Báo chí thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội
Tối 21/6, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia tổ chức lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành cơ quan chức năng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và sự ủng hộ giúp đỡ của tầng lớp nhân dân, báo chí cách mạng nước nhà không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
"Báo chí đã tích cực, chủ động, có nhiều đóng góp trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phản ánh kịp thời, khách quan những diễn biến quan trọng đời sống chính trị của đất nước, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Đặc biệt, theo Thủ tướng, trong những tháng đầu năm 2020, các cơ quan báo chí đã đóng góp quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch thế kỷ Covid-19, chủ trương của Đảng và nhà nước hành động quyết liệt với những thông điệp mạnh như: “chống dịch như chống giặc”, “mục tiêu kép” chống dịch đi đôi với duy trì, phát triển kinh tế… đã được báo chí cả nước truyền tải hiệu quả hàng ngày, hàng giờ đến từng người dân, từng doanh nghiệp.
“Báo chí đã góp phần tạo sự đồng thuận, đoàn kết, nhân ái trong xã hội trong cuộc chiến đại dịch. Đây là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới kiểm soát được dịch Covid-19 với phương pháp chống dịch hiệu quả, chi phí thấp và nay bước vào trạng thái “bình thường mới”, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH, vừa cảnh giác, phòng chống dịch”, Thủ tướng chia sẻ.
Đánh giá về chất lượng Giải Báo chí Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2019 đã thu hút được những tác phẩm báo chí chất lượng cao, có nội dung giá trị, hình thức thể hiện hấp dẫn, có sức lan tỏa cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Nhiều tác phẩm mang tính phát hiện, vừa phản ánh bất cập, vừa đè xuất giải pháp thiết thực.
“Năm 2020, Việt Nam sẽ có nhiều sự kiện trọng đại về cả đối nội, đối ngoại, nhất là sự kiện Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Đây sẽ là những nguồn cảm hứng lớn, hứa hẹn một mùa giải Báo chí Quốc gia 2020 chất lượng và thú vị”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Ông bày tỏ sự tin tưởng hơn 25.000 hội viên, nhà báo đang làm việc tại các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý, đào tạo báo chí với bản lĩnh chính trị, chuyên môn vững vàng sẽ ngày càng có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng, xứng đáng niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Báo chí phải giữ vững tinh thần cách mạng
Nhận định báo chí là một trong nhóm ngành bị ảnh hưởng đầu tiên bởi công nghệ số, công nghiệp 4.0, truyền thông mạng xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan báo chí cần giữ vững tinh thần cách mạng, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực đến nhiều người dân, lan tỏa tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, cùng thực hiện mục tiêu khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
“Báo chí nước nhà cũng phải nỗ lực đi đầu trong kỹ thuật số, sử dụng công nghệ số để thay đổi cách làm báo, mô hình cách làm mới, tập trung hơn những ấn phẩm có nội dung khoa học, chuyên sâu; Đồng thời, định hướng tư tưởng góp phần nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc, phát triển văn hóa và con người Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan báo chí phải đề cao tính tự chủ, cần xem xét cơ chế tài chính phù hợp để bảo đảm mỗi nhà báo, mỗi tờ báo ổn định thu nhập và yên tâm thực hiện tốt sứ mệnh, tôn chỉ, mục đích, bảo vệ chính nghĩa, nói lên những sự thật, đồng hành với lẽ phải, phản ánh những cái xấu, cái ác, chống lại sự phi nghĩa là sứ mệnh cao cả của người làm báo.
Báo Giao thông nhận 2 giải Báo chí Quốc gia
Trước đó, ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia cho biết, Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV năm 2019 đã thu hút hơn 1.600 tác phẩm dự giải từ khắp nơi trên cả nước. Qua 14 năm thực hiện, đây là giải có số tác phẩm ở mức cao cho thấy hiệu quả, sức thu hút của giải đối với hoạt động báo chí.
Đáng chú ý, các tác phẩm nhiều kỳ chiếm tỷ lệ ngày càng cao cho thấy đề tài đầu tư công phu, bài bản; Phát thanh - truyền hình có nhiều tương tác với công chúng hơn, báo điện tử tiếp tục sử dụng hình thức mới và hiện đại, chất lượng báo chí địa phương ngày càng nâng lên", ông Thuận Hữu nói.
Trải qua quá trình chấm sơ khảo một cách khách quan, công tâm, Hội đồng tác phẩm đã lựa chọn 140 tác phẩm tiêu biểu vào vòng chung khảo và quyết định trao 9 giải A, 21 giải B, 41 giải C cùng 32 giải Khuyến khích.
"Năm 2019, các tác phẩm tham gia Giải Báo chí Quốc gia tiếp tục phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị của đất nước, nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng tiếp tục được phản ánh đậm nét với cách tiếp cận đa chiều, từ công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, vấn đề an ninh quốc phòng, gương người tốt việc tốt, phòng chống thông tin xấu trên mạng xã hội đến quản lý kinh tế, xây dựng đô thị văn minh.
Năm nay, lần đầu tiên, Báo Giao thông vinh dự nhận 2 giải Báo chí Quốc gia, trong đó, có một giải B thể loại phóng sự điều tra với loạt bài 3 kỳ: “Thâm nhập đường dây làm giả bằng lái xe” của nhóm tác giả: Đức Thắng, Trần Duy, Nam Khánh và một giải C ở thể loại phản ánh với tác phẩm: “Rừng thủ tục làm dự án giao thông trọng điểm” của nhóm tác giả: Thanh Bình - Đình Quang - Huy Lộc - Hoàng Ngân. Trước đó, từ năm 2014 đến nay, Báo Giao thông cũng có 5 năm liền đoạt giải Báo chí Quốc gia.
Trong đó, loạt bài “Thâm nhập đường dây làm giả bằng lái xe” của Báo Giao thông được đánh giá cao ở tính phát hiện và đề tài độc quyền. Nhóm phóng viên của Báo Giao thông đã bất chấp nguy hiểm, nhập vai để giáp mặt các đối tượng làm giả giấy phép lái xe, phơi bày hành vi và thủ đoạn của các đối tượng làm giả.
Loạt bài viết này cũng chỉ ra sự nguy hiểm của hành vi làm giả và sử dụng giấy phép lái xe giả điều khiển phương tiện tham gia giao thông chẳng khác nào hành vi cố ý giết người và đề nghị cần truy tố hình sự nếu phát hiện hành vi đó để tăng tính răn đe, phòng ngừa, kéo giảm tai nạn giao thông.
Sau khi loạt bài “Thâm nhập đường dây làm giả bằng lái xe” của Báo Giao thông đăng tải, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm tình trạng này.
Trong khi đó, loạt bài "Rừng thủ tục làm dự án giao thông trọng điểm” với cách thể hiện sắc sảo đã phản ánh những bất cập, vướng mắc về quy trình, thủ tục đầu tư từ phía nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan khiến các dự án giao thông trọng điểm, mang tính cấp bách như Nhà ga T3 Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Cao tốc Bắc - Nam… dù đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ lâu nhưng suốt thời gian dài chưa thể khởi công xây dựng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận