Thời gian thực hiện gói thầu bảo dưỡng đường bộ dài sẽ tạo thuận lợi để nhà thầu đầu tư thiết bị hiện đại mà không lo bị lỗ vốn - Ảnh: Tạ Tôn |
Thời gian gói thầu ngắn, cùng với quy mô chiều dài tuyến đường bảo dưỡng thường xuyên quá ngắn là rào cản để nhà thầu e ngại đầu tư công nghệ, phương tiện, trang thiết bị để hiện đại hóa công tác bảo trì đường bộ.
Nhà thầu “ngại” đầu tư công nghệ
Tổng cục Đường bộ VN cho biết, công tác đấu thầu bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) đường bộ được thực hiện từ năm 2013 với 4 gói thầu thí điểm. Thời gian thực hiện hợp đồng từ 2014 - 2016. Năm 2015, thay vì đặt hàng, Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT triển khai đấu thầu toàn bộ hệ thống quốc lộ với thời gian thực hiện kéo dài 3 năm (2015 - 2017). Kết quả, năm 2015 đã đấu thầu thành công 129 gói thầu trên cả nước, tiết kiệm hơn 82 tỷ đồng, tương đương 5,54% giá trị gói thầu.
"Tổng cục sẽ gom các cầu trung, cầu lớn, kể cả các cầu nhỏ trong phạm vi khu vực có bán kính khoảng 100km để hình thành gói thầu quản lý, bảo dưỡng chuyên về cầu. Đây là kinh nghiệm rút ra trong thực tế và được sự góp ý của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong Hội KHKT Cầu đường VN và các tổ chức chuyên môn khác. Mục đích là chuyên nghiệp hóa công tác bảo dưỡng cầu”. Ông Lê Hồng Điệp |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, công tác đầu thầu bảo dưỡng đường bộ vẫn bộc lộ không ít bất cập, nhất là việc chia gói thầu quá nhỏ, lắt nhắt. Ông Lê Công Xuân, Phó giám đốc Công ty CP Quản lý và đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 cho biết, đơn vị đang quản lý hai tuyến QL2 và QL3 với tổng chiều dài gần 120km thuộc hai gói thầu khác nhau. Trong đó, QL3 là 46km và QL2 là 76km với thời gian là 3 năm. Thời gian gói thầu duy tu bảo dưỡng ngắn như vậy, cộng với vốn duy tu thấp khiến nhà thầu không yên tâm đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị máy móc.
“Nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị trong công tác bảo trì rất lớn như: Máy hút rác, máy rửa đường, máy cào bóc sửa chữa đường... kinh phí lên đến cả chục tỷ đồng. Nếu đấu thầu trong 3 năm, sau không trúng thầu thì máy móc không biết dùng vào việc gì”, ông Xuân nói và cho rằng, nguồn duy tu bảo dưỡng thấp, dẫn tới khấu hao máy móc rất thấp, khiến cho doanh nghiệp không muốn đầu tư.
“Cần kéo dài thời gian gói thầu ít nhất 5 năm. Công việc ổn định, doanh nghiệp mới yên tâm hiện đại hóa công tác bảo trì đường bộ”, ông Xuân đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Cao Xuân Hoa, Giám đốc Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ 470 cho biết, máy móc, công nghệ có thể tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, giảm chi phí nhân công đang chiếm tới 60% chi phí như hiện nay. Tuy nhiên, do thời gian gói thầu bảo dưỡng thường xuyên quá ngắn khiến nhà thầu “ngại” đầu tư.
Tuần đường bằng ô tô thay xe máy
Đề cập vấn đề trên, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, thời gian 3 năm để nhà thầu trúng thầu thực hiện hợp đồng sản xuất cung ứng dịch vụ quản lý, BDTX quốc lộ và giá chỉ 25 triệu đồng/km/năm đúng là chưa khuyến khích được nhà thầu mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để quản lý, bảo dưỡng quốc lộ, các công trình cầu trên đó.
“Chia gói thầu quá nhỏ làm giảm tính chủ động của các nhà thầu trong việc khắc phục các hư hỏng nhỏ phát sinh trong quá trình khai thác. Việc này không phù hợp xu hướng đổi mới công tác bảo trì”, ông Điệp nói và cho biết, Tổng cục Đường bộ VN vừa trình Bộ GTVT phương án đấu thầu công tác quản lý BDTX hệ thống quốc lộ giai đoạn 5 năm (2018-2022) với nhiều đổi mới về cách thức thực hiện và tư duy quản lý trong việc lựa chọn nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ.
“Thời gian thực hiện hợp đồng cung ứng dịch vụ quản lý, BDTX quốc lộ nên thực hiện trong 5 năm để khuyến khích các nhà thầu đầu tư máy móc, thiết bị thực hiện hợp đồng, ổn định lực lượng công nhân lành nghề thực hiện gói thầu trong cả 5 năm, có điều kiện đào tạo nhân công vận hành các máy móc công nghệ mới. So với các gói thầu BDTX quốc lộ thực hiện trong 3 năm thì các gói thầu BDTX quốc lộ thực hiện trong 5 năm sẽ phải mở rộng về khối lượng gói thầu, chiều dài quốc lộ trong gói lớn hơn nên giá trị gói thầu cũng tăng lên”, ông Điệp thông tin.
Cũng theo ông Điệp, gói thầu quản lý, BDTX đường tới đây có thể có chiều dài khoảng 200km đến trên 300km (trừ các trường hợp có tuyến ngắn nằm xa các tuyến khác do bị xen giữa các dự án BOT, dự án quản lý tài sản đường bộ, dự án xây dựng cơ bản và đặc thù khác). Tổng cục Đường bộ VN cũng đề xuất Bộ GTVT cho phép 1 gói thầu BDTX nhiều tuyến quốc lộ. Mục đích là đẩy mạnh việc ứng dụng máy móc thiết bị như máy san bạt lề, cào bóc tái chế và cào bóc hằn lún, ô tô bán tải tuần đường thay nhân công và thay các phương tiện thô sơ.
“Khi nâng quy mô gói thầu kèm theo yêu cầu năng lực nhà thầu phải đáp ứng tương xứng. Trong công tác tuần đường, tới đây, Tổng cục sẽ yêu cầu nhà thầu phải tuần đường bằng xe ô tô thay vì xe máy như hiện nay. Việc tăng chiều dài và quy mô 1 gói cũng làm giảm số lượng gói thầu để thuận tiện cho kiểm tra, nghiệm thu, thanh toán và thanh kiểm tra, quyết toán”, ông Điệp nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận