tại V-League sẽ thấy trọng tài Việt Nam còn yếu kém. Vài năm gần đây, trọng tài liên tục mắc lỗi, khiến các đội bóng, cầu thủ mất niềm tin vào đội ngũ cầm cân nảy mực trên sân.
Cựu còi vàng Dương Mạnh Hùng


Đồng quan điểm, giảng viên trọng tài Đoàn Phú Tấn thừa nhận việc tuyển chọn trọng tài tại Việt Nam còn chưa trúng, đào tạo chưa chuẩn. “Chất lượng đào tạo trọng tài của ta chưa cao. Chưa nhắm được những anh nào thực sự có triển vọng để tập trung đào tạo theo kiểu gà nòi. Những anh được đẩy lên thì đuối, chưa ra trường quốc tế đã… rơi rụng”, ông Tấn nêu.

Cũng theo ông Tấn, muốn trọng tài Việt Nam tốt lên thì phải tuyển dụng, đào tạo thực chất chứ không thể “tặng” cho anh này, “tặng” cho anh kia suất nọ, suất kia. Ngoài ra, sử dụng trọng tài cũng cần lưu ý tính kế thừa, trọng tài ít kinh nghiệm phải được người giỏi dìu dắt chứ không thể thả nổi.

Đem vấn đề tuyển chọn, đào tạo trọng tài tại Việt Nam trao đổi cùng ông Dương Văn Hiền, vị Trưởng ban Trọng tài phủ nhận việc ông cùng cộng sự làm việc chưa đến nơi đến chốn.

“Việc tuyển chọn được chúng tôi tiến hành thường xuyên, liên tục theo từng lứa tuổi. Tuy nhiên, trọng tài là nghề rất đặc thù, mức độ đào thải là rất cao, không phải cứ đào tạo là làm nghề giỏi. Hiện nay, lứa trọng tài tốt đa phần đều nghỉ vì lớn tuổi, lứa kế cận thì non kinh nghiệm. Chúng tôi vẫn phải đôn lực lượng trẻ lên bắt V-League nhưng không phân công bắt chính nhiều bởi dễ sai lầm. Thể thức thi đấu V-League hai mùa qua rất căng thẳng, trọng tài trẻ chưa đảm đương nổi trọng trách. Không đủ số giờ cầm còi theo quy định của FIFA thì không thể đề xuất nhận chứng chỉ”, ông Hiền nêu quan điểm.

Ông Hiền cũng cho hay, Ban Trọng tài VFF hiện tổ chức hai lớp trọng tài trẻ với số lượng lớn. Hai lớp này được đào tạo thường xuyên, liên tục kết hợp thực tế ở các giải trẻ, giải địa phương. “Hi vọng chúng ta sớm có được đội ngũ trọng tài trẻ, đủ tài năng và bản lĩnh”, ông Hiền nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.