Thời gian qua, nhà chức trách hàng không liên tục phải ra quyết định cấm bay với hành khách vi phạm |
Lệnh cấm bay gia tăng
Tin từ Cục Hàng không VN cho biết, từ đầu năm đến nay, quyết định cấm bay được ban hành có xu hướng gia tăng so với trước. Các hành vi vi phạm dẫn đến hình phạt được cho là nặng nhất trong lĩnh vực hàng không này cũng khá đa dạng, trong đó, nhiều nhất là hành vi sử dụng giấy tờ giả để đi máy bay hoặc gây rối trật tự công cộng, vi phạm kỷ luật tại CHK, sân bay.
Một ví dụ là trường hợp hành khách Phạm Minh Lộc bị cấm vận chuyển hàng không 6 tháng (từ tháng 4 đến hết tháng 10/2017) đồng thời yêu cầu kiểm tra trực quan bắt buộc 6 tháng tiếp theo đối với hành khách này do sử dụng giấy CMND mang tên Nguyễn Minh Hoàng do Công an tỉnh Bắc Ninh cấp ngày 2/3/2008 và thay ảnh của mình vào để làm thủ tục đi chuyến bay VJ 181 từ Hà Nội đi TP.HCM.
Gần đây nhất, nhà chức trách hàng không cũng phải bất đắc dĩ ra quyết định cấm bay với hành khách Trần Thị T. do năm lần bảy lượt cố tình chống đối không chịu nộp phạt. Cụ thể, nữ hành khách Trần Thị T. 44 tuổi, người Nghệ An đang sinh sống tại Hà Nội này là hành khách đi trên chuyến bay VJ134 từ TP.HCM đi Hà Nội tối 3/4. Do lên máy bay muộn và không được ngồi ở hàng ghế đầu, bà T. nổi nóng mắng chửi tiếp viên rồi gây sự với hành khách có ý can ngăn. Bà T. còn lớn tiếng tuyên bố mỗi tháng bà mua 1.000 vé máy bay của hãng này nhưng lại bị đối xử không ra gì… Hành động của bà T. đã khiến chuyến bay bị chậm 50 phút so với giờ khởi hành. Cảng vụ Hàng không miền Nam đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng vì hành vi gây mất trật tự trên máy bay đối với bà T. nhưng quá thời hạn thi hành quyết định, bà T. vẫn không nộp phạt. Quá trình làm việc tại cơ quan chức năng, bà T. luôn tỏ ra không hợp tác, không để lại số điện thoại liên lạc. Phải 2 lần gửi văn bản đề nghị chính quyền địa phương nơi bà T. cư trú xác minh nhân thân, Cảng vụ Hàng không miền Nam mới truy tìm được bà T. Nhưng khi công an phường xác định đúng thời điểm bà T. có mặt tại gia đình để tống đạt quyết định thì bà T. vẫn tiếp tục chống đối không ký nhận, trốn tránh nộp phạt. Cục Hàng không VN cuối cùng đã ra quyết định cấm bay đối với hành khách này trong thời hạn 12 tháng. Sau thời hạn cấm bay, nếu bà T. đi lại bằng đường hàng không sẽ phải chịu sự kiểm tra trực quan bắt buộc trong 12 tháng tiếp theo.
Một trường hợp chây ỳ khác là ông N.D.V. (SN 1959, là lao động tự do, trú tại số 178 Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Ông V. có hành vi đánh người phụ nữ đi cùng chuyến bay SU290 từ Nga về Việt Nam hôm 3/3, sau đó không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng của Cảng vụ Hàng không miền Bắc. Ngày 24/4, Cục Hàng không VN đã ra quyết định cấm bay 18 tháng đối với ông N.D.V. Ông này sau đó tiếp tục phải chịu sự kiểm tra trực quan trong 6 tháng tiếp theo. Đáng nói là 6 ngày sau khi có quyết định cấm bay, ông V. “tá hoả” xin nộp phạt và giảm nhẹ hình thức xử phạt. Xét thấy ông V. đã chấp hành quyết định xử phạt, Cục Hàng không VN đã quyết định rút ngắn thời gian cấm bay của hành khách này còn 12 tháng.
Quy định cấm bay đã đủ sức răn đe?
Theo Nghị định 92 của Chính phủ về an ninh hàng không, hình thức cấm bay được áp dụng cho những hành khách vi phạm với 3 mức khác nhau: Cấm bay từ 3-12 tháng; cấm bay từ 12 -24 tháng và cấm bay vĩnh viễn. Trong đó, thời hạn cấm bay từ 3-12 tháng áp dụng với các trường hợp hành khách gây rối; không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính; dọa hoặc cố tình tung tin sai về bom mìn; sử dụng giấy tờ giả để đi máy bay; có hành vi vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật tại CHK, sân bay, trên máy bay. Thời hạn cấm bay có thời hạn trên 12 - 24 tháng hoặc cấm bay vĩnh viễn áp dụng cho các trường hợp đã bị xử lý nhưng vẫn tái phạm, các trường hợp gây bạo loạn...
Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho biết, việc Chính phủ đưa những quy định khá cụ thể về các hành vi cấm vận chuyển vào nghị định - một loại hình văn bản pháp quy ở mức rất cao thể hiện quyết tâm ngăn ngừa các hành vi gây rối, các hành vi có nguy cơ gây mất an toàn, an ninh hàng không.
Câu hỏi đặt ra là liệu những quy định về cấm bay đã đủ sức răn đe hay chưa khi số vụ vi phạm dẫn đến cấm bay vẫn đang có dấu hiệu gia tăng?
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Sơn khẳng định chế tài đã đủ mạnh. Sở dĩ số trường hợp vi phạm dẫn đến cấm bay vẫn còn nhiều là do đa phần các trường hợp, hành khách, người vi phạm đều không nhận thức hết được hậu quả từ hành vi của mình, không biết được các chế tài xử phạt đang “chờ” mình.
Dẫn ví dụ về trường hợp hành khách N.D.V hốt hoảng xin nộp phạt sau khi biết mình bị cấm bay, ông Sơn nói: Rõ ràng, nếu biết trước hình thức xử phạt nặng như vậy, hành khách này đã không dám vi phạm.
Cũng như vậy, theo ông Sơn, các trường hợp hành khách sử dụng giấy tờ giả mạo để đi máy bay dẫn đến bị cấm bay ban đầu cũng chỉ vì “tham rẻ”. “Đa số các trường hợp dùng giấy tờ giả mạo để đi máy bay là do hành khách mua vé giá rẻ song bận việc nên để người nhà đi thay hoặc do các đại lý vé máy bay đã mua nhiều vé khuyến mại nên bán lại cho hành khách có nhu cầu nhưng thiếu hiểu biết. Đáng lo ngại là phần lớn các trường hợp giả mạo giấy tờ đều không lường trước hậu quả làm tăng nguy cơ mất an ninh hàng không”, ông Sơn nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận