Hạ tầng

Bao giờ nối thông cao tốc Bắc - Nam?

22/01/2015, 07:03

Ngành GTVT đang huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành hơn 2 nghìn km đường cao tốc.

91
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy hiện quả lớn

Phấn đấu hoàn thành 2.044 km đường cao tốc năm 2020

Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, theo quy hoạch chiến lược phát triển ngành GTVT, cả nước sẽ có khoảng 6.400 km đường cao tốc được xây dựng. Tính đến hết năm 2014, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 524km, dự kiến trong năm 2015, con số này được nâng lên 679 km. Theo kế hoạch, đến năm 2020, cả nước sẽ có 2.044 km đường cao tốc.

“Đường cao tốc là động lực phát triển KT-XH đất nước. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, nhưng chúng ta đã hoàn thành được một lượng đường cao tốc rất lớn”, Bộ trưởng nói. Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác 2.044 km cao tốc trên cả nước, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị VEC phải có những đề xuất, nghiên cứu để triển khai các dự án cao tốc mới với mục tiêu sớm nối thông đường cao tốc Bắc - Nam.

"Khu vực Tây Nguyên không có loại hình vận tải đường biển, đường sắt, vận tải hàng không có nhưng không đáng kể, do đó cần phải sớm nghiên cứu triển khai xây dựng đường cao tốc ở khu vực này. Làm đường cao tốc không chỉ đơn thuần vì lợi nhuận mà nó còn rất nhiều ý nghĩa về quốc phòng. Nếu chúng ta không làm sớm, các nhà đầu tư khác sẽ nghiên cứu và làm trước. VEC đã có kinh nghiệm làm hơn 500km đường cao tốc mà không triển khai được các dự án mới, sẽ bị tụt hậu so với các đơn vị khác”

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Nói về khả năng thông tuyến cao tốc Bắc - Nam, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ KHĐT (Bộ GTVT) cho biết, theo quy hoạch, nhiều đoạn tuyến sẽ hoàn thành trước năm 2020. Tuy nhiên, có một số đoạn qua miền Trung như Vũng Áng - Cam Lộ hoặc Quảng Ngãi - Nha Trang sẽ triển khai sau 2020. Những đoạn này, lưu lượng phương tiện chưa thật sự lớn. Hơn nữa, cuối năm 2015 sẽ hoàn thành nâng cấp QL1 lên bốn làn xe nên hoàn toàn đáp ứng được khả năng lưu thông và phát triển KT-XH của các địa phương.

Với các đoạn tuyến còn lại, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, các tuyến: Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào khai thác. Hiện trên tuyến còn khoảng 226 km đang triển khai và chắc chắn hoàn thành trước năm 2020. Trong đó, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 30 km đang được nâng cấp lên chuẩn cao tốc, sẽ hoàn thành giai đoạn 1 trong năm nay. Tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139 km, Bến Lức - Long Thành 57 km cũng đã khởi công xây dựng.

Tới đây, đoạn từ Thanh Hóa đến Vũng Áng khoảng 200 km đầu tư theo tiêu chuẩn cao tốc cũng được khởi công. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành tuyển chọn và có thể đấu thầu để chọn nhà đầu tư. Như vậy, từ Hà Nội đến Vũng Áng chắc chắn sẽ liền mạch cao tốc trước năm 2020. Cùng với đó, tuyến Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan đang được Ban QLDA đường HCM triển khai xây dựng, góp phần nối thông toàn tuyến nhánh Đông đường HCM, đồng thời hoàn thiện một phần tuyến cao tốc Bắc - Nam, nối thông với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Còn từ phía TP HCM trở ra, ngoài tuyến TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành chắc chắn hoàn thành trước 2020. Tuyến Dầu Giây - Phan Thiết cũng đang được gấp rút triển khai thí điểm theo hình thức PPP và có khả năng xong sớm. Liền kề ngay đó là tuyến Nha Trang - Phan Thiết cũng đang được tính toán đầu tư. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Ban QLDA 6 - đơn vị được giao chuẩn bị dự án cho biết, mới đây đã đăng ký sử dụng vốn vay JICA trong tài khóa sắp tới để triển khai. Ban QLDA 6 tính toán nhiều phương án, trong đó việc chỉ xây dựng theo tiêu chuẩn hai làn, với vốn đầu tư chỉ khoảng 14 nghìn tỷ đồng để có thể khởi công sớm.

92
Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đăng ký mua quyền khai thác cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Huy động mọi nguồn lực

Đẩy mạnh tiến độ thực hiện và chuẩn bị các dự án đường cao tốc, trong đó đặc biệt là tuyến Bắc - Nam là nhiệm vụ được Chính phủ và Bộ GTVT đặc biệt quan tâm. Để thực hiện được mục tiêu đó cần có cơ chế đột phá về vốn, đa dạng hóa hình thức đầu tư để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước nếu xây dựng đường cao tốc.

Tại quy hoạch phát triển mạng cao tốc quốc gia, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ cơ cấu nguồn vốn xây dựng đường cao tốc gồm nhiều nguồn như: Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước dưới hình thức Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay, phát hành trái phiếu công trình, vốn do các nhà đầu tư huy động đầu tư xây dựng theo các hình thức BOT, BTO, BT, hợp tác nhà nước - tư nhân (PPP),...

Thời gian qua, Bộ GTVT đã huy động được nhiều nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư theo hình thức BOT mà điển hình là các dự án tới đây sắp được triển khai thuộc đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa - Vũng Áng. Trước đây, do tổng mức đầu tư lớn, việc kêu gọi nguồn vốn rất khó khăn. Tuy nhiên, với sự năng động, sáng tạo của Bộ GTVT, triển khai dự án với quy mô vừa phải nên thu hút được nhiều nhà đầu tư đăng ký. Thậm chí tới đây còn phải đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

Một hình thức rất tiềm năng khác là chuyển nhượng các dự án đã hoàn thành lấy tiền đầu tư các công trình mới. Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết, đơn vị này đang lên phương án bán cả 5 tuyến cao tốc đã và đang đầu tư. Trong đó, tiềm năng nhất là tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. “Hiện có nhiều nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài đăng ký”, ông Tuấn Anh thông tin.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng gợi ý: ”Trước đây chúng ta chỉ chuyển nhượng quyền thu phí trong thời hạn 5 năm thì bây giờ phải nghiên cứu để chuyển nhượng toàn bộ dự án lấy vốn đầu tư các dự án tiếp theo”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu VEC cần đề xuất cơ chế sử dụng đất đai hai bên đường của các tuyến cao tốc để phát triển với phương châm lấy hạ tầng nuôi hạ tầng. Đặc biệt là việc liên danh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những dự án hạ tầng giao thông nhất là đường cao tốc.

Đ.Thắng - Đ.Quang

VEC đạt doanh thu hơn 700 tỷ đồng từ thu phí cao tốc

Ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VEC cho biết, VEC đã hoàn thành đề án tái cơ cấu tổng thể mô hình tổ chức, hoạt động và hướng tới cổ phần hóa doanh nghiệp trong năm 2015. Đồng thời, VEC đã hoàn thành trình Bộ GTVT phê duyệt tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư tại 5 dự án đường cao tốc do Tổng công ty là chủ đầu tư. Trong năm qua, VEC đã tiến hành khởi công dự án Bến Lức - Long Thành và triển khai thi công toàn bộ các gói thầu xây lắp của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đặc biệt, năm 2014, VEC đã hoàn thành và đưa vào khai thác cao tốc Nội Bài - Lào Cai với tổng chiều dài 245 km và 24 km đoạn từ An Phú đến QL51 thuộc dự án TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây... nâng tổng số km đường cao tốc VEC đang vận hành và khai thác lên 320 km.

Công tác khai thác các dự án đã đi vào ổn định, đảm bảo trật tự ATGT và hiệu quả. Năm 2014, tổng lượt xe qua các tuyến đạt 13,2 triệu lượt, tổng doanh thu thu phí các tuyến là 729 tỷ đồng, đạt 141% kế hoạch. “Doanh thu toàn Tổng công ty năm 2014 đạt 733,4 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến đạt 351 triệu đồng”, ông Tuấn Anh thông tin. Với các thành tích đạt được, VEC vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Thắng Quang

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.