Báo động trẻ em mắc bệnh tiểu đường - Ảnh minh họa |
Thủ phạm là đồ ăn nhanh, tivi, game và lười vận động?
Thấy cậu con trai (tên Huy, 11 tuổi) chiều nào tan học về cũng than mệt, chị Nguyễn Thúy Hoa (Khâm Thiên, Hà Nội) cứ ngỡ do con học hành nhiều quá. Tuy nhiên, gần đây, không chỉ than mệt, con trai chị lại có biểu hiện háo nước và tiểu nhiều, nên chị quyết định cho con đến viện thăm khám. Nghe bác sĩ kết luận, con bị tiểu đường tuýp 2, vợ chồng chị đều sốc. “Trong gia đình không ai mắc bệnh này cả và chúng tôi vẫn nghĩ đây là căn bệnh của người lớn. Sao thằng bé lại mắc tiểu đường type 2 được!?”, chị Hoa chia sẻ. Cũng theo lời chị Hoa, vì con chị là cháu trai độc nhất trong gia đình nên bao tình yêu thương mọi người nhà đều dành trọn cho Huy. Thương con thức đêm, học hành vất vả, nên chị Hoa lúc nào cũng trữ sẵn xúc xích, bánh mì, sữa, đồ hộp. Cũng vì lẽ đó, dù mới 11 tuổi, Huy đã nặng 68kg, cao 153cm.
"Bệnh tiểu đường tuýp 2 đang ngày càng trẻ hóa và trở thành gánh nặng y tế. Theo báo cáo mới nhất của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế, năm 2013 có 382 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Trong năm 2013, đái tháo đường gây ra tử vong cho 5,1 triệu người và tổn thất khoảng 548 triệu USD cho các chi phí về chăm sóc sức khỏe. Nếu không có hành động để dự phòng bệnh đái tháo đường, sẽ có khoảng 592 triệu người mắc bệnh đái tháo đường trong vòng chưa đến 25 năm tới." GS. Thái Hồng Quang |
Còn trường hợp bé Trần Ngọc Kiên (12 tuổi, trú Cầu Giấy, Hà Nội) phát hiện bệnh từ ba năm trước, hiện vẫn đang tiếp tục khám định kỳ tại viện hàng tháng. Khi mới nhập viện, Kiên cũng có biểu hiện sốt, mệt mỏi, sụt cân, đo đường huyết lên tới 13 mmol/l. Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường của Kiên cũng do thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày bất hợp lý. Mẹ Kiên cho biết, vì hai vợ chồng đều bận việc, nên ngoài giờ học, Kiên vẫn thường làm bạn với máy tính và chính các món ăn nhanh như: Xúc xích, nước ngọt gắn với Kiên suốt thời gian dài mà cha mẹ không biết. May mắn, sau ba năm điều trị tiểu đường, đến nay, Kiên đã không còn phải sử dụng thuốc hạ đường huyết.
Chia sẻ về bệnh tình của Huy và Kiên, BS. Phan Hướng Dương, Phó giám đốc BV Nội tiết T.Ư cho biết, đó không phải là trường hợp hiếm, bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp chỉ học lớp 5, 6 nhưng được bố mẹ “chăm sóc chu đáo” nên cân nặng lên đến 70 - 80kg; Khi nhập viện đều được chẩn đoán tiểu đường tuýp 2. Nguyên nhân gây đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, trẻ em bị béo phì, nghiện game và tivi… Trong đó, chủ yếu là tiểu đường type 2, chiếm khoảng trên 90%.
Hệ lụy mờ mắt, suy thận của tiểu đường
Theo chia sẻ của BS. Dương, hiện nhiều cha mẹ đang sai lầm, mất cân đối trong cách chăm sóc khẩu phần dinh dưỡng cho con trẻ. Phần lớn chỉ tập trung cho con ăn thật nhiều, càng “có da, có thịt” càng tốt mà quên đi việc phải cân đối đầu vào và đầu ra cho trẻ. Thực tế hiện nay, đa phần trẻ dành thời gian cho học hành và không có thời gian thể dục, thể thao. Các loại đồ ăn nhanh như: Bánh mì kẹp thịt, xôi chả, gà chiên… vốn giàu năng lượng lại được trẻ yêu thích và sử dụng nhiều trong khi ít vận động đã khiến trẻ dễ béo phì, đọng mỡ tạng ảnh hưởng tới tiết insulin ở tụy.
Nhiều trường hợp trẻ nhập viện muộn bắt buộc phải dùng insulin tiêm vì gan đã tổn thương. Khi đó, trẻ không thể điều trị khỏi hoàn toàn được và sống phụ thuộc vào thuốc. Bởi lúc đó, 50% tế bào tuyến tụy đã bị phá hủy, nếu trẻ tiếp tục không kiểm soát dinh dưỡng, tập luyện thì tình trạng bệnh rất nguy hiểm. Đáng lưu ý, do biểu hiện của bệnh thường phát triển âm thầm, nên đến khi có các triệu chứng mệt mỏi, sụt cân, khát nước, tiểu nhiều thì bệnh đã tiến triển nặng.
“Những trẻ 13 - 15 tuổi bị tiểu đường nếu không được chăm sóc bệnh tốt thì chỉ 5 năm sau bắt đầu giảm thị lực, 10 - 15 năm sau sẽ suy thận. Lúc đó, cha mẹ có ân hận cũng đã muộn. Trong khi đó, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng chống được bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý”, BS. Dương khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận