Trong khi xe trong bến hoạt động cầm chừng, tình trạng xe khách bỏ bến ra ngoài chạy dù gia tăng, gây mất trật tự ATGT, cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị làm ăn chân chính, khiến Nhà nước thất thu thuế.
Thực trạng này đòi hỏi cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp ngăn chặn.
Xe khách đồng loạt bỏ bến, xe dù tái diễn
Xe Châu Lệ chạy tuyến Sài Gòn - Thanh Hóa đón khách tại cây xăng 47, QL13 Ảnh: Đỗ Loan
Những ngày qua, câu chuyện 300 xe khách bỏ bến Miền Đông mới khiến dư luận hết sức quan tâm. Trên thực tế, tình trạng xe khách bỏ bến không chỉ diễn ra tại TP.HCM.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, đơn vị đang khai thác tại 3 bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm và Mỹ Đình, hiện cả 3 bến đều đang hoạt động dưới công suất khai thác.
Cụ thể, Bến xe Giáp Bát công suất 1.517 chuyến/ngày, các đơn vị đăng ký khai thác 1.116 chuyến/ngày và thực tế khai thác chỉ đạt 660 chuyến/ngày (43,5% công suất).
Bến xe Gia Lâm công suất 1.260 chuyến xe/ngày, các đơn vị đăng ký 867 chuyến/ngày và thực tế khai thác chỉ đạt 380 chuyến/ngày (30%).
Bến xe Mỹ Đình công suất 1.820 chuyến xe/ngày, các đơn vị đăng ký khai thác là 1.182 chuyến/ngày và thực tế khai thác chỉ đạt 650 chuyến/ngày (35,7%).
Qua rà soát của Trung tâm Khai thác bến xe Hà Nội, tại 2 bến xe Yên Nghĩa và Sơn Tây có 46 đơn vị kinh doanh vận tải không có trụ sở tại Hà Nội với 85 lốt đăng ký, 3 đơn vị có trụ sở tại Hà Nội với 24 lốt đăng ký nhưng không đưa xe vào hoạt động.
Thống kê của Bến xe Nước Ngầm cũng cho thấy, hiện có 85 xe khách của gần 30 doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký tuyến nhưng không đưa xe vào hoạt động.
Tại TP.HCM, Sở GTVT TP cho biết, toàn TP có 5 bến xe khách liên tỉnh gồm: Miền Đông, Ngã Tư Ga, An Sương, Miền Tây, Miền Đông mới. Riêng Bến xe Miền Đông mới có 102 tuyến, nhưng chỉ có 206 chuyến xe hoạt động mỗi ngày với khoảng 2.600 hành khách…, hiện có khoảng 300 xe bỏ bến ra ngoài, trong số này có 140 xe xác định chạy dù.
Tại các bến xe khác, hiện cũng chưa xác định được xe bỏ bến có chạy dù hay không, nhưng tại Bến xe Ngã Tư Ga có 178 tuyến, hiện mỗi ngày trong bến có từ 50 - 90 lượt xe ra vào, đạt 200 - 300 khách/ngày.
Còn tại Bến xe An Sương có 118 tuyến, mỗi ngày từ 220 - 300 chuyến và khoảng 2.000 hành khách/ngày (trước dịch năm 2019 là 470 - 600 chuyến/ngày). Sản lượng khai thác của 5 bến xe hiện chưa đến 50% công suất.
Ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc bến xe Miền Tây cho biết, số chuyến xe đăng ký theo biểu đồ là 46.000, nhưng thực tế số xe hoạt động chỉ có 33.000.
Nguyên nhân do doanh nghiệp đăng ký nhưng không hoạt động do không có khách và họ cũng không bỏ biểu đồ: “Họ để slot đó để khi có khách thì hoạt động mà không phải làm thủ tục xin lại”.
Vậy, câu hỏi là những xe đang bỏ bến hoạt động ở đâu? Tại TP.HCM, ngành chức năng đã xác định được trong số 300 xe bỏ bến không vào Bến xe Miền Đông mới, có 140 xe hiện đang đón khách ở bãi xe số 397 Đinh Bộ Lĩnh đối diện Bến xe Miền Đông cũ, đường Điện Biên Phủ gần cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh), nhiều cây xăng trên QL13, QL1... Báo Giao thông đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng này.
Tại khu vực Hà Nội, ghi nhận của PV tại khu vực đường Phạm Hùng, Trần Vỹ (gần Bến xe Mỹ Đình), hoạt động dừng đón chờ khách của loạt xe dù diễn ra nhộn nhịp nhất. Tại đây, những chiếc xe khách của nhà xe: Thuận Béo, Thuận Hiền, Đức Đạt… gắn phù hiệu xe du lịch, xe hợp đồng nhưng thường xuyên dừng đỗ để chờ đón khách lẻ.
Bên cạnh đó, hoạt động của loại xe 16 chỗ kiểu limousine cũng hoạt động bát nháo, điển hình là các xe gắn biển Hạ Long - Cẩm Phả, Quảng Ninh - Móng Cái…
Nhà nước thất thu thuế hàng trăm tỷ mỗi năm
Trước sảnh bến xe Miền Đông mới chỉ có xe buýt ra vào
Đại diện Bến xe Miền Đông mới cho biết, với việc giảm 300 xe, mỗi ngày bến thất thu 100 triệu đồng.
Tình trạng xe không vào bến mà hoạt động bên ngoài không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATGT, gây bất bình đẳng đối với các đơn vị kinh doanh vận tải mà còn khiến Nhà nước thất thoát hàng trăm tỷ đồng tiền thuế mỗi năm mà đáng ra các nhà xe này phải nộp ngân sách (10% thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp).
“Chẳng hạn, đối với các tuyến đi miền Trung, miền Bắc mỗi ghế bến xe thu khoảng 8.400 đồng/ghế ngồi và 10.900 đồng/ghế giường nằm, các xe không vào hoạt động, mỗi chuyến xe cộng lại sẽ thất thu cả 100 triệu đồng mỗi ngày. Bến xe Miền Đông là bến xe Nhà nước, bến thất thu thì Nhà nước cũng thất thu.
Trường hợp Bến xe Miền Đông mới có 300 xe vào bến với khoảng gần 4.000 khách. Mỗi vé trung bình 300.000 đồng, thuế GTGT 10%, nếu các xe không vào bến, Nhà nước thất thu mỗi vé là 30.000 đồng.
Với số lượng khách như thế nhân lên thì con số thất thu thuế là khoảng 120 triệu đồng/ngày. Đó là chưa kể, xe không vào bến, các dịch vụ trong bến cũng không phát triển, Nhà nước cũng thất thu từ các dịch vụ này”, vị này cho biết.
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tình trạng xe khách hoạt động tuyến cố định dần bỏ bến ra ngoài, chạy vòng vo tìm khách, gom khách… đã khiến bến xe giảm đáng kể số lượng xe vào bến đón khách, khách đến bến chỉ còn 20 - 50% so với trước; một số bến xe rơi vào tình trạng khó khăn có nguy cơ phá sản.
Ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở vừa đề nghị các tỉnh, thành phố có liên quan phối hợp cập nhật các lốt xe do các đơn vị không đưa xe vào hoạt động và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm; rà soát các phương tiện không hoạt động để thu hồi phù hiệu đã cấp…
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng thông tin, Sở đã yêu cầu lực lượng thanh tra phối hợp với CSGT TP.HCM tăng cường kiểm tra những vị trí xe khách thường xuyên dừng, đón trả khách không đúng quy định.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã hoàn tất thủ tục chuẩn bị trình UBND TP.HCM phê duyệt phương án hạn chế hoạt động xe khách giường nằm, xe trên 30 chỗ vào trung tâm TP.HCM trong tháng 11.
Loạt giải pháp trước mắt và lâu dài
Xe dù ngang nhiên hoạt động quanh khu vực bến xe Mỹ Đình (Hà Nội)
Đại diện Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cũng cho biết, hiện nay xe tuyến cố định tại nhiều địa phương đang bị cạnh tranh khốc liệt với các phương tiện vận chuyển hợp đồng hoạt động trá hình, đặc biệt là các tuyến có cự ly dưới 300km.
Nhiều địa phương có xu hướng di chuyển bến xe khách ra xa khu vực trung tâm. Đây là một trong những nguyên nhân xe khách tuyến cố định bỏ bến ra ngoài hoạt động tự do.
Mặt khác, một bộ phận hành khách ngại di chuyển ra bến xe, không muốn chờ đợi mất thời gian, muốn được đưa đón tận nơi,… nên không vào bến mua vé mà đón xe dọc đường, ở các tụ điểm đã khiến các nhà xe đua nhau đón, trả hành khách không đúng quy định.
“Trong khi đó, hiện chưa có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn đối với các đơn vị vi phạm nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục tái phạm nhằm răn đe”, vị này cho biết.
Thanh tra Bộ GTVT cho biết, những năm gần đây, hoạt động kinh doanh vận tải phát triển mạnh mẽ, trong khi đó Luật GTĐB hiện hành đã được thực hiện hơn 10 năm nên một số quy định liên quan đến hoạt động vận tải không còn phù hợp.
Do đó, trong dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), các cơ quan tham mưu thuộc Bộ đã nghiên cứu, tham mưu cho Bộ GTVT xử lý vấn đề này nhằm quản lý hoạt động vận tải chặt chẽ hơn.
Trong khi chờ sửa đổi Luật, để ngăn chặn tình trạng xe khách bỏ bến chạy dù, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cơ quan quản lý vận tải, chính quyền tại địa phương cần tăng cường, quyết liệt xử lý các vi phạm về “xe dù, bến cóc”. Sau khi xử lý xong vi phạm, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên tránh để tái diễn.
Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cũng cho biết, từ ngày 1/7/2022, trước khi xe xuất bến doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định phải thực hiện cung cấp nội dung (gồm các thông tin như tên bến xe; tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến) trên Lệnh vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT.
Để thực hiện quy định này, ngày 11/10/2022, Cục Đường bộ VN đã có văn bản gửi Sở GTVT các địa phương, yêu cầu các bến xe khách và đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kết nối và truyền dữ liệu Lệnh vận chuyển xong trước ngày 15/12/2022.
Khi dữ liệu được truyền đầy đủ về Cục, sẽ tổng hợp, thống kê được tình hình hoạt động của toàn bộ các xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.
Ngoài ra, Cục Đường bộ VN sẽ thực hiện ngay các giải pháp trước mắt như: Đề xuất Bộ GTVT có văn bản gửi UBND các tỉnh vào cuộc quyết liệt để tiếp tục chỉ đạo tổng kiểm tra, xử lý dứt điểm hiện tượng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn.
Cùng với đó, phối hợp với lực lượng công an và ngành thông tin - truyền thông để kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe cá nhân để kinh doanh vận tải thông qua hình thức lập nhóm trên Zalo, Facebook; rà soát quy hoạch, tham mưu UBND tỉnh giữ nguyên các bến xe hiện hữu trong nội thành nội thị (không thực hiện điều chuyển ra xa trung tâm đô thị) đến năm 2030 để tạo sự ổn định và thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân.
“Về lâu dài sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật GTĐB để bổ sung các chính sách như: Phân loại lại các hình thức kinh doanh vận tải hành khách có đặc điểm hoạt động tương đối giống nhau thành một hình thức; Nghiên cứu chính sách phát triển bến xe theo mô hình kinh doanh, dịch vụ tổng hợp nhằm đẩy mạnh, thu hút đầu tư bến xe; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý đối với các trường hợp tái phạm nhiều lần”, vị đại diện cho biết.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách ô tô TP.HCM:
Phải quyết liệt chống xe dù, bến cóc
Việc đưa Bến xe Miền Đông mới ra cửa ngõ thành phố là đúng chủ trương, tránh kẹt xe trong khu vực trung tâm. Tuy nhiên, có thể nói bến mới trở nên bất tiện đối với người dân khi ở quá xa.
Có 3 giải pháp chính, một là tổ chức trung chuyển tốt, kể cả dùng xe buýt, grab, taxi. Hai là quyết liệt chống “xe dù, bến cóc”, không để tình trạng ra quân rầm rộ xong đâu lại vào đấy. Cuối cùng, xem xét lại quy hoạch bến xe phù hợp với điều kiện thực tiễn, quy mô bến xe rộng hay hẹp để tránh sự đầu tư lãng phí.
Đỗ Loan (Ghi)
Ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội:
Kiến nghị xem xét điều chỉnh luồng tuyến
Trên thực tế, các doanh nghiệp vận tải hoạt động thấp hơn nhiều so với số chuyến đăng ký do xe không có khách và hoạt động khai thác không hiệu quả. Bên cạnh nguyên nhân khách quan mang tính thời điểm là do dịch bệnh Covid-19, thì việc quy hoạch vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe chưa đáp ứng đúng nhu cầu của hành khách. Ví dụ khách ở phía Đông, Tây và Bắc phải di chuyển về bến phía Nam để đi các tỉnh phía Nam và ngược lại.
Công ty CP Bến xe Hà Nội vừa kiến nghị Bộ GTVT, Cục Đường bộ VN và Sở GTVT Hà Nội xem xét điều chỉnh và bổ sung quy hoạch các luồng tuyến mới phù hợp với luồng hành khách, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.
Lê Tươi (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận