Người dân Hà Nội thường đối mặt với không khí ô nhiễm từ cuối thu, đầu đông và vào xuân. Ảnh: Tạ Hải
Vào những ngày lạnh, lặng gió kèm sương mù, người dân Hà Nội khi ra đường lại có cảm giác tức ngực, khó thở, đau đầu… Trong khi đó, các ứng dụng đo chất lượng không khí đồng loạt hiển thị cảnh báo đỏ, tím, thậm chí nâu thẫm (mức đặc biệt nguy hại). Vấn đề người dân quan tâm hiện nay là đến bao giờ họ mới phải thôi “sống chung” với ô nhiễm không khí?
Ảnh hưởng tiêu cực từ gió mùa Đông Bắc
Trong những năm qua, Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung thường xuất hiện ô nhiễm không khí vào thời điểm cuối thu đầu đông và mùa xuân. Kết quả quan trắc từ tháng 11/2020 tới đầu năm 2021 cho thấy chất lượng không khí tại Hà Nội và các thành phố phía Bắc đã bị suy giảm nghiêm trọng.
Đặc biệt trong những ngày đầu năm 2021, chất lượng không khí của Thủ đô đã chạm ngưỡng cảnh báo “rất xấu” tại nhiều địa điểm. Đáng chú ý, ô nhiễm không khí cao nhất thường vào buổi đêm và sáng sớm, là thời điểm lượng xe cộ lưu thông và hoạt động thường nhật của con người hầu như không có.
Theo ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), xu hướng biến động của hàm lượng bụi PM10 và PM2.5 tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu.
Cụ thể, vào mùa thu, đông và xuân, ít ánh nắng mặt trời nên ban ngày mặt đất bị đốt nóng vừa phải. Sau khi hết ánh nắng mặt trời vào buổi tối, do trời quang nên bức xạ sóng dài làm mặt đất bị lạnh rất nhanh và tạo nên hiện tượng nghịch nhiệt gần mặt đất vào đêm và sáng sớm. Đây cũng là khoảng thời gian gió lặng.
Gió lặng kết hợp với nghịch nhiệt làm khí thải từ ô tô, xe máy và các hoạt động dân sinh, xây dựng và công nghiệp khác không khuếch tán lên cao được. Kết quả là gần mặt đất có nồng độ khói, bụi rất cao. Nếu không có gió mùa Đông Bắc hoặc mưa lớn, khói bụi sẽ tích tụ trong lớp không khí sát mặt đất làm nồng độ khói, bụi tăng dần theo thời gian.
Mặt khác, theo ông Nam, gió mùa Đông Bắc vào mùa đông cũng mang theo một lượng lớn bụi từ phía Bắc đến Việt Nam gây ra những ảnh hưởng cộng hưởng tiêu cực.
“Tuy nhiên, thời tiết chỉ là yếu tố cộng hưởng, nguyên nhân chính được xác định gây nên ô nhiễm không khí là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả”, ông Nam khẳng định.
“Sát thủ thầm lặng”
Dẫn ra kết quả nghiên cứu của Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP) năm 2017 tại Việt Nam, chuyên gia môi trường, GS.TS. Phạm Ngọc Đăng cho hay, trong số hơn 71.200 người chết vì ô nhiễm môi trường, có hơn 70% người chết vì ô nhiễm không khí, hơn 4,4% vì ô nhiễm nguồn nước, 11,5% vì ô nhiễm chì và khoảng 12,6% vì ô nhiễm nghề nghiệp.
“Rõ ràng chết bởi ô nhiễm không khí là nhiều nhất, đặc biệt bụi PM2,5 gây ra rất nhiều loại bệnh tật liên quan tới ung thư nhưng tới nay vẫn chưa có thông tin nghiên cứu đánh giá chính thức tại Việt Nam”, ông Đăng nói.
Đáng chú ý, theo các chuyên gia y tế, khi một đứa trẻ nếu lớn lên trong điều kiện ô nhiễm không khí, phổi phải tiếp xúc lâu dài với bụi mịn, bụi siêu mịn thì nguy cơ sẽ dẫn tới các bệnh phổi mạn tính, gây suy giảm sức khỏe lao động và ảnh hưởng tới cuộc sống sau này… Đây mới chính là hệ lụy nghiêm trọng của ô nhiễm không khí tới xã hội.
Trước câu hỏi, ảnh hưởng của những nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội ra sao, TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh (Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành Giám sát hiện trường - FIMO, ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, câu trả lời không hề đơn giản: “Đây là bài toán tổng thể. Hiện, vẫn chưa có số liệu đánh giá chính thức của cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm”.
Theo các chuyên gia, bản chất ô nhiễm không khí tại Hà Nội vẫn do nguồn phát thải hàng ngày không có dấu hiệu suy giảm. Để giải quyết tận gốc thì cần phải có số liệu kiểm thải xem tỷ lệ đóng góp của các nguồn phát thải hiện nay gây ô nhiễm không khí ra sao.
TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho hay, vấn đề kiểm kê phát thải đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2015 song tới nay vẫn chưa được thực hiện.
“Không chỉ đo đếm được tỷ lệ phát thải của mỗi lĩnh vực, kiểm kê phát thải còn chỉ ra những vị trí nào ô nhiễm ở mức độ ra sao. Điều này cũng giống như việc bắt đúng bệnh mới có giải pháp chữa bệnh đúng và trúng. Để kiểm kê nguồn phát thải chuẩn xác, cần có hướng dẫn kỹ thuật, nhưng hiện chúng ta vẫn chưa xây dựng được phương pháp”, ông Tùng nói.
Theo ông Lê Hoài Nam, để kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn, trong thời gian 5 năm tới các Bộ TN&MT, GTVT, Xây dựng, Công Thương, NN&PTNT cùng UBND các tỉnh, thành phố sẽ vào cuộc thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng không khí.
Theo đó, sẽ rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng.
Giải pháp cho các thành phố lớn
Theo các chuyên gia, để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, cần khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu. Tổ chức và duy trì hoạt động phun nước rửa đường nhiều lần trong ngày tại các trục, tuyến đường giao thông chính. Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến đường giao thông. Thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận