Quản lý

Bao giờ “hồi sinh” tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân?

12/03/2020, 06:37

Dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân tạm dừng triển khai gần chục năm nay kéo theo nhiều hệ lụy về quản lý tài sản, tăng tổng mức đầu tư.

img
Khu vực cảng Cái Lân đã có đường sắt khổ lồng kéo đến bãi hàng

Dự án đầu tư xây mới kết hợp nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân dù giải ngân 56% vốn trên tổng mức đầu tư nhưng phải dừng thi công từ năm 2011. Vậy, bao giờ dự án có thể tiếp tục đầu tư trở lại?

Giải ngân 56% vốn, tạm dừng gần chục năm

Dự án đầu tư, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Cái Lân (Quảng Ninh) có tổng chiều dài 131km, với mục tiêu xây dựng mới 43km và cải tạo, nâng cấp 88km đường cũ, với hai điểm đầu là ga Yên Viên và bãi xếp dỡ hàng hóa của cảng biển Cái Lân. Dự án có tổng mức đầu tư tại thời điểm tháng 3/2012 là 7.665 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nhằm nối thẳng các chuyến tàu từ Yên Viên qua Hải Dương để đến cảng Cái Lân, thay vì chạy vòng từ Hà Nội lên Bắc Giang.

Tuyến đường mới sẽ rút ngắn thời gian chạy tàu xuống chỉ còn 1,5 - 2 giờ với tàu khách, 3 - 4 giờ đối với tàu hàng so với hành trình 7,5 giờ như hiện nay. Dự án đã triển khai trên thực địa vài năm và dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Tuy nhiên, cũng kể từ năm 2011, dự án phải dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/2011 và đến nay chưa xác định cụ thể thời điểm triển khai thực hiện trở lại.

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, dự án được chia thành 4 dự án thành phần gồm: Hạ Long - cảng Cái Lân; Lim - Phả Lại; Phả Lại - Hạ Long; Yên Viên - Lim. Trước khi dự án tạm dừng, chủ đầu tư (trước đây là Cục Đường sắt VN) đã ký hợp đồng với các nhà thầu để cung cấp vật tư thiết bị, nhưng do dừng triển khai nên các vật tư, thiết bị đã mua sắm chưa được lắp đặt hết, đang được tập kết tại một số ga đường sắt dọc tuyến.

Theo Ban QLDA đường sắt (chủ đầu tư hiện nay), số lượng ray và phụ kiện lên tới 13.246 thanh, có giá trị khoảng 375 tỷ đồng. Số vật tư, thiết bị trên được Bộ GTVT giao cho Tổng công ty Đường sắt VN trông coi, bảo quản bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, dự án phải bồi thường, hỗ trợ hơn 253 tỷ đồng cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Bộ GTVT đã cấp chi cho địa phương hơn 41%.

Thời điểm tạm dừng, dự án đã đầu tư xong bãi tập kết container và đường chạy cẩu tại khu vực cảng Cái Lân, nhưng doanh nghiệp khai thác chưa đầu tư hệ thống cầu xếp dỡ hàng hóa nên chưa khai thác. Còn các công trình, hạng mục khác đang thi công trong tình trạng dang dở, chịu tác động của thời tiết nên nền đường đoạn xây mới bị xói mòn, kéo theo mất mát khối lượng, giảm chất lượng công trình. Một số công trình cầu thép đã được lao lắp dầm, nhưng đường dẫn hai đầu cầu chưa được xây dựng xong.

“Theo kết quả rà soát gần đây nhất của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, các dự án thành phần đã giải ngân 4.331 tỷ đồng, đạt 56% tổng mức đầu tư toàn bộ dự án”, lãnh đạo Cục Đường sắt VN cho biết.

Kiến nghị tiếp tục đầu tư phân kỳ thành 2 giai đoạn

Theo chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân, dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối khu kinh tế Đông Bắc của đất nước, kết nối cảng Cái Lân và tiến tới cảng biển nước sâu Lạch Huyện, cần thiết được tiếp tục đầu tư, dù phải bổ sung vốn từ 7.500 tỷ lên khoảng 10.500 tỷ đồng. Trong thời gian dự án chưa triển khai, các bộ, ngành nên tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để đưa số vật tư đã mua sắm của dự án vào dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam đang được triển khai.


Việc dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân tạm dừng triển khai gần chục năm nay kéo theo nhiều hệ lụy về quản lý tài sản, tăng tổng mức đầu tư (nếu tiếp tục triển khai). Đồng thời, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân thuộc diện giao mặt bằng để triển khai dự án. Trong văn bản gửi Bộ GTVT, cử tri các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh cũng bày tỏ mong muốn dự án sớm được khôi phục hoặc có quyết định rõ ràng dừng hay triển khai tiếp.

Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cho biết, việc đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đã được định hướng trong các chiến lược, quy hoạch GTVT đường sắt định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kết nối với cảng Cái Lân. Cục cũng kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ cho phép tiếp tục đầu tư dự án theo phương án phân kỳ theo 2 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 nối thông tuyến bằng đường lồng, chỉ làm mới ga Châu Cầu, Chí Linh, chưa cải tạo các nhà ga cũ, sử dụng hệ thống thông tin tín hiệu bước tạm với mục tiêu nối thông tuyến với mạng quốc gia để có khối lượng vận tải lớn hơn; với các ga chỉ có một đường ga và một đường chính tuyến lắp đường lồng. Giai đoạn 2, lắp đặt tín hiệu tự động và ghi điều khiển toàn tuyến và hoàn chỉnh các phần việc còn lại của dự án.

Bộ GTVT cho biết, tháng 9/2019, Bộ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chuyển ray và phụ kiện đồng bộ đã mua sắm của dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân vào dự án cải tạo, nâng câp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM sử dụng gói 7.000 tỷ đồng. Hiện, Bộ GTVT đã giao Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Ban QLDA đường sắt nghiên cứu tính toán tổng nhu cầu vốn dự án để báo cáo Chính phủ xem xét khả năng cân đối vốn, báo cáo Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm nay. Nếu kịp có thể đề xuất giao theo kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để tiếp tục triển khai dự án trở lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.