Liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện có lộ trình đến năm 2025 |
Chưa liên thông gây nhiều tốn kém
Hội nghị Tổng kết thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm và hoàn tất liên thông kết quả xét nghiệm theo QĐ 316/TTG-CP do Bộ Y tế vừa tổ chức, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, các bệnh viện cần đẩy nhanh tiến độ liên thông xét nghiệm nhằm giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí cho người bệnh, nguồn lực của xã hội, đồng thời hội nhập mạng lưới kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm trong khu vực và thế giới.
Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, các bệnh viện trên toàn quốc đã thực hiện 528.765.000 xét nghiệm, tăng 1,02% so với năm 2016. Trong đó, xét nghiệm ở bệnh viện tuyến tỉnh chiếm đa số với 51%, các bệnh viện tuyến Trung ương 22% và 20% thuộc về các bệnh viện tuyến huyện.
Đến thời điểm này, ngoại trừ 38 bệnh viện trung ương có thực hiện việc liên thông một số kết quả xét nghiệm, thì các bệnh nhân vẫn “vật vã” làm đi làm lại xét nghiệm sau mỗi lần chuyển tuyến và thăm khám ở các bệnh viện khác nhau.
Theo lý giải của các bệnh viện, sở dĩ không có sự công nhận này là vì các phòng xét nghiệm có chuẩn khác nhau, có thể xảy ra sai số nên cần phải xét nghiệm lại. Nếu như có một chuẩn chung cho tất cả các phòng xét nghiệm vì việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện sẽ thực hiện được.
Theo nhận định của ông Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nếu thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện, số lượng xét nghiệm sẽ giảm đáng kể, điều này sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian, tiền bạc cho người bệnh, đồng thời cũng giảm quá tải bệnh viện.
Liên thông kết quả xét nghiệm theo lộ trình
“Theo đánh giá của chúng tôi, liên thông xét nghiệm mang lại nhiều lợi ích về chất lượng, tài chính cũng như giảm chờ đợi phiền hà. Khi xét nghiệm có độ tin cậy cao hơn, cơ sở khám chữa bệnh này có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác, một số xét nghiệm không phải làm lại sẽ tránh được lãng phí. Chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm chỉ tính riêng số xét nghiệm không phải thực hiện tại các BV đã là khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng, chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 237,5 tỉ đồng”, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, để liên thông kết quả xét nghiệm trên toàn quốc, trước hết cần phải chuẩn hóa hệ thống xét nghiệm tại các phòng xét nghiệm của các bệnh viện. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên để các bệnh viện có thể công nhận kết quả lẫn nhau cũng như đảm bảo chất lượng của các kết quả xét nghiệm.
Về vấn đề này, Bộ Y tế đã giao các Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm của 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn đánh giá và bộ tiêu chí cho các phòng xét nghiệm trong cả nước.
Cùng đó, tiêu chuẩn thứ 2 để liên thông kết quả xét nghiệm thuận lợi là đội ngũ nhân lực làm việc trong các phòng xét nghiệm phải có trình độ tương đương nhau trên toàn quốc. Hiện Bộ Y tế đã xây dựng, ban hành, chỉ đạo việc triển khai, đào tạo đánh giá viên, công bố kết quả đánh giá, tiếp tục đề xuất các chính sách liên quan đến kiểm chuẩn xét nghiệm. Bộ cũng yêu cầu các Trung tâm kiểm chuẩn hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, đào tạo, giám sát, chương trình ngoại kiểm cho các bệnh viện.
Theo PGS.TS Vũ Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học - Trường Đại học Y dược TP.HCM, từ năm 2014 đến năm 2018, đơn vị này đã tiến hành đào tạo hàng trăm lượt cán bộ xét nghiệm, đồng thời giám sát quản lý chất lượng cho các cơ sở y tế trong khu vực phía Nam. Đến nay, về cơ bản các cơ sở y tế tuyến Trung ương và tuyến tỉnh khu vực phía Nam đã sẵn sàng cho thời điểm tháng 12/2018 để liên thông kết quả xét nghiệm các bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện hạng 1.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 316/TTG-CP phê duyệt đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025. Theo đó, từ ngày 31/7/2018, 38 bệnh viện tuyến Trung ương trên toàn quốc chính thức liên thông kết quả xét nghiệm.
Lộ trình đến ngày 31/12/2018 sẽ thực hiện liên thông đối với các phòng xét nghiệm cùng mức chất lượng trong phạm vi tỉnh và đến năm 2025 thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm trên toàn quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận