Kế hoạch khắc phục tình trạng thiếu cây xanh trên đường Lê Lợi có triển khai hay không; bãi xe thông minh khi nào xây dựng; quy hoạch quảng trường TP đến đâu hay quy hoạch tạo điều kiện cho người kinh doanh vỉa hè... là những kiến nghị đáng chú ý của người dân TP.HCM trước thềm kỳ họp HĐND thứ 10, khóa X.
Theo nhiệm vụ, chức năng được phân công, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cũng vừa tổng hợp, phản hồi người dân và trình UBND TP xem xét.
Phản hồi vấn đề thiếu cây xanh trên đường Lê Lợi (di dời để xây metro số 1), Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cho biết hồi tháng 3 đã báo cáo, đề xuất UBND TP.
Theo đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất TP chi 20-30 tỷ đồng lắp đặt mái che dọc vỉa hè đường Lê Lợi nhằm tạo bóng mát, che mưa, hình thành không gian đi bộ. Trồng cây xanh cũng nằm trong kế hoạch này.
Đại lộ Lê Lợi là con đường được người Pháp khởi lập từ cuối thế kỷ 19. Tuyến đường này từng được gọi là Boulevard Bonard vào thời Pháp và Đại lộ Lê Lợi từ năm 1955 cho đến nay.
Lê Lợi gần chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, là một trong tuyến phố thương mại, dịch vụ sầm uất bậc nhất trung tâm TP.HCM. Đây cũng là một trong 22 tuyến phố đi bộ được thành phố dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới.
Về quy hoạch quảng trường TP, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cho biết TP.HCM đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 quảng trường trung tâm và công viên bờ sông tại khu đô thị Thủ Thiêm vào 11 năm trước (từ tháng 10/2012). Diện tích quy hoạch 27ha, quy mô phục vụ tối đa 430.000 người trong các dịp lễ, hội...
"Việc xác định các khu vực xây dựng quảng trường cũng được phân bổ cho các cấp quy hoạch. Tuy nhiên, các không gian công cộng vẫn còn thiếu và hạn chế, tiện ích chưa đáp ứng người dân", Sở Quy hoạch Kiến trúc nêu.
Cùng với quảng trường, công viên bờ sông là công trình công cộng trải dọc theo bờ sông Sài Gòn tại khu lõi trung tâm Thủ Thiêm với quy mô 9,05ha, dài 2km. Điểm nhấn của công trình này là cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn kết nối Quảng trường trung tâm và quận 1 tại công trường Mê Linh.
Mới đây, dự án cầu đi bộ được UBND TP.HCM phê duyệt thiết kế, lên kế hoạch khởi công vào dịp 30/4/2025.
Liên quan tới việc xây bãi đậu xe thông minh, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cho biết quy hoạch này nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải, phân bố đều các quận huyện. Kế hoạch xây bãi đậu xe cũng được đề cập trong các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch phân khu của TP.
"Riêng để xây bãi xe thông minh hiện kêu gọi đầu tư khó, dẫn đến thiếu hụt bãi xe trên địa bàn", Sở Quy hoạch Kiến trúc nêu lý do.
Một năm trước, Sở GTVT TP giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng lập phương án thí điểm bãi đậu xe cao tầng lắp ghép trên đường Lê Lai (quận 1).
Tuy nhiên, để thực hiện được mô hình này đòi hỏi nhiều chính sách khuyến khích nhà đầu tư tham gia. Vấn đề nhà đầu tư băn khoăn nhất là làm sao để thu hồi vốn, bởi kinh phí đầu tư quá lớn. Trung bình, mức đầu tư mỗi dự án bãi đỗ xe thông minh lên tới vài chục tỷ đồng nhưng số tiền thu về lại “nhỏ giọt”.
Đối với kinh doanh trên vỉa hè, UBND TP đã có Quyết định số 32 về quản lý, sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn. Từ đó, UBND các địa phương sẽ quy định phạm vi, khu vực được phép và hạn chế kinh doanh.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP, một số quận đang nghiên cứu đề án phát triển kinh tế, khu vực thương mại tập trung. Điển hình như khu chợ đêm Hồ Thị Kỷ (quận 10), công viên Bách Tùng Diệp (quận 1) như kiến nghị của người dân.
Ngoài ra, người dân TP.HCM cũng đề nghị TP.HCM rà soát, giải tỏa hẳn những dự án quy hoạch treo đã 23 năm không khả thi như chung cư cao tầng Khu phố 4 (phường Bình Thuận, quận 7); Xóa quy hoạch treo dự án bến xe Xuyên Á...
"Quy hoạch treo quá lâu làm nghèo khó nhiều dân cư, cuộc sống người dân không ổn định, chỗ ở không được xây, sửa nhà, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, an ninh phức tạp...", cử tri nêu kiến nghị.
Về chung cư Khu phố 4, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cho biết đã chuyển nội dung này đến UBND quận 7 để xem xét trong quá trình lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch. Sở cũng lưu ý trong quá trình thẩm định.
Còn đối với quy hoạch bến xe Xuyên Á (quy mô 25ha) tại huyện Hóc Môn, Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng cần thiết, song cần vốn đầu tư rất lớn, ngân sách TP và các địa phương lại có hạn nên thời điểm này TP ưu tiên các dự án cấp bách khác như metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương); Đường Đặng Thúc Vịnh - đường Tô Ký.
Do đó, TP chưa thể triển khai đồng loạt các dự án này trong thời gian ngắn và cũng chưa thể xác định chính xác thời gian thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận