Xu hướng này ban đầu xuất phát từ các quốc gia tại châu Âu như Tây Ban Nha và mới nhất xuất hiện tại Thái Lan. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các quan chức khác cho rằng, thế giới còn mất thêm nhiều thời gian nữa mới có thể chấm dứt đại dịch.
Để làm rõ hơn vấn đề này, hãng tin AP có bài viết nêu rõ bệnh đặc hữu là gì và những gợi ý cho tương lai.
Thế nào là bệnh đặc hữu và đại dịch?
Bệnh lây nhiễm được coi là bệnh đặc hữu khi diễn ra liên tục trong một khu vực nhất định. Còn trường hợp dịch bệnh bùng phát trên quy mô toàn cầu, gây ra những làn sóng bệnh tật không thể lường trước thì được coi là đại dịch.
Theo bà Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu đánh giá, thế giới còn một chặng đường dài nữa có thể trở thành bệnh đặc hữu.
“Chúng ta vẫn còn rất nhiều bất ổn, virus biến đổi rất nhanh”, bà Smallwood nói.
Tính đến ngày 26/1, thế giới ghi nhận trung bình 3,3 triệu ca nhiễm mới/ngày
Với nhiều quốc gia, việc chuyển Covid-19 sang bệnh đặc hữu đồng nghĩa họ sẽ không cần phải huy động quá nhiều nguồn lực để chống chọi dịch bệnh vì nó không còn là vấn đề y tế khẩn cấp.
Hầu hết các quốc gia giàu có đưa ra quyết định dựa trên mức độ virus lây lan trong đất nước và khả năng ca nhiễm mới bùng phát đại dịch lớn.
Ở những nước này, vaccine, thuốc và các biện pháp khác phòng chống Covid-19 luôn có sẵn nên họ có thể kiểm soát đại dịch sớm hơn rất nhiều so với toàn cầu.
Về kỹ thuật mà nói, WHO chưa tuyên bố đại dịch. Mức độ cảnh báo cao nhất là tình hình y tế khẩn cấp toàn cầu và họ đã đưa ra cảnh báo này với Covid-19 từ tháng 1/2020.
Tổ chức này cũng thường xuyên nhóm họp uỷ ban chuyên gia 3 tháng/lần kể từ khi đại dịch bùng phát để tái đánh giá tình hình.
Đại dịch có thể coi là đã qua đi khi các chuyên gia WHO tuyên bố Covid-19 không còn được xếp vào mức khẩn cấp toàn cầu. Song đến nay các tiêu chí để đưa ra quyết định này chưa được xác định chính xác.
Hãng tin AP dẫn lời Tiến sỹ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: “Phần nào đó, đánh giá này sẽ mang tính chủ quan vì nó không chỉ dựa trên số lượng ca nhiễm mà dựa trên mức độ nghiêm trọng và tác động của dịch”.
Một số chuyên gia khác chỉ ra, việc xác định Covid-19 là bệnh đặc hữu có lẽ là câu hỏi mang tính chính trị nhiều hơn là tính khoa học. Cách đánh giá sẽ thể hiện mức độ dịch bệnh và số người chết mà giới chức và người dân nước đó sẵn sàng chấp nhận.
Tây Ban Nha và Thái Lan đề xuất những gì?
Khoảng đầu tháng 1 này, Thủ tướng Tây Ban Nga Pedro Sanchez cho biết tỉ lệ tử vong người vì Covid-19 tại nước này đã giảm đồng nghĩa, đây là lúc giới chức châu Âu nên bắt đầu cân nhắc chuyển dịch bệnh sang đặc hữu.
Khi đó, giới chức Tây Ban Nha sẽ không còn cần ghi nhận từng ca nhiễm Covid-19 và người dân có triệu chứng không cần phải xét nghiệm nhưng họ tiếp tục được điều trị khi cần thiết. Đề xuất này đã được một số quan chức châu Âu bàn bạc nhưng chưa có quyết định cuối cùng.
Khái niệm bệnh đặc hữu không phải mang hàm nghĩa tốt đẹp mà có nghĩa là virus sẽ tồn tại mãi mãi xung quanh con người.
Tiến sỹ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
Mới nhất, tại Thái Lan, Bộ Y tế công cộng Thái Lan lên kế hoạch tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu vào cuối năm nay dựa trên các tiêu chí riêng của nước này.
Thư ký thường trực Bộ Y tế công cộng Thái Lan Kiattiphum Wongrajit thông báo kế hoạch nói trên sau cuộc họp của Ủy ban Bệnh truyền nhiễm quốc gia ngày 27/1.
Tiến sĩ Kiattiphum cho biết ủy ban đã lên kế hoạch tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu trước cuối năm nay dựa trên các tiêu chí có thể chấp nhận được về mặt học thuật, bao gồm không quá 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tỉ lệ tử vong không vượt quá 0,1% và hơn 80% số người có nguy cơ mắc bệnh được tiêm 2 liều vaccine ngừa Covid-19.
Theo ông Kiattiphum, quan điểm của Bộ Y tế công cộng Thái Lan là đại dịch COVID-19 đã lây lan trong hơn 2 năm qua và các xu hướng cho thấy căn bệnh này đã được kiểm soát và hiện không quá nghiêm trọng.
"Về cơ bản, Covid-19 có thể lây lan nhưng hiện không nghiêm trọng. Tỉ lệ tử vong có thể chấp nhận được. Có thể các đợt dịch mới vẫn tiếp tục xảy ra, nhưng quan trọng là người dân phải có đủ miễn dịch. Người dân phải được tiêm phòng và chúng ta cần có hệ thống điều trị hiệu quả.
Sau khi nhận thấy tiêu chí trên đã được đáp ứng, Covid-19 có thể được công bố là bệnh đặc hữu ở Thái Lan, ông Kiattiphum khẳng định.
Nếu tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu, các bệnh viện của Thái Lan sẽ điều trị cho bệnh nhân theo nhu cầu cá nhân và có thể yêu cầu tất cả mọi người hoặc chỉ riêng bệnh nhân đeo khẩu trang.
Coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, đồng nghĩa đại dịch chấm dứt?
Câu trả lời là không. Rất nhiều dịch bệnh nghiêm trọng như HIV được coi là đặc hữu tại một số quốc gia trên thế giới những vẫn là nguyên nhân dẫn tới cái chết của hàng trăm nghìn người/năm trên toàn cầu.
Bệnh sốt rét được coi là bệnh đặc hữu ở nhiều nơi thuộc khu vực châu Phi hạ Saraha nhưng vẫn gây ra hơn 200 triệu nhiễm trong một năm, khiến 600.000 người chết.
Giới chức y tế cảnh báo kể cả sau khi Covid-19 trở thành virus đường hô hấp giống như bệnh cúm mùa, virus này sẽ vẫn gây tử vong với một số người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận