Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị EVN phê duyệt phương thức phân bổ nghĩa vụ cắt giảm công suất điện mặt trời áp mái và điện mặt trời mặt đất do thừa điện.
Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) tại Việt Nam đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020 nhưng đến nay chưa có Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công thương.
Do vậy, nhiều nhà đầu tư ĐMT đang "ngóng" cơ chế giá mới trong bối cảnh thừa điện, phải cắt giảm công suất phát.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Cục Điện lực vào Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương chia sẻ: “Phát triển ĐMT cũng cần cân nhắc tốc độ phù hợp để đảm bảo vận hành ổn định an toàn hệ thống điện. Do vậy, trải qua giai đoạn đầu khuyến khích thì tới đây sẽ tiến tới giai đoạn có chọn lọc nên chính sách giá ngắn hạn là cần thiết bởi giá các thiết bị công nghệ đã giảm nhanh".
Theo vị này, Bộ Công thương đang phối hợp với tư vấn, với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá, rà soát cập nhật thông số đầu vào mô hình tính toán, nhu cầu về điện thời gian tới, khả năng vận hành hệ thống điện... để đề xuất giá bán điện mới áp dụng cho các hệ thống ĐMT mái nhà giai đoạn sau năm 2020.
“Chắc chắn sẽ tiếp tục theo cơ chế giá cố định (FIT) cho hệ thống này và hoàn thành dự thảo trong quý I, tuy nhiên, có thể thấp hơn giai đoạn trước”, vị này nói.
Bên cạnh đó, vị đại diện cho biết, cơ chế giá cũng đang được nghiên cứu, phân tích với một số phương án mới như: Tính toán giá bán ĐMT mái nhà cố định phân chia theo vùng bức xạ, phân chia theo khu vực phụ tải và phân chia theo quy mô công suất, có thể là các mức bé hơn 15 kWp, 100 kWp, 1,25 MWp.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), công suất các nguồn điện hiện có trong hệ thống đã lên tới 69.000 MW. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.430MW (tăng 11.780MW so với năm 2019) và chiếm tỷ trọng 25,3%. Riêng công suất của ĐMT các loại là 16.500 MW, chiếm xấp xỉ 24%.
Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, trong năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ KWh năng lượng tái tạo do sự tăng trưởng đột biến này.
Về giới hạn công suất ĐMT mái nhà cũng đang được nghiên cứu 2 khả năng, một là nâng lên đến 3 MW; Hai là, giảm từ 1 MW xuống mức thấp hơn.
Ngoài ra, cơ chế giá mới cũng hướng đến phương án khuyến khích đối tượng khách hàng lắp điện mặt trời mái nhà để tự dùng là chính...
Đối với các dự án ĐMT mặt đất nối lưới, vị lãnh đạo thông tin, sẽ có cơ chế đấu thầu/đấu giá trong năm nay, tuy nhiên, lại bỏ ngỏ khoảng thời gian áp dụng chính thức khi hiện tại, Bộ Công thương đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến từ các Bộ ngành để hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế trên cho thấy, dù đang "ngóng" giá ĐMT nhưng cuộc đua của năm 2021 đã có nhiều thay đổi khi công suất ĐMT vận hành trong thực tế gấp nhiều lần so với quy hoạch, dẫn tới việc huy động công suất sẽ giảm thấp, gây lãng phí nguồn lực và sai lệch tính toán kế hoạch đầu tư.
Trước đó, Báo Giao thông số ra ngày 16/1/2021 có bài “Ôm nợ vì... lao vào điện mặt trời”, phản ánh câu chuyện của doanh nghiệp (DN) khi trông chờ vào chính sách ưu đãi đã chơi “tay ngang” lao vào đầu tư ĐMT. Không những bị lỡ nhịp liên tục với 2 chính sách giá cố định (FIT) mà còn “ôm cục nợ” khi chính sách được đánh giá là “ngắn hạn quá” đối với những dự án ĐMT lớn khiến DN xoay không kịp thời hạn vận hành.
Trong khi đó, sự bùng nổ ĐMT mái nhà quá nhanh khiến Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) phải cảnh báo nhiều khó khăn cho công tác điều độ và tăng nguy cơ mất an toàn hệ thống điện.
Điều này sẽ khiến tình trạng “không huy động được các nhà máy ĐMT lớn” càng trở nên trầm trọng trong giai đoạn tới, trong bối cảnh vừa có thêm 7.110 MWp ĐMT mới được Bộ Công thương đề xuất Chính phủ xem xét, làm cơ sở triển khai đấu thầu/đấu giá hoặc thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện năng lượng tái tạo...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận