Chất lượng sống

Báo động dịch sốt xuất huyết ở TP.HCM

20/03/2017, 09:05

Người dân còn thờ ơ với việc tiêu diệt loăng quăng khiến dịch bệnh sốt xuất huyết tăng cao.

22

Người dân cần thường xuyên phát quang bụi rậm, vệ sinh sạch sẽ các lu, chậu chứa nước để diệt muỗi - Ảnh: Vĩnh Phú

Hơn 300 ca nhập viện một tuần

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong vòng chưa đầy 3 tháng của năm 2017, trên địa bàn TP đã có 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Chỉ tính riêng tuần từ 24/2 - 2/3 đã có 341 ca nhập viện vì sốt xuất huyết.

Điển hình là trường hợp bé bé N. (9 tháng tuổi, phường Đông Hưng Thuận, quận 12) tử vong hôm 4/3 tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) Trước đó, bé sốt liên tục kèm theo biểu hiện tiêu lỏng, tiểu ít, nôn ói. Khi nhập viện, bé N. được chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết. Dù đã cố gắng điều trị, song diễn tiến bệnh của bé càng xấu, sau đó đã tử vong.

Trước đó, cũng trên địa bàn quận 12, chị T. (36 tuổi, phường Hiệp Thành) đã tử vong do sốt xuất huyết vào ngày 27/2. Biểu hiện ban đầu của bệnh nhân mệt mỏi, tức ngực, sốt cao nên bệnh nhân được người nhà đưa đến khám tại BV Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) điều trị. Bệnh có chuyển biến xấu nên bệnh nhân đã được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp tục theo dõi điều trị. Sau thời gian chữa trị bệnh tình không cải thiện nên BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho bệnh nhân xuất viện theo yêu cầu của gia đình. Sau khi về nhà bệnh nhân đã tử vong.

Sau khi phát hiện liên tục 2 ca tử vong được chẩn đoán do sốt xuất huyết, Sở Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã cử đoàn công tác đến giám sát khu vực sinh sống của 2 nạn nhân. Kết quả cho thấy, khu phố nơi bệnh nhân T. cư trú liên tục có người mắc sốt xuất huyết; xung quanh nơi nhà bệnh nhân sinh sống vẫn còn nhiều vật dụng chứa loăng quăng, dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Tương tự tại nơi cư trú của bệnh nhi N., Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cũng ghi nhận nhiều vật chứa nước xung quanh nhà có loăng quăng.

Theo bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, phường Hiệp Thành là điểm nguy cơ gây sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika từ lâu. Từ tháng 10/2016 - 2/2017, trung bình mỗi tuần phường Hiệp Thành ghi nhận 3 ca sốt xuất huyết, chưa kể những trường hợp điều trị ở các cơ sở tư nhân không báo cáo. 

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM đề nghị các địa phương xem xét lại cách truyền thông, đồng thời giám sát chặt chẽ việc xử lý vệ sinh môi trường của người dân, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp để phát sinh ổ loăng quăng, ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Tăng cường truyền thông vận động người dân tự giác thực hiện các biện pháp “diệt lăng quăng và diệt muỗi, vệ sinh môi trường”. Chủ động giám sát phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan. giám sát và xử lý kịp thời các ổ dịch.

Tăng cường phòng tránh muỗi đốt

Hiện nay, hoạt động phun hóa chất của y tế chỉ giải quyết được khi mật độ muỗi nhiều và hiệu quả chỉ mang tính tạm thời. Vì vậy, để hoạt động này đạt được hiệu quả như mong muốn thì bản thân mỗi người, mỗi hộ gia đình phải chủ động diệt muỗi, giảm nơi sinh sản của muỗi. Theo khuyến cáo của Sở Y tế, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Do đó, việc phòng bệnh bằng các biện pháp như diệt loăng quăng, muỗi vệ sinh cảnh quan, môi trường sống để loại bỏ các ổ chứa nước đọng là điểm sinh sản của muỗi ở trong nhà và ngoài nhà. Khi phát hiện các dấu hiệu sốt cao nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp; mọi sự chậm trễ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong khi có những biến chứng trầm trọng xảy ra. Dự báo trong những tháng tiếp theo, bệnh sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tăng khi thời tiết đi sâu vào mùa mưa.

Theo thạc sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, muỗi là nguồn trung gian truyền bệnh như sốt rét, Zika… ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc chủ động diệt loăng quăng, diệt muỗi tại hộ gia đình, nơi làm việc để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết như dẹp sạch loăng quăng ở trong và ngoài nhà. Phòng tránh muỗi đốt mọi lúc mọi nơi và trong bất kỳ hoàn cảnh nào bằng cách ngủ màn cả ngày lẫn đêm. Sử dụng nhang muỗi, mặc quần áo dài tay trong giờ cao điểm hoạt động của muỗi hoặc khi ra sân vườn, thoa kem chống muỗi, vợt diệt muỗi. Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng các màn lưới chống muỗi ở các cửa sổ, cửa chính, các khe, lỗ thông gió của nhà mình để tránh muỗi bay vào nhà. Đối với nơi sử dụng máy lạnh nên đóng kín cửa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.