Ngày 29/4, theo nguồn tin của Báo Giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có chỉ đạo liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công trình, dự án phòng, chống thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó có dự án khẩn cấp khắc phục sạt lở đê biển Tây.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục công trình đối với dự án khẩn cấp khắc phục sạt lở đê biển Tây (bơm bùn, bơm cát, kè rọ đá, kè khẩn cấp,...) nhằm đảm bảo tính ổn định công trình và bảo vệ an toàn tuyệt đối tuyến đê biển trước mùa mưa bão năm 2020.
“Đặc biệt lưu ý vị trí lấy đất bùn để bơm vào khoang đào phải cách xa tuyến kè, để tránh ảnh hưởng đến tuyến kè”, Chủ tịch tỉnh Cà Mau lưu ý rõ.
Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Trần Văn Thời và UBND huyện U Minh phối hợp với Sở NN&PTNT, đơn vị thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, thống kê, phân loại nhóm đối tượng lấn, chiếm xây cất nhà ở trong hành lang bảo vệ đê, qua đó có biện pháp xử lý từng đối tượng.
Đối với sạt lở lộ giao thông nông thôn vùng ngọt hóa, Chủ tịch tỉnh Cà Mau yêu cầu các địa phương trong tỉnh khẩn trương khảo sát thực tế, xác định các vị trí có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất (khu vực sông, kênh sâu, mái ta-luy thẳng đứng hoặc khuyết sâu vào thân lộ (hẳm, hở hàm ếch)...).
Khẩn trương lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm ngay những chỗ có nguy cơ sạt lở và tuyệt đối không để người dân khai thác đất dưới lòng sông, bờ kênh (có biển cấm). Đồng thời, triển khai ngay các biện pháp gia cố bằng vật liệu của địa phương (đất, cừ tràm) nhằm hạn chế sạt lở, sụt lún đất. chuẩn bị sẵn sàng các phương án khắc phục các vị trí sạt lở, sụt lún đất để triển khai ngay khi mùa mưa đến.
Trước đó, vào tháng 2/2020, tình hình sụt lún và sạt lở đê biển Tây liên tục diễn ra. Sau 2 lần sụt lún và sạt lở, đê đã gây hư hỏng hoàn toàn 240m và rạn nứt gần 4km, đê biển Tây đang tiếp tục có nguy cơ sụt lún.
Để khẩn cấp giữ chân đê và hạn chế tình trạng sụt lún và sạt lở đê diễn ra, tỉnh Cà Mau đã thực hiện giải pháp bơm lượng bùn, cát cần thiết để gây phản áp ngăn lún, sụt và đảm bảo an toàn khi mùa mưa sắp đến.
Theo tính toán của ngành chuyên môn, phải cần bơm 200.000m³ cát và bùn vào tuyến kênh ven chân đê hiện hữu với chiều dài khoảng 4,3km gây phản áp.
Chi cục thủy lợi tỉnh Cà Mau đang triển khai công trình san lấp (xáng thổi) phản áp để phòng, chống sụt lún, đoạn từ Kênh Mới đến Đá Bạc.
Song song đó, Ban Quản lý dự án công trình NNPTNT cũng triển khai bơm cát để san lấp kênh đê đoạn Đá Bạc (800m) để làm khu dân cư xen ghép, phục vụ bố trí dân cư đối với các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đê biển Tây (điều chỉnh) trên địa bàn xã Khánh Bình Tây.
Ngoài tuyến đê biển Tây bị ảnh hưởng của hạn hán, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng bị sụt lún nghiêm trọng như: Tuyến Co Xáng – Cơi 5- Đá Bạc; Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận