Thị trường

Báo động giải ngân đầu tư công: Còn 50% cơ quan mới giải ngân dưới 10%

16/07/2022, 12:32

Nửa đầu năm 2022, giải ngân đầu tư công mới đạt hơn 27% kế hoạch, còn tới 50% bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch...

Chỉ mới đạt hơn 27% kế hoạch trong nửa năm

Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, nửa đầu năm 2022, giải ngân đầu tư công mới đạt hơn 27% kế hoạch.

Còn tới 50% bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng giao.

Đặc biệt, 4 cơ quan trung ương (Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Hội Nhà văn Việt Nam) đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn.

img

6 tháng đầu năm, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 17.200 tỷ đồng, đạt 39,8% kế hoạch giao chi tiết và đạt 34,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao

Thừa nhận kết quả trên chưa đặt kỳ vọng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân.

Theo ông Dũng, có những nguyên nhân mang tính hệ thống, tồn tại trong nhiều năm; Lại có nguyên nhân do chủ quan, khách quan, do đặc thù của từng năm. Ví dụ như do giải phóng mặt bằng chậm; Do năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu còn hạn chế; do công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, triệt để...

Ví dụ như, do giải phóng mặt bằng chậm; Do năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu còn hạn chế; Do công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, triệt để…

Chưa kể, năm 2022 lại có những nguyên nhân rất đặc thù, như dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án; Rồi đầu năm, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá…

Hơn nữa, năm 2022 tuy là năm thứ hai triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng thực tế lại là năm đầu tiên.

Trong khi, kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7/2021, nên thực tế đầu năm nay, chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp.

Trong khi đó, các dự án mới thì vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục, quá trình này thông thường mất khoảng 6-8 tháng, nên phải tới cuối năm mới có thể giải ngân được.

img

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

Đã đến mức báo động?

Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để đánh giá là chậm hay không thì cần nhìn nhận một cách toàn diện và trong cả một giai đoạn.

Tức là, tỷ lệ giải ngân thường tăng dần vào thời điểm cuối năm và có xu hướng trở thành quy luật. Đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công là vậy, thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm, bởi các nhà thầu cũng cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán.

“Việc giải ngân thấp ở các tháng đầu năm cũng chưa khẳng định được tỉ lệ giải ngân cả năm là sẽ thấp, điển hình là các năm 2020-2021 vừa qua”, ông Dũng nói và cho biết, đó là lý do vì sao Thủ tướng Chính phủ đã phải thành lập 6 Tổ công tác để thúc đẩy việc này.

Tổ công tác sẽ kiểm tra, đốc thúc việc phân bổ tại các bộ ngành, địa phương có tỷ lệ phân bổ, giải ngân vốn còn thấp, đồng thời liên tục có các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân.

Cần sửa đổi, bổ sung luật

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, người đứng đầu Bộ KH&ĐT khẳng định, không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt, mà phải được giải quyết căn cơ, lâu dài, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này phù hợp với yêu cầu phát triển.

“Chúng ta cũng không chỉ cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công, mà còn phải quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác liên quan.

Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, theo vị Bộ trưởng, một yếu tố rất quan trọng, đó là phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa, chuẩn bị dự án thật tốt, nghiên cứu và bổ sung quy định về một số hành động trước được thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án để bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng, để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện, giải ngân sớm.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh: Chính phủ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị, nâng cao tính sẵn sàng và triển khai dự án.

Cùng với đó, bên cạnh yêu cầu chung là quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn…, thì cũng cần tiếp cận thẳng ngay vào nguyên nhân của những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Chẳng hạn, chuyện kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp; Trách nhiệm người đứng đầu… Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được giải quyết thì giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện.

Nửa năm 2022, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 17.200 tỷ đồng, đạt 39,8% kế hoạch giao chi tiết và đạt 34,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, giải ngân 1.843 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 37,8% và 15.357 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 33,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao

Để tăng tốc giải ngân hơn 33.000 tỷ cuối năm, Bộ đang gấp rút hoàn thành thủ tục để khởi công 32 dự án và bám sát hiện trường, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm với các dự án đang triển khai...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.