Hiện những trường hợp vi phạm Luật GTĐB ở địa bàn khác, xa nơi sinh sống đang phải đi lại nhiều, gây tốn kém |
Quy trình nộp phạt vi phạm ATGT hiện rất phức tạp, mất thời gian cho cả người vi phạm lẫn cơ quan quản lý. Do vậy, với hệ thống ngân hàng rộng khắp cả nước, việc triển khai thu tiền nộp phạt qua tài khoản ngân hàng sớm ngày nào, tốt ngày đó.
Tiện cho dân, hạn chế tiêu cực
Theo cách xử phạt vi phạm giao thông hiện nay, người nộp phạt phải ký biên bản nộp phạt, sau đó cầm biên bản vi phạm ra Kho bạc Nhà nước nộp phạt. Sau đó cầm biên lai về nộp lại cho cơ quan xử lý để nhận lại giấy tờ. Thủ tục này gây khó khăn cho người dân khi phải tốn nhiều thời gian đi lại mà chưa chắc đã được việc, đồng thời khiến CSGT phải thêm thủ tục, tốn kém thời gian.
Anh Hoàng Đình Dũng, trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa đi nộp phạt vi phạm giao thông chia sẻ, chỉ với lỗi không bật đèn xi nhan khi điều khiển xe máy, anh phải xin công ty nghỉ buổi sáng để đi đóng tiền phạt. Do không biết đường, lòng vòng mất 20 phút anh mới tìm được Kho bạc. Tại đây, anh nộp giấy đóng phạt và ngồi chờ thêm 20 phút nữa mới đến lượt. Cầm được tờ giấy đóng phạt khi đã 11 giờ, anh ngược trở lại Đội CSGT và tiếp tục chờ làm thủ tục nhận lại giấy tờ xe. Như vậy, anh Dũng mất gần buổi sáng để làm thủ tục đóng phạt.
"Bộ Tài chính đang xây dựng tờ trình nội dung liên quan tới việc triển khai thu phí phạt vi phạm ATGT qua ngân hàng. Khó khăn nhất hiện nay là làm sao để người vi phạm nộp phạt mà không cần mang giấy tờ tới cơ quan công an nhưng cơ quan này vẫn biết để trả lại giấy tờ cho họ. Hiện đã có ba địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế và Khánh Hòa đã thực hiện. Theo đó, bưu điện đứng ra làm khâu trung gian, thay người vi phạm nộp phạt tại ngân hàng sau đó chuyển biên lai, giấy tờ giữa các đầu mối”. Bà Hồ Thị Hằng |
Chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thu Hòa đến Phòng CSGT Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) làm thủ tục đóng phạt cho em trai nhưng đành quay về vì không có giấy ủy quyền. Chị Hòa cho biết, em trai chị được hẹn làm thủ tục đóng phạt từ tháng 12 nhưng do chuyển về Thanh Hóa làm việc nên chưa kịp đóng phạt và nhờ chị đóng thay. Tuy nhiên, cán bộ thụ lý cho biết chị phải làm thủ tục được ủy quyền hoặc em trai phải trực tiếp đóng phạt. “Nếu em trai tôi trực tiếp đóng phạt thì tốn tiền xe khoảng 500.000 đồng và 2 ngày mới có thể lấy được giấy tờ xe. Tốn thời gian và tiền bạc bởi thủ tục rườm rà”, chị Hòa nói.
Nhìn nhận về điều này, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc thu tiền phạt thủ công như hiện nay bắt người dân đi lại nhiều lần, gây tốn kém cho cả cá nhân, xã hội và rất dễ nảy sinh tiêu cực. “Tại nhiều nước, khi cảnh sát xử lý phương tiện vi phạm chỉ cần viết một mảnh giấy phạt nguội, sau đó người dân có thể nộp phạt ở bất cứ đâu. Với hệ thống ngân hàng rộng khắp và dịch vụ có thể thực hiện dễ dàng qua mạng internet, qua điện thoại…việc thu tiền phạt sẽ trở nên hết sức đơn giản”, TS. Phong khẳng định.
Đại tá Nguyễn Văn Chí, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Yên Bái cho rằng, nộp phạt qua tài khoản ngân hàng là có lợi lớn. Phương thức nộp phạt mới sẽ giúp người vi phạm giao thông, nhất là những tỉnh xa nơi bị xử phạt tiết kiệm thời gian đi lại, tiền bạc. Lượng xe lưu thông trên các tuyến đường cũng giảm, tránh nguy cơ tai nạn, tránh áp lực tiếp dân cho PC67, đồng thời tránh tiêu cực trong xử lý vi phạm.
Quý II sẽ có quy trình hướng dẫn thực hiện
Trong kế hoạch thực hiện năm ATGT 2016, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu, ban hành quy định về thủ tục thu, nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính qua tài khoản ngân hàng; đơn giản hóa thủ tục thu, nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Nghị định 81 của Chính phủ quy định người vi phạm ATGT có thể nộp phạt qua tài khoản ở ngân hàng nhưng hiện thủ tục hướng dẫn chưa rõ ràng. “Cần giảm bớt thời gian đi lại, đặc biệt là với người vi phạm mà hành vi vi phạm xảy ra ở địa bàn họ không sinh sống”, ông Hùng nói và cho biết, với tốc độ phát triển nhanh của hệ thống ngân hàng và hệ thống bưu điện có độ bao phủ cao, khả năng để triển khai nộp phạt qua ngân hàng hoàn toàn có thể thực hiện được về mặt công nghệ và hạ tầng.
Cũng theo ông Hùng, quan trọng nhất là tới đây phải kết nối giữa cơ quan nhận nộp phạt và cơ quan ban hành quyết định xử phạt. Ngoài ra, phải có những hướng dẫn rất cụ thể về quy trình thực hiện như: quy trình xác minh nộp phạt, quy trình trả lại giấy tờ cho người vi phạm, trách nhiệm của các bên liên quan để công bố công khai cho người dân.
“Trách nhiệm xây dựng quy trình này thuộc về cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn các quy định của pháp luật liên quan đến ngân sách là Bộ Tài chính và cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính là ngành Công an. Nếu chúng ta xây dựng được quy trình này sẽ khách quan, minh bạch và giảm được những phiền hà cho người dân. Uỷ ban ATGT Quốc gia đang tích cực làm việc với Bộ Tài chính và Bộ Công an để đẩy nhanh việc xử phạt vi phạm giao thông qua tài khoản ngân hàng, trong quý II/2016 sẽ có hướng dẫn quy trình này”, ông Hùng nói.
Về phía Công an, Trung tá Nguyễn Hoài Phương, Đội trưởng Đội CSGT số 11 (Công an Hà Nội) cho biết, quy định hiện hành yêu cầu chính chủ phải ký nhận để tránh tình trạng một người bất kỳ nhặt được biên bản vi phạm đến làm thủ tục đóng phạt rồi nhận phương tiện của chủ xe gây thất thoát tài sản. Bên cạnh đó, nếu nộp phạt qua ngân hàng, phương tiện giam giữ sẽ được trả lại như thế nào, vận chuyển ra sao cho thuận tiện và đảm bảo đúng chủ phương tiện cần tính toán kỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận