Bóng đá

Bao giờ tuyển bóng đá nam thành công với thày nội?

29/09/2021, 06:30

Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam vẫn chưa có duyên với thầy nội trong suốt chiều dài lịch sử.

Việc HLV Park Hang-seo cùng học trò tạo ra liên tiếp những thành công càng làm cho những người yêu bóng bóng đá Việt đau đáu với câu hỏi: Bao giờ đội tuyển Việt Nam thành công với thày nội?

img

HLV Mai Đức Chung gặt hái được nhiều thành công với đội tuyển bóng đã nữ Việt Nam

Hợp với thày ngoại

Tối nay (29/9) đội tuyển nữ Việt Nam sẽ bước vào trận đấu cuối Vòng loại giải bóng đá nữ châu Á 2022, gặp đối thủ Tajikistan.

Với thực lực vượt trội, một thắng lợi, thậm chí thắng đậm khó tuột khỏi tay HLV Mai Đức Chung và học trò. Trước đó, đoàn quân áo đỏ xuất sắc đánh bại Maldives tới 16-0.

Hai trận đấu với đối thủ dưới tầm không nói lên nhiều điều nhưng nhắc tới HLV Mai Đức Chung, người hâm mộ sẽ dễ dàng nhớ ngay tới những thành công của ông cùng đội tuyển nữ.

Chẳng nói đâu xa, sau nhiều chờ đợi, bóng đá nam mới có tấm HCV SEA Games đầu tiên vào năm 2019. Tuy nhiên, bóng đá nữ có tới 6 lần đoạt HCV và riêng ông Chung đã 4 lần dẫn dắt học trò lên ngôi.

Bóng đá nữ Việt Nam thành công với một HLV nội còn bóng đá nam thì không. Hai giai đoạn thành công nhất cho tới nay đều gắn với thày ngoại. HLV Henrique Calisto (Vô địch AFF Cup 2008) và HLV Park Hang-seo (Vô địch AFF Cup 2018, SEA Games 2019).

Thực tế, trong quá khứ đã có nhiều HLV Việt Nam được giao trọng trách dẫn dắt đội tuyển nam quốc gia nhưng hầu hết đều không để lại dấu ấn.

Mới nhất, HLV Nguyễn Hữu Thắng chỉ tại vị được hơn 1 năm (từ tháng 3/2016 - tháng 8/2017) trước khi từ chức do thất bại tại SEA Games 2017 và trước đó là AFF Cup 2016. HLV Hoàng Văn Phúc hay HLV Phan Thanh Hùng thậm chí chỉ làm việc ở đội tuyển được vài tháng.

Vậy, tại sao các HLV nội lại khó làm tốt nhiệm vụ ở đội tuyển nam quốc gia? Theo chuyên gia Lê Thế Thọ, nguyên nhân đầu tiên là do năng lực chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu ở các giải đấu quốc tế.

Thứ hai, HLV nội có xu hướng cục bộ, không công bằng trong tuyển chọn, sử dụng lực lượng. Thứ ba, HLV nội thường ít có sự độc lập về chuyên môn với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, dễ bị chi phối.

“HLV Park Hang-seo tôi chưa dám đánh giá chuyên môn nhưng ông ấy làm việc công bằng, tập hợp được ý chí toàn đội, cầu thủ ra sân đều chơi hết mình. Đây là yếu tố quan trọng đem đến thành công. HLV nội không làm được điều này khi mang tư tưởng địa phương, quân anh, quân tôi”, ông Thọ nói.

Đồng quan điểm, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhận định, ngoài cái duyên và phần nào đó là trình độ, các đời HLV nội đều không thoát ra được khỏi tình cảm trong giai đoạn xây dựng nền tảng.

“Thời anh Hữu Thắng đội tuyển có sự tương đồng về lực lượng so với HLV Park Hang-seo nhưng ông Park thành công còn anh Thắng thì không. Rõ ràng, HLV nội chưa thể cân bằng các yếu tố ở đội tuyển để tạo nên tập thể mạnh nhất. Ngược lại, nhìn cách ông Park kết hợp quân HAGL, Hà Nội, Viettel, SLNA thành một khối mới thấy ông ấy thành công ngay từ khi xuất phát”, ông Tùng phân tích.

Bao giờ thày nội thành công?

img

HLV Hữu Thắng là nhà cầm quân nội gần nhất dẫn dắt đội tuyển Việt Nam

HLV Park Hang-seo sang Việt Nam làm việc từ cuối năm 2017, dù ông là người nước ngoài nhưng lại rất được yêu mến.

Tuy nhiên, sẽ tự hào hơn rất nhiều nếu những thành công vừa qua được tạo nên bởi một HLV nội. Ngặt nỗi, để thày nội vươn lên, tạo ảnh hưởng ở đội tuyển nam quốc gia hẳn không phải chuyện một sớm một chiều.

Theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, HLV nội muốn thành công với đội tuyển nam chỉ có hai con đường. Một là cần thay đổi tư duy, phá bỏ định kiến quân anh, quân tôi, tạo ra bầu không khí cạnh tranh công bằng ở đội tuyển. Hai là anh phải có lực lượng đủ mạnh để thực hiện ý đồ của mình.

“Tôi nhắc tới ý đồ bởi mỗi HLV có ý đồ riêng khi làm việc. Không ai nói ý đồ đó là sai nhưng nếu không đem lại kết quả tích cực thì sẽ bị chỉ trích”, tiếp lời ông Tùng.

Chuyên gia Lê Thế Thọ nhấn mạnh, đa phần HLV Việt Nam chưa giỏi và sâu về chuyên môn, làm những việc đơn giản tạm được nhưng ở những tình huống phức tạp, yêu cầu trình độ cao thì đuối.

Bởi vậy, nếu HLV nội muốn có được bước tiến lớn khi dẫn dắt đội tuyển thì buộc phải nâng cao trình độ, học hỏi không ngừng.

“Ở các nước bóng đá phát triển, HLV phải trải qua rất nhiều khóa học, thực tế có, lý thuyết có. Mà họ đào tạo thực chất chứ không phải đào tạo kiểu cho có cái bằng ra hành nghề. Ở ta thì ai cũng có thể làm HLV, vừa học vừa làm, vừa cầm quân vừa bổ sung bằng cấp để đảm bảo các quy định. Nhiều người bằng nọ, bằng kia nhưng khi ra thực tiễn có làm được đâu”, ông Thọ chia sẻ.

Cựu HLV Nguyễn Thành Vinh cũng đồng tình với quan điểm muốn có HLV nội giỏi, thành công ở đội tuyển thì cần có những khóa tuyển chọn, đào tạo thật kỹ càng với đầy đủ quy trình theo chuẩn quốc tế.

“Những người này cũng cần có sự rèn luyện, học hỏi ở nhiều vị trí khác nhau như trợ lý, phân tích đối thủ để trau dồi kinh nghiệm trước khi được giao trọng trách. Làm được như vậy, tôi tin tương lai đội tuyển sẽ có những HLV Việt Nam đủ tốt để dẫn dắt”, ông Vinh nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.